Luật Báo chí 2016, “điểm son” trong lịch sử Báo chí CMVN

(PLO) - Hôm nay (21/6) kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Gần một thế kỷ phát triển và trưởng thành, nền báo chí Cách mạng Việt Nam không chỉ tạo được vị trí vững chắc trong lòng bạn đọc mà ngày càng phát huy tính tiên phong trong việc định hướng dư luận xã hội bằng những thông tin kịp thời và chính xác, trở thành “cầu nối” hiệu quả giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. 
Nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa

“Sáng nào cũng vậy, sau vài động tác thể dục là tôi phải tìm cách “nạp năng lượng” ngay bằng việc nghe đài, đọc báo. Có thể tôi không cần ăn sáng nhưng không thể không đọc báo”- nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông chia sẻ.

Chung tình cảm trên, bác Ngô Văn Dũng (tổ 32 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy- Hà Nội) bộc bạch, dù báo mạng ngày càng phát triển nhưng bác không thể bỏ được thói quen đọc báo giấy từ hơn 50 năm nay. Với bác, những thông tin trên báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu, dù chỉ một ngày.

Nhận xét về vai trò to lớn của báo chí trong thời gian gần đây, ông Cuông khẳng định, báo chí đã tạo được niềm tin của nhân dân đối với hoạt động báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng. Ông Cuông nhận định, bằng việc thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, báo chí không chỉ tạo nên “thương hiệu” của “giới truyền thông” trong lòng bạn đọc mà còn là “cầu nối” hiệu quả giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.  

Cho rằng nhà báo cũng là những chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh phòng chống tiêu cực, vì thế để phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo ông Cuông, các cơ quan chức năng cần phải bảo vệ hơn nữa nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Bởi trong thời gian qua đã có không ít nhà báo đã bị kẻ xấu tấn công trong quá trình xác minh, điều tra phục vụ cho công tác báo chí nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. 

Có thể nói, chưa lúc nào hoạt động của các cơ quan báo chí nói chung và nhà báo nói riêng lại được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi như hiện nay. Điển hình như Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 2016 (Luật Báo chí) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua đã có khá nhiều quy định được ví như “tấm áo giáp” bảo vệ cho nhà báo tác nghiệp.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, những sửa đổi của Luật Báo chí đã thể hiện sự cải cách tiến bộ về thủ tục hành chính, trong đó có hoạt động báo chí. “Theo tôi, những quy định trên đã nói lên sự lắng nghe, tinh thần cầu thị của các cơ quản quản lý nhà nước đến hoạt động báo chí, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và hoàn thiện cho nhà báo hoạt động để cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời và nhân văn nhằm định hướng cho người dân và xã hội”- Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Công ty Luật Lê và Liên danh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét.

Bên cạnh sự thông thoáng, đề cao vai trò, trách nhiệm công dân của người làm báo, luật Báo chí cũng bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo mà ông Lê Văn Cương đánh giá cao vì “trong quá trình tác nghiệp cũng có vài nhà báo chưa nêu cao trách nhiệm của mình với xã hội, thậm chí không giữ được phẩm chất, đạo đức của người làm báo, có những hành động trục lợi trong công việc. Những cá nhân này theo tôi cần xử lý nghiêm để giữ vững danh dự và uy tín của người làm báo chân chính và điều này đã được Luật Báo chí sửa đổi quy định khá rõ”.

Cùng với đó, theo Nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Tuy Luật Báo chí năm 2016 không thể đảm bảo sự tự do tuyệt đối như một số người mong muốn, trong đó có quyền ra báo chí tư nhân, nhưng Luật Báo chí 2016 có thể nói đã đảm bảo một hành lang pháp lý rộng rãi, mở hơn so với luật năm 1989 cho cả nhà báo nói riêng và công dân nói chung. Nhà báo được tự do khi hành nghề, tác nghiệp khi có Thẻ Nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp”. 

Càng khó khăn, càng đòi hỏi nhà báo trung thực

Hôm qua (20/6), Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm Vai trò của báo chí  trước những vấn đề mang tính thời sự và hội thảo tham vấn “Những nhân tố tác động đến hành vi cản trở tác nghiệp báo chí giai đoạn 2011 - 2016”.

Theo kết quả nghiên cứu độc lập của một nhóm nghiên cứu về môi trường tác nghiệp báo chí được công bố tại hội thảo, môi trường tác nghiệp báo chí đã trở nên phức tạp hơn, với mức độ rủi ro cao hơn. Ở cả hai nhóm hình thức phổ biến là cản trở quyền thông tin của nhà báo và đe dọa, hành hung nhà báo, số lượng vụ việc ghi nhận đã tăng lên trong 5 năm qua. Trong số 1.134 phản hồi của nhà báo, phóng viên được khảo sát, có đến 44% cho biết đã từng bị cản trở tác nghiệp ít nhất 1 lần, trong đó gần 36% đã từng bị cản trở từ 5 lần trở lên.

Để hướng tới một môi trường hoạt động báo chí chuyên nghiệp, nâng cao an toàn tác nghiệp cho nhà báo, hội thảo cho rằng các cơ quan báo chí cần phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, các tòa soạn cần chuẩn hóa quy trình tác nghiệp, chú trọng đào tạo kỹ năng tác nghiệp an toàn cho phóng viên mới vào nghề, thiết lập mạng lưới đồng nghiệp bảo vệ đồng nghiệp. Và quan trọng hơn là mỗi nhà báo phải có trách nhiệm trước xã hội, phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên hàng đầu.

Đọc thêm