Chiều ngày 9/3, UBND TPHCM đã tổ chức họp báo định kỳ nhằm cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Và vụ việc làm xôn xao dư luận những ngày gần đây, đó là tình trạng nhiều phụ huynh tại thành phố bị lừa chuyển khoản hàng chục đến hàng trăm triệu đồng khi nhận thông tin con mình phải nhập viện cấp cứu. Có một trường hợp phụ huynh nhận được cuộc gọi tương tự như vậy: (đoạn âm thanh vtvcap) Ngay cả Long Chun, KOL có độ phủ sóng trong giới trẻ cũng chứng kiến trường hợp tương tự, không phải rơi vào chính bản thân anh chàng mà là vị đạo diễn của chương trình mà anh đang quay gặp phải cuộc gọi lừa đảo. (đoạn âm thanh Long Chun) Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu - Công an TPHCM, cho biết, những ngày gần đây, cơ quan chức năng trên địa bàn đã nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh bị lừa đảo qua điện thoại. Thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo sử dụng là mạo danh nhân viên bệnh viện, giáo viên và những người liên quan nói học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu chuyển khoản gấp một số tiền lớn để thanh toán viện phí. Thượng tá Hà chia sẻ rằng: "Các đối tượng chia vai nhau để tăng niềm tin cho phụ huynh trong mỗi vụ việc. Có người mạo danh giáo viên, người đóng vai bác sĩ và những người liên quan khác" Do vậy, Công an TPHCM đã phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình để tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo. Công an TPHCM cũng yêu cầu Sở GD&ĐT hướng dẫn phụ huynh cẩn trọng và chọn lọc khi tiếp nhận, xử lý thông tin. Phụ huynh cần liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm khi cần nắm bắt thông tin về con em mình. Còn về vấn đề tại sao những thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh lại bị lộ ra ngoài, và lộ bằng cách nào thì đại diện Công an TPHCM đánh giá rằng các trường học, cơ quan Nhà nước có quy trình, quy định quản lý thông tin chặt chẽ, có kiểm tra độ bảo mật và an toàn. Còn lộ bằng cách nào thì có lẽ là do thông tin, số điện thoại phụ huynh bị lộ qua những vấn đề liên quan đến lỗ hổng bảo mật của các doanh nghiệp, công ty khác. Có một giả định khác cũng được cân nhắc đến là nhân viên doanh nghiệp thu thập và bán lại dữ liệu cá nhân khách hàng. "Ví dụ khi đến cửa hàng, khu vui chơi, ăn uống, trung tâm học tập, phụ huynh, học sinh cần khai báo thông tin để làm thẻ khách hàng hoặc đăng ký. Việc này cũng có nguy cơ làm lộ lọt thông tin", ông Lê Mạnh Hà nói. Tại buổi họp báo, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, khẳng định, dữ liệu phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục được bảo mật nghiêm ngặt, có phân công trách nhiệm cụ thể và ghi nhận dấu vết hệ thống. Do đó, việc để lộ thông tin của phụ huynh không thể xuất phát từ ngành Giáo dục. Vào ngày 6/3, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên. Đại diện Sở GD&ĐT nhận định, đây là hình thức lừa đảo mới đánh vào tâm lý lo lắng của phụ huynh học sinh với sức khỏe của con. Khi nhận được thông tin như vậy, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, điện thoại xác minh lại với nhà trường. Đặc biệt, nếu trường hợp con nằm viện cấp cứu phía bệnh viện, nhà trường sẽ có thông báo trực tiếp với phụ huynh học sinh.
Thục Khuê-Tâm Anh