“Luật về làm luật” hết sức quan trọng và tương đối đặc thù

(PLVN) - Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sáng nay (21/11), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, luật này là một văn bản luật hết sức quan trọng và tương đối đặc thù đối với nước ta. 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình tại phiên họp.

Đóng góp không thể phủ nhận 

“Đây là luật về làm luật. Nghiên cứu của chuyên gia cho thấy Việt Nam là 1 trong số ít các nước quy định về quy trình xây dựng pháp luật trong một văn bản luật riêng, cùng Trung Quốc, Azerbaijan…”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, một số nước quy định nguyên tắc về lập pháp trong Hiến pháp, luật Nghị viện và các luật khác. Đa số các nước còn lại thực hiện theo quy chế làm việc của cơ quan lập pháp và hành pháp.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, ở Việt Nam, Luật Ban hành VBQPPL được ban hành lần đầu vào năm 1996, đến nay đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. 

Qua mỗi lần sửa đổi, từ thực tiễn yêu cầu của tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế, nhận thức tăng lên của xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của pháp luật cũng như kinh nghiệm được tích lũy nhiều hơn, nhiều nội dung mới quan trọng tiếp cận dần với chuẩn pháp luật của các quốc gia văn minh, có truyền thống pháp luật lâu đời được bổ sung. Những nội dung không còn phù hợp đã được loại bỏ.

Trong số các nội dung nổi bật của Luật sửa năm 2015 có việc hạn chế thêm hình thức văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan có thẩm quyền ban hành để hệ thống pháp luật đỡ phức tạp và dễ tiếp cận hơn, chi phí tuân thủ thấp hơn; tách quy trình chính sách thành một công đoạn riêng để bảo đảm tính khả thi, chất lượng của chính sách trước khi quy phạm hóa; bỏ chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ vì thực tế cho thấy rất hình thức và không khả thi.

Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, theo quy định của các Luật Ban hành VBQPPL qua các thời kỳ, công tác xây dựng và thực thi pháp luật ở nước ta đã có bước phát triển vượt bậc. Trong giai đoạn 2005-2019, QH, UBTV QH đã ban hành 269 luật, 30 pháp lệnh, 34 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 1.700 nghị định, 1.000 quyết định; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành gần 10.500 thông tư, thông tư liên tịch; các cấp ở địa phương ban hành gần 152.000 nghị quyết của HĐND.

“Các VBQPPL nêu trên đã đóng góp trực tiếp, quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước trong một xã hội pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thành tựu đó có đóng góp không thể phủ nhận của các Luật Ban hành VBQPPL qua các thời kỳ”, ông Long nói.

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, mục đích sửa Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 với các nội dung như Chính phủ trình, ý kiến của UBTV QH và thẩm tra của Ủy ban pháp luật là để chuẩn hóa quy trình, cách thức và kỹ năng làm luật phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng.

Trong các nội dung Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung có nội dung về cơ quan chủ trì chỉnh lý, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết sau khi QH cho ý kiến lần đầu, Chính phủ trình 2 phương án với các lý do, lập luận như được báo cáo trong Tờ trình.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa Chính phủ với UBTV QH và giữa các ĐBQH với nhau. Theo quy định tại Điều 72 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, QH xem xét, quyết định vấn đề này. 

Điểm chung của cả 2 phương án là đều do UBTV QH trực tiếp chỉ đạo và cơ quan quyết định cuối cùng là QH đồng thời đều đã cố gắng đưa vào các quy định để bảo đảm hơn chất lượng dự thảo văn bản theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chỉ có sự khác nhau về phân định trách nhiệm cụ thể là do thường trực 1 ủy ban hay 1 ủy ban của QH trực tiếp chủ trì giúp UBTV QH như quy định hiện hành hay tiếp tục là cơ quan trình như phương án Chính phủ trình.

Nghiên cứu của chuyên gia và kinh nghiệm của một số nước cho thấy cũng có cách tiếp cận khác nhau về cơ quan chủ trì chỉnh lý sau khi QH cho ý kiến lần thứ nhất. 1 là các ủy ban của QH, 2 là cơ quan trình hay 3 là làm theo cách cùng làm con thoi, luân phiên và không rõ hẳn cơ quan chủ trì.

Điểm rất giống nhau ở cả 3 cách là ở các nước có liên quan được nghiên cứu là người ta không đặt vấn đề quá nặng nề là cơ quan nào chủ trì, tiếp tục tiếp thu chỉnh lý bởi đây chủ yếu là công đoạn mang tính chất kỹ thuật. Cơ quan trình đã nghiên cứu chính sách, dự kiến giải pháp xử lý vấn đề, tính toán về tính khả thi và nguồn lực thực hiện. Hầu như không có sự thay đổi lớn về chính sách hay phạm vi điều chỉnh hoặc những quy định có tác động lớn đến xã hội mà chưa được nghiên cứu trước khi trình.

Ngược lại, có thực tế là có dự án luật trình nhưng không được QH thông qua hoặc cơ quan trình rút dự thảo hoặc được thông qua nhưng với tỉ lệ quá bán rất thấp. Đây là thực tế cần chấp nhận.

“Thực tế là Việt Nam ta có khác nên ta có luật riêng. Trong bối cảnh chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng pháp luật còn hạn chế thì việc có 1 luật riêng để quy phạm hóa quy  trình vốn rất phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài là cần thiết”, Bộ trưởng Lê Thành Long giải thích.

Ông Long chỉ ra rằng, do chúng ta vừa làm vừa tính tới kinh nghiệm nên trong thời gian qua dù đã rất cố gắng nhưng tuổi đời của một luật thường khá thấp. 

“Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp cho thấy, trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hình sự hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn 2005-2018, tuổi đời trung bình của các luật dưới 10 năm, một số luật dưới 3 năm, cá biệt có luật chưa có hiệu lực đã sửa”, Bộ trưởng Long cho hay.

Số lượng văn bản quy định chi tiết cũng khá nhiều, điển hình như Luật quản lý tài sản công có 17 nhóm nội dung cần quy định chi tiết và thời gian ra quy định chi tiết thường rất ngắn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Có những việc Chính phủ được giao nhưng trên thực tế rất khó thực hiện do chưa dự liệu được những vấn đề phức tạp hay do dự luật được thông qua có quy định khác với phương án trình.

Ví dụ, Luật Nhà ở năm 2014, QH thông qua có quy định về việc Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội ở Điều 74 khó tổ chức thi hành.

Trong khi đó, theo dự án luật mà Chính phủ trình, vốn hỗ trợ của nhà nước gồm cả vốn trung ương và vốn địa phương đối với các trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của luật này.

Kiên định, nhất quán trong tổ chức xây dựng luật

Bộ trưởng Long cho biết thêm, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chúng ta đang tổng kết nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng như Nghị quyết số 48 về chiến lược xây dựng pháp luật, số 49 về cải cách tư pháp, Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về phổ biến, giáo dục pháp luật, Chỉ thị số 33 của Ban Bí thư về hoạt động luật sư, Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về hợp tác nước ngoài về pháp luật.

“Cùng với việc tổng kết các văn bản quan trọng này và dự kiến công việc mà cả hệ thống chính trị cần làm trong tương lai, chúng ta cũng đang xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Theo chỉ đạo, Chính phủ đã chủ động chuẩn bị các báo cáo, đề xuất tham mưu có cái nhìn tổng thể về hệ thống pháp luật của nước ta theo hướng nhận thức rõ hơn về các cấu thành của hệ thống pháp luật”, Bộ trưởng Long cho hay.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, trong số đó, việc xây dựng, ban hành với một quy trình ngày càng được chuẩn hóa chỉ là 1 trong số các yếu tố. “Điều quan trọng là tổ chức thực thi với hệ thống các thiết chế bảo đảm và yếu tố con người vận hành trong hệ thống cùng 1 xã hội thượng tôn pháp luật”, ông nói.

Bộ trưởng Long nhấn mạnh khi làm luật cần có chủ thuyết rõ ràng, đã quyết định về chính sách rồi thì cần kiên định và nhất quán trong tổ chức xây dựng và bảo đảm thi hành. Quy trình xây dựng pháp luật có vai trò quan trọng nhưng năng lực con người và kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng pháp luật còn quan trọng hơn. 

“Chúng ta sẽ cố gắng làm triệt để và tốt hơn những gì đã nhận thức được nhưng chưa làm xong, chuẩn hóa và thực hiện pháp điển. Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Tòa án nhân dân tối cao cũng cần làm tốt hơn vai trò hiến định là ban hành án lệ để dần giảm bớt pháp luật thành văn. Có như vậy thì mới có thể theo kịp cuộc sống vì pháp luật thành văn dẫu có hoàn thiện đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể đáp ứng yêu cầu hàng ngày phát sinh của cuộc sống”, Bộ trưởng Bộ tư pháp nói.

Đọc thêm