Luật lệ hỗn chiến quanh nghi án “cận vệ Osama bin Laden”

(PLO) - Ở nước Đức và Tunesia cũng như trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước này hiện có chuyện rắc rối và khó xử liên quan đến một người. Tên anh ta là Sami A., năm nay 40 tuổi, người Tunesia, sang Đức du học từ năm 1997 và sau đó cư trú ở Đức.
Anh Sami A
Anh Sami A

Chính quyền Đức cáo buộc Sami A. là phần tử Hồi giáo cực đoan vì đã có thời là bảo vệ riêng cho thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada Osama bin Laden, cáo buộc thôi chứ không có bằng chứng gì ngoài việc anh chàng kia đã từng đến và ở Pakistan 4 tháng. 

Sami A. cũng không bị bắt giữ và đưa ra tòa xét xử về tội tham gia tổ chức khủng bố, nhưng bị đưa vào danh sách “Những kẻ gây nguy hiểm cho người khác”. Theo luật lệ hiện hành ở nước Đức, Sami A. chỉ bị các cơ quan an ninh theo dõi thường xuyên ở Đức. Hồi giữa tháng 6 vừa qua, Sami A. bất ngờ bị cảnh sát Đức bắt giữ và đẩy về Tunesia. Tòa án ở thành phố Gelsenkirchen của Đức ra phán quyết cấm chính quyền thành phố Bochum đẩy Sami A. về Tunesia. 

Phán quyết của tòa có từ trước nhưng vì phía chính quyền thành phố Bochum giấu kín thời điểm chiếc chuyên cơ cất cánh đưa Sami A. về Tunesia; nên khi lệnh cấm của tòa đến chính quyền thành phố thì chiếc chuyên cơ kia đã cất cánh rồi. Tòa ra lệnh cho chính quyền thành phố này phải đưa Sami A. trở lại nước Đức. 

Ở Tunesia, sau 2 tuần bị giam, Sami A. được trả tự do nhưng bị cấm xuất cảnh. Tòa án ở Đức ra tối hậu thư cho chính quyền thành phố Bochum về đưa Sami A. trở lại nước Đức, nếu không sẽ phạt tiền chính quyền thành phố Bochum, nhưng tối hậu thư này không được đáp ứng.

Câu chuyện đến nay là như vậy. Về phương diện pháp lý thì đấy là một cuộc hỗ chiến giữa luật và lệ. Tòa đã vận dụng luật trong khi chính quyền thành phố Bochum và chính phủ Đức dụng lệ còn tòa án ở Tunesia vừa dụng luật lại và dụng lệ. Theo luật thì Sami A. không thể bị đẩy trả về Tunesia. Phía Đức không có bằng chứng để kết tội anh ta là phần tử khủng bố và đã từng phục vụ Osama bin Laden. Ở nước Đức, anh ta chưa từng bị lôi ra tòa xét xử về chuyện này. 

Tunesia là một trong những quốc gia trên thế giới bị chính phủ Đức đưa vào danh sách những nước tra tấn và ngược đãi từ nhân mà theo luật Đức thì không được đẩy trả công dân của những nước ấy về những nước ấy. Theo luật pháp hiện hành ở Tunesia, Sami A. không bị kết tội gì thì tòa án và chính quyền không thể ngăn cản anh ta trở lại nước Đức.

Cái lệ ở đây là chính quyền đặt tòa án trước sự đã rồi và chính phủ Đức cùng với phía Tunesia đi đêm ngoại giao với nhau. Phía chính quyền thành phố Bochum và chính phủ Đức muốn đẩy trả Sami A. về Tunesia; bởi nếu đến cả những kẻ bị coi là gây nguy hiểm cho người khác không bị đẩy trả về nước thì làm sao chính quyền thành phố Bochum và chính phủ Đức có thể đẩy trả hàng nghìn người tỵ nạn bình thường về nước họ mà không đẩy trả người tỵ nạn về nước thì làm sao có thể giải quyết được vấn đề người tỵ nạn.

Cho nên lệ mới trái luật và bất chấp luật. Chính phủ Đức lại còn đã có từ lâu chủ trương loại bỏ Tunesia ra khỏi danh sách những nước bị coi là tra tấn và ngược đãi tù nhân và nếu đẩy thành công anh chàng Sami A. về Tunesia thì sẽ tạo tiền lệ trong khi chưa luật hoá được chủ trương kia.

Phía Tunesia biết rằng nếu để cho Sami A. trở lại nước Đức thì chính phủ Đức sẽ rất khó xử và mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ trắc trở. Không để cho Sami A. trở lại nước Đức vừa là cách tranh thủ chính phủ Đức lại vừa có thể làm cho thế giới bên ngoài thấy rằng ở Tunesia không hề có chuyện tra tấn và ngược đãi tù nhân. Vì thế, Sami A. được tự do nhưng vị cấm xuất cảnh. Luật lệ hỗn chiến ở cả hai nước và hiện tại thì phần thắng nghiêng về phía lệ.