Nhấn mạnh tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp
Phân tích những kết quả, hạn chế và bài học kinh nghiệm qua 4 đợt dịch, nhất là đợt dịch lần thứ 4, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là hết sức phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Nghị quyết đã đưa ra các biện pháp đáp ứng vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế; giao các bộ, ngành sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương cũng căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất.
Nghị quyết cũng cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc về giao thông và hàng hóa, không gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.
Trong trường hợp tổ chức triển khai thực hiện hoặc trong trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có quy mô toàn tỉnh cao hơn các biện pháp quy định trong Nghị quyết 128; hoặc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các hướng dẫn của các bộ, ngành các địa phương thấy chưa sát thực tế hoặc khó triển khai thực hiện; thì địa phương đề xuất báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
“Tôi vẫn nhắc lại là các quy định của địa phương không được trái với quy định của Trung ương để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất trong phòng chống dịch cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, Nghị quyết 128 là chủ trương rất sáng tạo; xã hội như đón “luồng gió mới”, nhất là nhấn mạnh về tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất ở các địa phương trong công tác chống dịch theo chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả”. “Nhưng hiểu được Nghị quyết 128 để thực hiện cho đúng, để lập lại trật tự là cả một vấn đề”, ông Nhưỡng nói.
Từ Nghị quyết đến hành động, theo ông Nhưỡng, có 3 việc lớn cần quan tâm, một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng “ăn đong”, “nay chỉ đạo thế này, mai chỉ đạo cái khác”. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. |
Đề cao tính linh hoạt, sáng tạo của bộ, ngành, địa phương
Một vấn đề không thống nhất giữa các địa phương thời gian qua chính là hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa. Để thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 128, Thứ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã rà soát lại và ban hành quy định mới phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp trong Nghị quyết 128, đặc biệt là phù hợp với quy định của Bộ Y tế thể hiện ở Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận. Thời điểm hiện nay đang “hạ nhiệt” về dịch để phục hồi kinh tế, vấn đề đi lại của người dân sẽ rất lớn.
“Bộ GTVT đã đưa ra kế hoạch trong 5 lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy rất kịp thời, phù hợp. Trong quá trình thực hiện Bộ GTVT luôn kiểm soát, điều chỉnh thích ứng với tình hình mới”, ông Thọ chia sẻ.
Hay mặc dù Nghị quyết 128 nêu rõ tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 và hướng dẫn mới của Bộ Y tế không yêu cầu người dân xét nghiệm; nhưng hiện một số địa phương vẫn duy trì các chốt kiểm soát gây khó khăn và bức xúc trong việc đi lại của người dân. Nhìn nhận vấn đề này, GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam ví dụ về các chốt chặn khắp các cửa ngõ một số nơi và cho rằng “hành vi của người tham gia giao thông và cách tổ chức giao thông mới gây ra dịch bệnh”.
“Tôi cho rằng nếu đâu đó còn chưa mở cửa thì các lãnh đạo ở địa phương đó chưa thực sự thấm nhuần, chưa thực sự hiểu hết Nghị quyết 128. Tôi tin các địa phương sẽ đi vào thực hiện thật tốt Nghị quyết 128”, GS Trí nhắn nhủ.
Từ thực tiễn của địa phương, sau cao điểm phòng chống dịch, Khánh Hòa đã và đang triển khai mạnh các biện pháp phục hồi nền kinh tế, duy trì ổn định đời sống nhân dân. Đồng tình với ông Nhưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu cho hay, người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi đón nhận Nghị quyết 128.
Ông Thiệu tin tưởng, Nghị quyết 128 sẽ tạo ra bước ngoặt mới không chỉ riêng Khánh Hòa mà với cả nước. Với tinh thần trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và chủ trương của các ban, ngành vừa qua, Khánh Hòa đang hướng đến việc khôi phục, phát triển lại du lịch. Ngay khi các chuyến bay nội địa được khôi phục, tỉnh đã đăng ký ngay là địa phương được thí điểm các chuyến bay nội địa. Khánh Hòa cũng có phương án đón tiếp khách quốc tế, đã trình Chính phủ, Bộ ngành và mong rằng sớm được phê duyệt để Khánh Hòa được sớm đón tiếp khách du lịch.
“Chúng ta đã chịu đựng một cú sốc lớn nhưng đã không chấp nhận đóng băng toàn bộ hoạt động xã hội, vì nếu chúng ta để mạch máu giao thông đứt gãy tức là cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và sẽ chết, chúng ta rất may không rơi vào tình trạng đó, không rơi vào tình trạng hỗn loạn, đây là vấn đề rất tốt đối với khía cạnh quản lý xã hội.
Vấn đề thứ hai, chúng ta rất trân trọng người dân đã đóng góp lớn, không chỉ công sức mà còn cả sự đồng thuận bằng toàn bộ nguồn lực của mình, vai trò to lớn của các nhà thiện nguyện, các nhà hảo tâm cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội nói chung, đến mức vượt qua tưởng tượng của chúng ta.
Với tư cách là đại diện cũng như tiếp xúc nhiều ý kiến của cử tri, tôi cho rằng sức mạnh to lớn của người dân có vai trò to lớn để chúng ta duy trì được trạng thái như bây giờ”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"