Tại Hội thảo “Nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hôm qua (27/12) tại TP.Hồ Chí Minh, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề cập đến sự ra đời Luật Biểu diễn.
“Thời của thảm họa”
Hoạt động biểu diễn âm nhạc có lẽ là lĩnh vực đi đầu trong xu hướng “thị trường hóa”, cũng là lĩnh vực tồn tại nhiều bất cập và lệch lạc nhất: lời bài hát rẻ tiền, nhố nhăng, ca sĩ biểu diễn ăn mặc ngày càng hở, phát ngôn trên sân khấu ngày càng “sốc”, và điều thu hút khán giả đến với những buổi biểu diễn không phải là chất lượng nghệ thuật mà là... mức độ gây scandal của ca sĩ.
Nhạc sĩ Hồ Quang Bình - Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội đưa ra những dẫn chứng “dở cười dở khóc” trong hoạt động biểu diễn ngày nay: “1, 2 năm trở lại đây xuất hiện những bài hát như “Đừng yêu em” - Lê Kiều Như, “Tím si la bùm” - Vũ Hà, “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi” - Tần Khánh... Lại có những tai hại khác như “Cấm người lớn trên 18 tuổi” - album của nhóm Huyền Thoại, với những lời hát xuyên tạc: “... còn nhớ năm ngoái mình là đại ca trong lớp...” hay “cô và mẹ là hai con cáo, mẹ và cô ấy hai mẹ mìn”... Cộng với biểu diễn khó nhìn, trang phục thiếu vải, chất giọng chênh, phô... làm xô lệch các giá trị thẩm mỹ, phá vỡ những chuẩn mực lành mạnh, đẹp đẽ”.
Âm nhạc đã thế, nghệ thuật biểu diễn trong các lĩnh vực khác như múa, kịch, nghệ thuật diễn xướng... cũng đứng trước nguy cơ cái thì bị cuốn theo cơn lốc thị trường, cái không bị cuốn theo thì tụt hậu, quên lãng. Nghệ sĩ Thái Phiên (Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam) cho rằng, biểu diễn nghệ thuật múa ngày nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề phải bàn. Ca múa đã xuất hiện ồ ạt, trở thành nhân tố chính của mọi chương trình lễ hội, biểu diễn.
Dù viết sách hay hát thì Lê Kiều Như đều gây ra nhiều thị phi. |
Và trong khi chạy theo số lượng thì chất lượng biên đạo múa ngày càng đi xuống: Múa minh họa cho ca khúc thì tùy tiện, múa một đàng hát một nẻo, múa trong lễ hội thì “tưng bừng, hoàng tráng” mà thiếu chiều sâu, các tiết mục múa độc lập thì chỉ theo tiêu chí “thẩm mỹ - giải trí”, biên đạo ngày càng chạy theo kĩ thuật, kĩ xảo, khoe da thịt...
Về phía nghệ thuật sân khấu kịch, nhiều ngôn ngữ bình dân, thậm chí tục tằn đã được “phổ biến hóa”... Nhiều đại biểu đã gọi hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong thời điểm này là “thời của thảm họa”.
Ra luật để “uốn nắn” nghệ thuật?
Tuy nhiên, theo ý kiến của NSƯT Đinh Linh, nói nền nghệ thuật truyền thống đang có dấu hiệu bị thờ ơ, lãng quên là không hoàn toàn chính xác.
Trong quá trình “lăn lộn với nghề”, ông đã từng nhận thấy mối quan tâm và lòng yêu thích của các bạn trẻ, sinh viên học sinh đối với nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Điều quan trọng là họ có không nhiều cơ hội để tiếp cận với những hoạt động biểu diễn nghệ thuật chứa đựng giá trị văn hóa.
Một vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra, đó là vấn đề đào tạo trong nghệ thuật. Một nền tảng văn hóa, tri thức có chiều sâu sẽ đem đến một nền nghệ thuật biểu diễn mang tính thẩm mỹ cao. Nhưng xác định một chuẩn mực thẩm mỹ chung lại là một điều không hề đơn giản.
Có thể sẽ gây nhiều tranh cãi khi cơ quan quản lý nhà nước đề ra một số tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định nào đó đối với một sản phẩm nghệ thuật, nhưng nếu không có những quy định tối thiểu thì người làm công tác thẩm định cũng sẽ gặp khó khăn khi muốn ngăn chặn những sản phẩm nghệ thuật kém chất lượng khi tác phẩm đó không vi phạm những điều cấm theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, vấn đề quản lý nghệ thuật biểu diễn được coi là quan trong bậc nhất trong việc định hướng đúng đắn cho hoạt động nghệ thuật.
Ở góc độ nhà quản lý của một trong những thị trường biểu diễn nghệ thuật sôi động nhất, ông Trần Minh Phương - quyền Trưởng phòng nghệ thuật Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho rằng, rất cần xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: “Trong thời gian vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật và đã tổ chức nhiều hội nghị để các cá nhân, tổ chức có liên quan góp ý, đề nghị Bộ sớm trình Chính phủ để ban hành. Để Nghị định đi vào cuộc sống, nên cụ thể hóa các quy định, không cần phải đợi các Thông tư hướng dẫn. Trong trường hợp phải ban hành Thông tư, đề nghị nên ban hành cùng thời điểm ban hành Nghị định”.
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định về nghệ thuật biểu diễn tới đây sẽ trình Chính phủ và tiến tới sẽ chuẩn bị cho sự ra đời của Luật Biểu diễn. Nhưng luật có “chỉnh” được sự lệch lạc trong nghệ thuật biểu diễn trong “thời của thảm họa” hay không, xem ra lại tiếp tục còn phải chờ.
Ngọc Mai