Luật lệ lẫn lộn

(PLO) - Trong những ngày vừa qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên rất căng thẳng. Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani quyết liệt đến mức tạo ấn tượng như thể chiến tranh giữa hai nước không thể tránh khỏi và sắp xảy ra. 
Eo biển Hormuz.

Trong bối cảnh tình hình ấy, phía Iran dọa sẽ phong tỏa Eo biển Hormuz. Đây không phải là lần đầu tiên Iran dọa như vậy, mà trên thực tế đã hình thành một cái lệ là cứ khi giữa Mỹ và Iran căng thẳng và đặc biệt cứ khi Mỹ dọa gây chiến với Iran thì Iran dọa sẽ phong toả Eo biển Hormuz. Liên quan đến eo biển này, mọi chuyện luôn pha trộn giữa pháp lý quốc tế và chính trị an ninh khu vực, giữa địa chính trị và thông thương hàng hải. Vì thế mới có chuyện luật lệ lẫn lộn.

Eo biển Hormuz rộng chỉ có 30 hải lý (khoảng 55 km) nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman, Biển Ả rập và Ấn Độ Dương. Nó ở giữa lãnh thổ của Iran và Oman. Từ thời xa xưa đến nay, eo biển này là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Hiện tại, một phần ba khối lượng dầu lửa trên thị trường thế giới được chu chuyển qua eo biển này. 

Thông thương thuận lợi qua eo biển vì thế đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với thế giới. Vì thế, Iran mới có được một con chủ bài chiến lược. Cũng vì thế, các nước khác, đặc biệt là Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực, mới có nhu cầu chiến lược về thông thương thuận lợi qua eo biển này. Cái lệ tiếp theo liên quan đến Eo biển Hormuz là Mỹ và đồng minh luôn sẵn sàng dùng biện pháp quân sự để vô hiệu hoá sự phong toả eo biển của Iran.

Eo biển này hẹp đến nỗi không có vùng biển quốc tế nên tàu thuyền qua lại phải đi qua khu vực lãnh hải của Iran và Oman. Cũng vì thế mà Liên Hợp quốc (LHQ) có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các nước về đi lại qua eo biển này.

Có hai văn kiện pháp lý của LHQ liên quan là Công ước Geneva về luật biển được LHQ thông qua ngày 29/4/1958 bao gồm 4 hiệp ước cụ thể về luật biển và Công ước của LHQ về luật biển được thông qua ngày 10/12/1982. Mỹ và Iran tham gia Công ước Geneva về luật biển nhưng không tham gia Công ước của LHQ về luật biển. Hai công ước này có khác biệt với nhau. 

Theo Công ước Geneva, tàu thuyền dân sự của các nước có quyền đi lại qua Eo biển Hormuz, tàu chiến phải tuân thủ những diều kiện ngặt nghèo hơn, tầu ngầm phải đi nổi và treo cờ quốc gia, tàu chiến đi lại phải xin phép Iran. Theo công ước này, Iran có quyền phong toả eo biển - theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 thì không. Iran đòi có quyền quyết định hoàn toàn về cho phép hay không cho phép tàu chiến đi qua trong khi Mỹ không chấp nhận đòi hỏi này của Iran.

Theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 thì tàu thuyền dân sự cũng như tàu chiến có quyền quá cảnh eo biển mà không cần phải thông báo cho Iran biết trước và cũng không phải xin phép Iran. Iran ký kết công ước này nhưng không phê chuẩn, còn Mỹ không ký kết.

Vì thế mới có chuyện phức tạp về luật pháp. Mỹ viện dẫn Công ước của LHQ về luật biển mà Mỹ không ký kết. Iran viện dẫn văn kiện luật pháp quốc tế mà Iran tham gia nhưng trên thực tế đã được thay thế bằng văn kiện pháp lý quốc tế khác. 

Luật lệ lẫn lộn như thế tạo ra tình thế bên ngoài không thể biết được trước Mỹ và Iran sẽ hành xử như thế nào trong khi hai nước này biện luận cho hành động của mình như thế nào cũng được. Mỹ luôn triển khai lực lượng hùng hậu tàu chiến và máy bay, bom đạn và tên lửa ở ngay sát eo biển để luôn sẵn sàng dùng biện pháp quân sự vô hiệu hoá sự phong toả eo biển của Iran. Một phần vì thế, nhưng chủ yếu vì không muốn lợi ích của các nước khác bị ảnh hưởng mà cho tới nay Iran mới chỉ dọa chứ không thật sự phong toả eo biển.

Sau khi rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, gây áp lực với cộng đồng quốc tế để gia tăng các biện pháp trừng phạt Teheran, công khai tuyên bố là nước Mỹ sát cánh với đối lập Iran, tổng thống Trump lại mở chiến dịch công kích đồng nhiệm Rohani với mức độ gay gắt hiếm thấy. 

Tại sao Nhà Trắng lại chĩa mũi dùi vào Iran trong thời điểm này? Tất cả bắt nguồn từ việc tổng thống Iran, Hassan Rohani, cảnh cáo Washington không nên “vuốt râu hùm”, bởi một cuộc xung đột với Teheran sẽ là "một cuộc đấu quyết tử".

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến Donald Trump nổi cơn thịnh nộ. Phát ngôn viên Nhà Trắng giải thích tổng thống Trump lên giọng với Iran với mục đích tối hậu là bảo đảm rằng, Teheran không bao giờ có được vũ khí nguyên tử, bảo đảm an ninh cho người dân Hoa Kỳ. 

Tổng thống Trump sẽ dừng lại đúng lúc, tức là sẽ tránh lao vào một cuộc xung đột quân sự với Teheran? Giới phân tích nêu lên tối thiểu hai lý do cho phép lạc quan. Thứ nhất Washington đã rút tỉa được một bài học quý giá từ sau quyết định can thiệp quân sự tại Iraq năm 2003, một cuộc chiến quá tốn kém cả về tài chính lẫn nhân mạng với những hậu quả chính trị đi kèm.

Thứ hai là xung đột với Iran có nguy cơ đẩy giá dầu hỏa lên cao, tức là sẽ đánh trực tiếp vào mãi lực của người Mỹ, vốn là cử tri mà chính quyền Trump đang muốn làm chiều lòng trước mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ và kể cả trong kịch bản Donald Trump ra tái tranh cử năm 2020.

Đọc thêm