Luật Thủ đô - vì một Hà Nội văn minh, hiện đại

(PLVN) - Sau khi quyết định mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội vào năm 2008 bằng Nghị quyết số 15/2008/QH12, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật Thủ đô năm 2012 để tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hình thành Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng là đầu tàu của cả nước và hội nhập quốc tế…
Luật Thủ đô - vì một Hà Nội văn minh, hiện đại

Những mong muốn, kỳ vọng ấy đã đạt nhiều kết quả tích cực, song cạnh đó vẫn tồn tại không ít hạn chế, bất cập cần sớm tháo gỡ để đem lại hiệu quả thực tiễn và mục tiêu đề ra ban đầu theo Luật Thủ đô.

Thủ đô và những chính sách đặc thù

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành Luật Thủ đô cho thấy các cấp, các ngành, nhất là TP. Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các chủ thể trong tổ chức thi hành để sớm đưa Luật vào cuộc sống. Công tác quán triệt, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã có tác động sâu rộng đến ý thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. 

Luật Thủ đô đã quy định nhiều chính sách đặc thù cho Hà Nội trong các lĩnh vực từ quy hoạch xây dựng, phát triển và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan và xây dựng đô thị đến bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường; quản lý đất đai… Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật bước đầu đã giúp cho thành phố tạo lập đồng bộ các công cụ pháp lý trong xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

Chẳng hạn, về bảo tồn và phát triển văn hóa theo Điều 11 Luật Thủ đô, thành phố đã hoàn thành công tác chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng tuyến phố chuyên kinh doanh Đông Nam dược Lãn Ông; mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp 1 với 11 tuyến phố cổ và tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch; triển khai Đề án đầu tư, tôn tạo bảo tồn và phát huy di tích Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây giai đoạn 2014 - 2020; hoàn thành trùng tu, tôn tạo một số dự án chùa và đang triển khai bảo tồn, tôn tạo các di tích tiêu biểu trên địa bàn khu vực phố cổ; triển khai Đề án Trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm cho các làng nghề (như gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, điêu khắc khỗ Sơn Đồng, dệt lụa Vạn Phúc…); tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn về thiết kế sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho các làng nghề. Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bảo tồn những di sản tiêu biểu như Đề án “Phát huy không gian Lễ hội Gióng”, bảo tồn hát múa Ải Lao... 

Hay trong phát triển và quản lý giao thông vận tải theo Điều 18 Luật Thủ đô, thành phố ưu tiên tổ chức giao thông đảm bảo để các phương tiện vận tải hành khách công cộng vận hành thông suốt, hạn chế tối đa các trở ngại, đảm bảo thuận tiện cho hành khách; khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, có chính sách miễn, giảm vé xe buýt cho các đối tượng.

Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, thành phố đã chỉ đạo giao liên danh Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Viettel triển khai dự án hệ thống vé điện tử thí điểm cho tuyến xe buýt BRT và nhân rộng ra toàn bộ mạng tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố… 

 

Để quy hoạch không bị “vỡ trận”

Ở chiều ngược lại, việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Riêng trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa, mặc dù đã quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhưng chưa có chiến lược phát huy giá trị văn hóa Thủ đô một cách đồng bộ về các mặt như kinh tế, giáo dục...; còn thiếu cơ chế thực hiện quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh đô thị của người dân…

Đáng chú ý là việc thực hiện quy hoạch và quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trong một số trường hợp bị “vỡ trận”. Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho

nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.Vậy nhưng thời gian qua, ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng; tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.

 

Công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ di dời thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô. Nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng lại được xây dựng ngay trên nền đất sau khi di dời. 

Ví dụ, trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp thì nay là những dự án Tổ hợp nhà liền kề, Trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn; các bệnh viện, cơ sở giáo dục, cơ quan Trung ương đến nay có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng Tổ hợp dự án nhà cao tầng…

Nhận thức sâu sắc các hạn chế, vướng mắc trên, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội rà soát, đánh giá các quy định có liên quan của các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực, làm cơ sở cho việc nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô; thực hiện nghiêm Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành Hà Nội.

Chính phủ cũng sẽ chủ trì làm việc hàng năm với thành phố Hà Nội, các tỉnh trong Vùng Thủ đô và các bộ, ngành có liên quan để đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô, làm sao phát triển Thủ đô bền vững, tăng trưởng xanh. 

Cùng với yêu cầu Hà Nội phải chủ động hơn nữa trong tổ chức thi hành Luật Thủ đô, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát theo chuyên đề việc thi hành Luật Thủ đô, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực như quy hoạch, kiến trúc; nhà ở; xây dựng; giao thông; đất đai; môi trường; hướng dẫn Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội tăng cường giám sát việc thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trên địa bàn Thủ đô…

Đọc thêm