Lụa truyền thống tung bay cùng sáng tạo của nhà thiết kế Việt

(PLVN) - Thời gian gần đây, nhiều nhà thiết kế Việt ưu ái thiết kế những bộ sưu tập đầy tinh tế mang tính ứng dụng cao với chất liệu lụa truyền thống. Hơn ai hết, các nhà thiết kế quyết tâm đóng góp sức nhỏ của mình tạo nên những mẫu thiết kế đẹp để những khung dệt ở những làng nghề truyền thống tiếp tục vang tiếng và dệt ra những tấm lụa óng ả, mềm mại.

Đa sắc mẫu thiết kế với lụa

Tại Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2020 đã diễn ra vào các ngày từ 13 đến 15/9 tại Vườn hoa Diên Hồng (Hà Nội) có thể thấy 15 bộ sưu tập mới nhất dành cho Xuân Hè 2020 với gần 1000 mẫu thiết kế cùng chất liệu được lựa chọn nhiều nhất là lụa, linnen, cotton, jeans.

Nhà thiết kế Minh Hạnh vui mừng cho hay có đến 7/14 nhà thiết kế (NTK) sử dụng chất liệu truyền thống như lụa nhưng được thể hiện trong một diện mạo mới. Vải lụa truyền thống của Việt Nam đã tiến xa, đầy đủ yếu tố, chất liệu để làm thành bộ sưu tập của thời đại.

Các nhà thiết kế đã lựa chọn lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) để giải “bài toán khó” về chất liệu, làm mới ý tưởng nhưng vẫn giữ được bản sắc của mỗi người. Mỗi nhà thiết kế có một bản sắc, dấu ấn riêng biệt sẽ tạo nên bản sắc cho thời trang Việt.

Các NTK muốn giới thiệu đến khán giả các mẫu thiết kế mang đậm truyền thống dân tộc, tuy nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng không mang bóng dáng của của chất liệu truyền thống cũ.

Trước đó, Tuần lễ thời trang Việt Nam – Italia diễn ra từ 17-19/3 tại Hà Nội với sự tham gia của 18 nhà thiết kế Italia và Việt Nam cũng tôn vinh chất liệu lụa truyền thống mang chủ đề “Bền vững”. Đặc biệt, Hội đồng thời trang Ý - Việt còn tổ chức một triển lãm độc đáo mang tên “Quy trình ươm tơ dệt lụa”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Chất liệu và quy trình dệt nên những tấm tơ lụa truyền thống sẽ được giới thiệu bởi những nghệ nhân, những người làm lụa của Hà Nội và Bảo Lộc. Thông qua triển lãm này, Hội đồng thời trang Ý - Việt và Đại sứ quán Italia muốn nêu cao giá trị của những ngành nghề thủ công, của giá trị văn hóa trong thời gian và từ đó nhấn mạnh chủ đề xuyên suốt trong quan hệ ngoại giao Ý –Việt chủ đề “bền vững”.

Lụa tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ 

Là một NTK mê đắm lụa Việt, Phương Thanh chia sẻ: “Lụa tuy mỏng nhưng không phải xuyên thấu hoàn toàn, nó giúp tôn vinh đường cong của người phụ nữ. Xu hướng quyến rũ như vậy thế giới rất ưa chuộng.  Đa phần người Việt trước đây đều nghĩ lụa là một dòng xa xỉ, khó mặc, khó bảo quản nhưng giờ đây, lụa Bảo Lộc có thể giặt máy, những họa tiết in trên lụa không bị phai”. 

NTK Minh Hạnh cho hay: “Mới đây, khi mang bộ sưu tập của mình sang giới thiệu tại Thụy Sĩ với chất liệu chính là thổ cẩm và lụa Việt Nam, tôi nhận được những phản hồi rất khả quan. Nhiều người Thụy Sĩ đã so sánh lụa truyền thống của Việt Nam ngang tầm với chất liệu lụa của những thương hiệu thời trang bậc nhất thế giới”.

Trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa là nghề lâu đời ở Việt Nam. Có thể kể tới các làng nghề như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), làng lụa Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam), làng lụa Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình), làng tơ Cổ Chất (Trực Ninh, Nam Định) và thành phố lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng).

NTK Victoria Huyền Nguyễn cho biết: “Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 về tổng số lượng sản xuất lụa tơ tằm trên thế giới, có bề dày hàng nghìn năm với truyền thống ươm tơ dệt lụa, tạo nên những chất liệu có bề mặt mềm mại, tinh tế, chất lượng tốt, thẩm mỹ cao. Cảm giác mềm mại, bay bổng và sang trọng của lụa tơ tằm khiến tôi luôn bị mê hoặc khi chạm vào. 

Tuy nhiên những năm gần đây tại thị trường nội địa, vì nhiều lý do khác nhau, chất liệu truyền thống này ngày càng bị mai một và lãng quên, sức tiêu thụ và thu nhập từ vải lụa tơ tằm thấp khiến rất nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề dệt nhuộm để theo nghề khác mưu sinh”.

Việc chọn chất liệu lụa truyền thống để hòa cùng vào dòng chảy thời trang thế giới là mục đích của những người làm thiết kế thời trang Việt Nam và các NTK mong muốn rằng thời trang Việt Nam sẽ được phát triển một cách xứng đáng bằng chính giá trị của truyền thống.

“Chúng tôi muốn góp sức sáng tạo để lụa tơ tằm tự nhiên của Việt Nam có một tương lai khởi sắc trở lại, tạo cơ hội cho nghệ nhân trong các làng lụa truyền thống có thể tiếp tục cống hiến cho ngành ươm tơ dệt lụa. Tôi tin rằng nếu thời trang “made in Việt Nam” thật sự chất lượng, thật sự hữu ích thì không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài sẽ tìm đến” – NTK Minh Hạnh nhấn mạnh.