Vô vàn bẫy lừa đảo tinh vi nhắm vào phụ huynh và học sinh
Theo Cơ quan Công an, các đối tượng lừa đảo đã xây dựng kịch bản chi tiết, sử dụng công nghệ giả mạo giọng nói, hình ảnh, tạo lập website, tin nhắn thương hiệu (brandname) giống hệt các cơ quan chức năng, trường học để dẫn dụ nạn nhân. Mục tiêu không chỉ là chiếm đoạt tiền bạc mà còn là thu thập trái phép dữ liệu cá nhân nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Cơ quan Công an đã tổng hợp một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng trong mùa thi như sau:
Rao bán “đề thi thật”, “đáp án chính xác 100%”: Trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, nhan nhản các tài khoản ảo đăng tải thông tin quảng cáo “có nguồn đề thi THPT 2025 tuồn ra ngoài”, “đáp án chuẩn từng câu”, “phao thi VIP đảm bảo điểm cao”. Mức giá cho những “món hàng” này dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Nhiều học sinh do áp lực điểm số, hoặc có tâm lý chủ quan, muốn “đi đường tắt” đã không ngần ngại chi tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, các đối tượng này thường chặn liên lạc, biến mất hoặc gửi lại những tài liệu vô giá trị, thậm chí là đề thi của các năm trước.
Mở các khóa ôn thi, luyện thi trực tuyến “ma”: Với những lời quảng cáo hấp dẫn như “cam kết đỗ 100%”, “bao điểm sàn trường TOP”, “chuyên gia luyện thi hàng đầu”, các đối tượng lừa đảo thu hút học sinh đăng ký các khóa học trực tuyến. Sau khi học sinh nộp học phí, chúng có thể chỉ gửi một vài tài liệu sơ sài, được sao chép từ nhiều nguồn, hoặc thậm chí không cung cấp bất kỳ tài liệu, lớp học nào và cắt đứt mọi liên lạc.
Lừa đảo “nâng điểm”, “chạy suất” vào đại học: Đây là thủ đoạn đặc biệt nguy hiểm, đánh vào tâm lý tuyệt vọng của những thí sinh có kết quả thi không như ý hoặc những phụ huynh muốn con em mình “chắc suất” vào các trường danh tiếng. Kẻ gian tự nhận có “mối quan hệ”, “người nhà” trong ngành giáo dục, có khả năng can thiệp, “nâng điểm” bài thi hoặc “chạy” một suất vào trường đại học mong muốn với chi phí cực lớn, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Tất nhiên, đây chỉ là những lời hứa suông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả danh cán bộ giáo dục, nhân viên trường học “hỗ trợ” làm hồ sơ, phúc khảo: Đây là chiêu thức không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy. Kẻ gian gọi điện thoại, gửi tin nhắn SMS, Zalo, email tự xưng là cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo, nhân viên phòng tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, thậm chí là giáo viên chủ nhiệm. Sau đó thông báo những lỗi sai sót “khẩn cấp” trong hồ sơ dự thi, dọa dẫm về việc hồ sơ có thể bị loại, yêu cầu cung cấp ngay số Căn cước công dân, mã OTP ngân hàng hoặc chuyển một khoản tiền gọi là “lệ phí xử lý gấp”, “phí hoàn thiện hồ sơ”. Tinh vi hơn, các đối tượng xấu còn gửi kèm những đường link giả mạo giao diện website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học, yêu cầu đăng nhập nhằm mục đích thu thập thông tin cá nhân.
Trang bị kỹ năng để không trở thành nạn nhân của lừa đảo công nghệ cao
Trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng tinh vi và khó lường, mỗi cá nhân đều cần trở thành “lá chắn đầu tiên” bảo vệ chính mình. An toàn mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà còn là năng lực sống còn trong thời đại số hóa.
Để không trở thành nạn nhân của lừa đảo công nghệ cao trong mùa thi tốt nghiệp nói riêng và các kỳ thi khác nói chung, Cơ quan Công an khuyến cáo: Phụ huynh và học sinh cần xác minh kỹ lưỡng mọi thông tin, mọi thông báo chính thức liên quan đến kỳ thi THPT đều được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, website của các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, hoặc fanpage chính thức có dấu tích xanh. Khi nhận được bất kỳ thông tin đáng ngờ nào, hãy liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường hoặc đường dây nóng của các cơ quan giáo dục để kiểm chứng.
Phụ huynh và học sinh không cung cấp số Căn cước công dân, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn, email nếu chưa xác thực được danh tính và mục đích của họ. Cẩn trọng tối đa khi nhấp vào các đường link lạ, không tải về các tệp đính kèm không rõ nguồn gốc;
Tuyệt đối không chuyển tiền cho những người lạ hoặc những yêu cầu không rõ ràng, dù với lý do gì liên quan đến việc “hoàn thiện hồ sơ”, “đặt cọc giữ chỗ”, “mua tài liệu VIP”.
Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hoặc không may trở thành nạn nhân, phụ huynh/học sinh hãy bình tĩnh thu thập tất cả bằng chứng (tin nhắn, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng của đối tượng, lịch sử giao dịch...) và trình báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.