Lựa chọn ngân hàng làm đại lý hoàn thuế VAT cho người nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng cục Hải quan mới thông báo lựa chọn ngân hàng làm đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh: N.Linh)
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh: N.Linh)

Không để gián đoạn việc hoàn thuế VAT

Theo đó, Tổng cục Hải quan gửi danh sách 32 ngân hàng thương mại đã phối hợp thu ngân sách nhà nước để các ngân hàng nghiên cứu đăng ký tham gia làm đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho người nước ngoài tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Bộ Tài chính đang lựa chọn ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, do đó, để các ngân hàng biết và nắm được chủ trương, Tổng cục Hải quan thông báo để các ngân hàng nghiên cứu đăng ký tham gia.

Theo Tổng cục Hải quan, ngày 31/5/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 72/2014/TT-BTC quy định về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 92/2019/TT-BTC. Theo đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay quốc tế áp dụng việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thời gian qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong tham gia làm đại lý hoàn thuế tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngày 4/3/2024, Ngân hàng TMCP Tiên Phong có công văn đề nghị chấm dứt hoạt động hoàn thuế và được cơ quan Hải quan ghi nhận.

Mặc dù vậy, để việc hoàn thuế GTGT tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được thực hiện liên tục, không bị gián đoạn, Tổng cục Hải quan đề nghị Ngân hàng TMCP Tiên Phong tiếp tục thực hiện hoàn thuế cho đến khi Bộ Tài chính có văn bản thông báo về việc lựa chọn được ngân hàng thương mại khác thay thế.

Hệ thống hoàn thuế hoạt động hiệu quả từ 1/7/2020

Thông tư 72/2014/TT-BTC quy định về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Thông tư 92/2019/TT-BTC. Theo Thông tư 92, kể từ ngày 1/7/2020 khi Thông tư có hiệu lực thi hành đã cụ thể hóa và đưa hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt là người nước ngoài) mang theo khi xuất cảnh đi vào hoạt động.

Theo Tổng cục Hải quan - cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư 92, Thông tư 92 được sửa đổi nhằm bảo đảm phù hợp với Nghị định 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, trong đó có quy định việc hoàn thuế GTGT đối với người nước người mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.

Bên cạnh đó, năm 2015, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và đưa vào sử dụng “Hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh” (gọi tắt là hệ thống VAT-RS) với phân hệ doanh nghiệp (DN) bán hàng, phân hệ cơ quan Hải quan và các phân hệ trao đổi thông tin với ngân hàng thương mại, cơ quan Thuế, Kho bạc, các hãng hàng không và Công an cửa khẩu. Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan Hải quan xây dựng hệ thống VAT-RS nhằm phục vụ công tác quản lý, theo dõi, phục vụ, hỗ trợ việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài.

Cũng theo đánh giá từ phía cơ quan Hải quan, thực tế thời gian qua, đa số DN bán hàng hoàn thuế GTGT chưa tham gia vào hệ thống, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc theo dõi, quản lý, phục vụ, hỗ trợ việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài. Ngoài ra cũng gây khó khăn trong việc đối chiếu hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, đối chiếu hàng thật, hàng giả… Bên cạnh đó, một số DN bán hàng đã tham gia hệ thống nhưng không nhập đủ các thông tin dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hoàn thuế cho khách xuất cảnh.

Thông tư 92 đã quy định cụ thể hệ thống quản lý thuế GTGT bao gồm các chỉ tiêu thông tin, các đối tượng truy cập và trao đổi thông tin; cụ thể việc cấp tài khoản sử dụng, trách nhiệm của các bên tham gia hệ thống. Đồng thời, để đồng bộ các quy định cũng như đưa hệ thống VAT-RS vào hoạt động một cách có hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các bên tham gia vào quá trình hoàn thuế đối với hàng hoá của người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh.

Hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài do Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành là hệ thống tích hợp, lưu trữ, trao đổi thông tin liên quan đến việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân và tại Thông tư 92 đã quy định rất cụ thể về hệ thống, quyền và trách nhiệm của mỗi bên khi tham gia hệ thống này.

Theo đó, các đối tượng sử dụng tài khoản của cơ quan Hải quan cấp để truy cập hệ thống; cơ quan Thuế thực hiện cung cấp thông tin về DN bán hàng hoàn thuế GTGT cho hệ thống theo quy định. Ngay sau khi nhận được thông tin về DN bán hàng hoàn thuế GTGT do cơ quan Thuế truyền đến hệ thống, cơ quan Hải quan gửi tài khoản và mật khẩu truy cập hệ thống cho DN qua địa chỉ thư điện tử đã được DN đăng ký.

Bên cạnh đó, Thông tư 92 quy định chi tiết việc truy cập, trao đổi thông tin qua hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài và phải bảo đảm đúng thẩm quyền, phải ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Tổng cục Hải quan cho biết, các quy định liên quan đến hệ thống VAT-RS tại Thông tư 92 nhằm kết nối giữa các bên liên quan để bảo đảm sự quản lý chặt chẽ trong hoàn thuế, tránh việc lợi dụng để chiếm đoạt tiền thuế của NSNN. Đồng thời, quy định này nhằm bảo đảm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hoàn thuế phục vụ nhanh, chính xác, đúng đối tượng.

Đọc thêm