Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi

(PLVN) - Ngày 13/5 tại Hà Nội, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Tham dự Hội thảo, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã trao đổi, đề xuất, khuyến nghị nhằm giúp bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải pháp trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (hàng đầu, bên trái) và các chuyên gia tại Hội thảo. (Ảnh: PV)

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại trên 390 tỷ đồng

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xoá dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền. Cho dù liên tục được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB công bố vụ tấn công lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay. Đồng thời, chợ đen mua bán thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai trực tuyến cơ sở dữ liệu miễn phí gồm trên 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng. Tình trạng mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng tác động xấu đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Hành lang pháp lý chưa theo kịp các vấn đề mới

Theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, công tác phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều khó khăn như: hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng Internet dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em. Trong khi 1/3 người dùng Internet tại Việt Nam là chưa thành niên, phần lớn không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn, quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém. Việc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng qua 3G, 4G.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng thiếu hụt; vấn đề “SIM rác”, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ, kết nối thông tin tội phạm vẫn còn bất cập, chưa xây dựng cơ sở chuyên ngành, dữ liệu chưa được chuẩn hóa, các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu còn thiếu.

Đối phó với thực tế trên, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, Ngân hàng đã triển khai các giải pháp xác thực mạnh như làm sạch dữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ (thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); Xác thực đa thành tố trong giao dịch trực tuyến như OTP, FIDO, chữ ký số. Tới đây, nếu giao dịch trên 10 triệu đồng, ngoài căn cước công dân sẽ có nhận diện khuôn mặt khách hàng…

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS cho biết: “Dự kiến, Phần mềm chống lừa đảo sẽ mở thử nghiệm diện hẹp (phiên bản Beta) trong tháng 06/2024 và chính thức ra mắt vào tháng 07/2024. Phần mềm sẽ phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website (link), kiểm tra số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR”.

Các chuyên gia cũng cho biết, hầu hết các tình huống lừa đảo có đích nhắm cuối cùng chính là số tiền trong tài khoản của nạn nhân. Phần mềm phòng, chống lừa đảo sẽ tạo ra chốt chặn quan trọng, kiểm tra số tài khoản trước khi giao dịch. Với chức năng này, người dùng có thể biết số tài khoản mình định giao dịch có nằm trong danh sách lừa đảo hay không. Nếu có, người dùng được khuyến cáo không nên thực hiện giao dịch.

Đội ngũ phát triển phần mềm cho biết, cơ sở dữ liệu lừa đảo sẽ được kết nối, cập nhật từ các Bộ, ngành trong nước như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan khác. Hệ thống cũng sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu các công ty an ninh mạng là thành viên của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cũng như các tổ chức chống lừa đảo quốc tế để phát huy sức mạnh tổng hợp.

Người dùng có thể theo dõi, cập nhật các thông tin mới nhất về Phần mềm phòng, chống lừa đảo trên website chính thức của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tại địa chỉ: https://nca.org.vn.

Đọc thêm