Tham dự chương trình có Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lại Xuân Lâm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Đảng ủy Khối, Trung ương Đoàn, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, các cán bộ đoàn chủ chốt, các chuyên gia pháp lý trẻ đang công tác tại các cơ quan Bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh khẳng định thanh niên Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Thanh niên thể hiện rõ quyết tâm tăng cường sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước tới công tác thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thanh niên được phát triển sức sáng tạo, tinh thần, trách nhiệm vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Qua đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn thảo luận về việc cụ thể hóa đầy đủ các chính sách xây dựng Luật đã được thông qua thành các quy định rõ ràng, tránh khẩu hiệu, hình thức, mang tính chất định hướng chung. Quá trình soạn thảo Luật cũng cần dự đoán, chọn lọc những chính sách trọng tâm, trọng điểm và có tính dài hơi để các quy định của dự thảo Luật không chỉ áp dụng cho thế hệ thanh niên hiện nay mà còn tạo động lực, cơ hội cho các thế hệ thanh niên tiếp theo phát triển đầy đủ và toàn diện.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư, ThS. Phạm Hồng Nhật, đại diện Viện Nhà nước và Pháp luật Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đề cao tính sáng tạo, tự đổi mới và khởi nghiệp của thanh niên. Trong khi xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên quốc tế đang diễn ra hết sức sôi nổi, đặt ra vai trò của các Nhà nước trong việc hỗ trợ thanh niên quốc gia và tích cực hợp tác quốc tế để đổi mới, học tập và phát triển. Theo đó, ông Nhật đưa ra ý kiến cần thay đổi cách tiếp cận về chính sách lao động và tạo việc làm, có những định hướng, hỗ trợ đặc thù cho thanh niên. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên khuyến khích thanh niên chủ động tự tạo việc làm trên cơ sở khả năng và các điều kiện thực tế hiện có; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ; mở rộng mô hình trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi...
Diễn đàn thu hút nhiều ý kiến tham gia |
Liên quan đến việc đối thoại với thanh niên, đại diện của Đoàn thanh niên Hội Luật gia Việt Nam cho rằng việc tổ chức đối thoại được coi là kênh thông tin hai chiều giữa cơ quan tổ chức, có thẩm quyền và thanh niên. Chính vì vậy, cơ quan chủ trì đối thoại có trách nhiệm công khai thông tin về buổi đối thoại ít nhất 30 ngày trước khi tổ chức đối thoại.
Cho rằng Luật Thanh niên sửa đổi là một trong những luật khó, ông Nguyễn Văn Quân, Chi đoàn Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp) lại góp ý rằng các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong các điều, khoản của Luật Thanh niên chưa được quy định rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa phân định rõ đâu là quyền của thanh niên, dẫn đến khó khăn trong áp dụng và hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, các đại biểu trong Diễn đàn cũng đề xuất Nhà nước cần làm rõ công tác kinh phí cho thanh niên, có thể giao cho cơ quan các cấp quản lý; cần bổ sung và cập nhật vấn đề liên quan đến thanh niên đồng giới và thanh niên đặc thù; phải phát huy được vai trò, thế mạnh của thanh niên vào các hoạt động chung...