Thương anh trai bị cảnh tù tội nên khi nghe bạn bè giới thiệu, T. cũng tin tưởng kêu chị dâu đưa tiền để “chạy án” mà không ngờ rằng mình vừa gặp phải kẻ lừa đảo.
Tiền mất…tật mang
Khi thấy anh trai tên L.V.Q bị Công an một huyện của tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam và bị khởi tố về tội “Tổ chức đánh bạc” (ghi số đề), L.T.T (48 tuổi) cùng gia đình đã vô cùng lo lắng và tìm cách “chạy” để Q không phải chịu cảnh tù tội. T có một người bạn tên U nói có khả năng chạy án nên rất đỗi vui mừng và có ý nhờ cậy.
Ảnh minh họa |
Lập tức, U điện thoại cho Lê Văn Đồng (SN 1965, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Tuy nhiên, Đồng chỉ là trung gian nên thanh niên này tiếp tục điện thoại cho Lê Thị Lệ Thủy (SN 1960, cùng ở Châu Thành A) “đề nghị” việc chạy án. Thủy nhận lời rồi điện lại nói với Đồng “Người ta đã nhận lời lo cho anh Q không bị tù với giá 30.000.000 đồng”. Sau đó, Đồng nhắn U nói lại với T: “Người ta nhận lo cho anh Q không ở tù với giá 30.000.000 đồng, gia đình bồ chịu thì chuẩn bị tiền giao cho người ta”.
Cả tin, T nói lại với chị dâu là bà N.T.M (vợ của ông Q) thì bà M đồng ý. Sau đó, bà M trực tiếp đưa tiền cho Đồng 03 lần với tổng số tiền là 30.000.000 đồng vẫn tại quán cà phê đó dưới sự chứng kiến của U. Cụ thể: lần đầu đưa 5.000.000 đồng, lần tiếp theo là 10.000.000 đồng, và lần thứ ba đưa số tiền 15.000.000 đồng.
Sau khi nhận được tiền, Đồng chỉ đưa lại cho Thuỷ 20.000.000 đồng, số tiền 10.000.000 đồng còn lại Đồng giữ để tiêu xài cá nhân. Thấy dễ ăn, vài ngày sau Đồng tiếp tục điện thoại gặp bà M và T kêu đưa thêm 2 triệu đồng để “lo quà cáp cho người ta”.
Nghe có lý nên T đồng ý và đưa thêm cho Đồng 2.000.000 đồng. Nhận tiền xong, Đồng ém nhẹ làm của riêng chứ chẳng quà cáp cho ai. Để tạo thêm niềm tin cho gia đình T, vài ngày sau khi nhận được số tiền 2 triệu đồng, Thủy và Đồng nhắn cho gia đình T.: “Người ta kêu gia đình chị làm giấy bảo lãnh thì anh Q sẽ được tại ngoại”.
Bà M lập tức làm giấy bảo lãnh cho chồng thì trùng hợp ngẫu nhiên ông Q được tại ngoại thật. Tưởng mang ơn của Đồng thật, khoảng hơn mười ngày sau khi được tại ngoại, vợ chồng ông Q đến nhà Đồng cảm ơn và còn đưa thêm cho Đồng 2.000.000 đồng để “mua quà cảm ơn” nhưng Đồng cũng ỉm làm của riêng.
Ở ngoài được hơn tháng thì ông Q nhận được Giấy triệu tập của Tòa án đến Tòa để xét xử sơ thẩm về tội “Tổ chức đánh bạc”. Lúc này gia đình ông Q mới té ngửa là bị Đồng và Thủy lừa, nhưng cũng gắng kiểm tra lại một lần nữa.
Bà M liền điện thoại cho Đồng để hỏi, đồng thời có ghi âm lại: “Tại sao lúc trước anh hứa chúng tôi giao cho anh 30.000.000 đồng thì Công an sẽ úp hồ sơ không chuyển sang Tòa mà bây giờ lại phải ra Tòa?”, không biết trả lời sao nên Đồng giãi bày: “Để tui hỏi lại chị Thủy cái đã, tui cũng đâu có biết việc này đâu”. Rồi Đồng điện thoại cho Thủy, Thủy nói: “Mấy ổng kêu đưa thêm 10.000.000 đồng nữa để lo cho Viện kiểm sát với Tòa án thì vụ án mới xong”.
Nghe vậy, Đồng lập tức nói lại với bà M: “Người ta nói muốn chắc ăn thì phải đưa thêm 10.000.000 đồng nữa mới ổn”. Đã lỡ “đâm lao thì phải theo lao” nên vợ chồng ông Q chấp nhận, trực tiếp đến nhà, đưa cho Đồng số tiền 10.000.000 đồng.
Cầm được tiền, Đồng mang đến đưa cho Thuỷ 5.000.000 đồng, còn một nửa (5.000.000 đồng) Đồng giữ lại cho mình. Đã mất 44 triệu đồng để “chạy án”, tuy nhiên sau đó ông Q vẫn bị TAND huyện đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội “Tổ chức đánh bạc” theo Khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Tòa còn tuyên phạt hình phạt bổ sung là phạt tiền 30.000.000đ; tịch thu 02 chiếc xe mô tô của vợ chồng ông Q và một số vật dụng dùng cho việc đánh bạc khác như: điện thoại di động, điện thoại bàn, số tiền hơn 8.500.000 đồng tiền ghi số đề, 02 máy tính Casio, 01 Radio…
Sau phiên tòa, ông Q đã làm đơn kháng cáo xin giảm án mà không cần Đồng, Thủy “giúp” nữa. Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang xét thấy kháng cáo của ông Q là có căn cứ nên đã chấp nhận kháng cáo xin giảm: xử phạt ông Q 18 tháng tù giam, phạt bổ sung số tiền 15.000.000đ; trả lại cho bà M 01 chiếc xe mô tô, 01 ĐTDĐ Nokia, 01 máy tính Casio… do không liên quan đến việc phạm tội.
Chạy án, được án tù
Biết đã bị Đồng và Thủy lừa đảo, bà M đã làm đơn tố cáo tới Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, kèm theo đó là 01 đĩa VCD ghi âm các cuộc đàm thoại giữa vợ chồng bà với Đồng. Trước chứng cứ xác thực, Lê Văn Đồng đã bị bắt tạm giam để điều tra, Đồng khai nhận hành vi phạm tội cùng với Thủy nhưng Thủy đã phủ nhận tất cả. Chỉ đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra chưng ra chứng cứ là 01 đĩa DVD thì Thủy mới cúi đầu nhận tội.
Ngay sau đó Thủy cũng bị bắt tạm giam. Quá trình điều tra đã chứng minh được Đồng nhận của gia đình bà M 06 lần với tống số tiền là 44.000.000 đồng để chạy án. Sau đó, Đồng đưa cho Thủy 25.000.000 đồng, còn 19.000.000 đồng giữ lại để tiêu xài cá nhân. Còn Thủy khai: “mỗi khi nhận được tiền của Đồng xong, Thủy đều đã đưa hết cho người khác chứ Thủy không có giữ lại được một cắc nào cho riêng mình”.
Tuy nhiên, lời khai này của Thủy không có bằng chứng gì để chứng minh nên các cơ quan chức năng không thể xem xét. Sau khi Thủy và Đồng bị khởi tố và bắt tạm giam, gia đình Thủy, Đồng cũng đã giao nộp số tiền 44.000.000đ cho cơ quan điều tra.
Riêng các hành vi đưa hoặc môi giới hối lộ của L.T.U, L.V.Q, N.T.M và L.T.T, Cơ quan Cảnh sát điều tra xét thấy các đối tượng đã chủ động tố giác, thành khẩn khai báo trước khi bị phát giác nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và miễn trách nhiệm hình sự cho các đối tượng theo quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Khoản 2 Điều 25 của Bộ luật Hình sự.
Vừa qua, TAND đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Căn cứ vào hồ sơ vụ án cũng như lời khai của các bị cáo tại Tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Đồng 20 tháng tù giam, Lê Thị Lệ Thủy 15 tháng tù giam cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 1 Điều 139 BLHS. Đồng thời, Tòa cũng tuyên trả lại cho bà Mười số tiền 44.000.000 đồng.
Kể từ lúc bước vào phòng xử án cho đến khi kết thúc phiên tòa, Đồng và Thủy không một lần nói chuyện với nhau cho dù đã một thời họ từng “rất thân thiết” với nhau...
Thanh Tâm