Luật Thủ đô tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của TP Hà Nội

(PLVN) - Với những nội dung phân cấp, phân quyền mới mang tính đột phá, đặc biệt là việc thể hiện rõ rệt vấn đề tự chủ thu - chi ngân sách đã được thể hiện rõ rệt, Luật Thủ đô năm 2024 (sau đây gọi tắt là Luật Thủ đô) là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Thủ đô trong thời gian tới.
TS Nguyễn Đức Kiên và TS Nguyễn Minh Phong (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) tại Toạ đàm.

Phân quyền, phân cấp mạnh mẽ

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Luật Thủ đô đã được Quốc hội chính thức thông qua. Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô 2012); thể chế hoá nhiều cơ chế, chính sách mới, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực.

Tại Toạ đàm Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững do Báo Kinh tế & Đô thị, Sở Thông tin và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Luật Thủ đô đã khác biệt hóa được những vấn đề Hà Nội thí điểm đã thành công, và những vấn đề chưa thành công thì cũng giúp Hà Nội có đủ pháp lý.

“Trong Luật Thủ đô đã phân cấp rõ đối với dự án nào thì TP Hà Nội được quyền quyết định, và đặc biệt là vấn đề tự chủ thu - chi ngân sách đã được nâng lên rõ rệt”, TS Nguyễn Đức Kiên nêu rõ.

TS Nguyễn Đức Kiên cũng chỉ ra: “Trong đợt mưa lũ và bão số 3 vừa qua, cán bộ nhiều ngành Thủ đô đã năng động, linh hoạt hơn trong thực hiện nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm nhờ có hệ thống pháp lý giúp họ có thể vận dụng hiệu quả”.

Để phát triển bền vững, trên cở sở Luật Thủ đô, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, TP Hà Nội cần đưa ra được những quy định mà nếu muốn ở Thủ đô thì cần phải đáp ứng. Ví dụ như việc phân loại rác tại nguồn, tại chung cư thì cần đặt ra quy định cụ thể, không thể tùy tiện.

“Phải quản lý được từ những vấn đề nhỏ nhất để hướng đến phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để có nhiều đột phá cho phát triển Thủ đô thời gian tới, TP Hà Nội cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Trong đó, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh đến sự cần thiết tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng.

Đi cùng với đó là hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới…

Tổ chức triển khai tốt Luật Thủ đô

Đặc biệt, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Hà Nội cần tập trung triển khai tốt Luật Thủ đô đã được Quốc hội khoá XV thông qua; chú ý khai thác tốt 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền, với hai nhóm cơ chế chính sách có hiệu lực từ 1/1/2025 và từ 1/7/2025.

Ông Nguyễn Minh Phong lưu ý, cần tập trung vào 2 vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo đột phá trong cả nhận thức và thể chế về đầu tư trên địa bàn Thủ đô.

Thứ nhất là quy định tại Điều 36 về Đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

“Như vậy, với Luật Thủ đô, lần đầu tiên Hà Nội được phép lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ”, ông Nguyễn Minh Phong nói.

Theo vị TS, nếu được thiết kế tốt và có quy mô đủ lớn, được vận hành nghiêm túc và chuyên nghiệp, đây sẽ là công cụ mới đầy sức mạnh và hiệu quả được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong dùng ngân sách nhà nước đầu tư “mồi”, tạo tác động lan toả phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển mô hình kinh doanh mới trên địa bàn Thủ đô.

Thứ 2 là quy định tại Điều 37 về thẩm quyền về đầu tư. Theo quy định tại Điều này, HĐND TP Hà Nội quyết định danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô; quyết định chủ trương đầu tư đối với các đầu tư công, dự án PPP không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn TP, gồm dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD không giới hạn tổng mức vốn đầu tư, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư công, dự án PPP không giới hạn tổng mức vốn đầu tư.

Ngoài ra, HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án PPP trên địa bàn TP có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, dự án PPP đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và giao UBND TP làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài…

“Với sự phân cấp mạnh về thẩm quyền đầu tư không giới hạn quy mô vốn với các dự án không dùng vốn ngân sách nhà nước và được nhận uỷ quyền cho phép quyết định đầu tư các dự án dùng vốn ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ, với điều kiện không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài..., thực sự Hà Nội đã có trong tay bộ công cụ rất mạnh để tạo đột phá trong đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô”, ông Nguyễn Minh Phong nói.

TS Nguyễn Minh Phong khẳng định, với những nội dung phân cấp, phân quyền mới mang tính đột phá, Luật Thủ đô là minh chứng mới nhất và bền vững cho lòng tin yêu, sự tin cậy và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả nước với Thủ đô.

"Trong bối cảnh đó, thực hiện tốt Luật Thủ đô vừa là quyền lợi to lớn, vừa là trách nhiệm cao cả của TP Hà Nội và cả nước", ông Phong nói.

Đọc thêm