Lưu Tiến Dũng - Nhà sáng lập Hãng luật La Défense: Hơn một thập kỷ đồng hành cùng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xuất thân là một chuyên gia tư vấn với kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp, hơn ai hết, Nhà sáng lập Hãng luật La Défense Lưu Tiến Dũng vẫn luôn trăn trở với sứ mệnh của “người bảo hộ”. Đối với anh, chỉ khi pháp luật không còn bị coi là rào cản mà chính là con đường dẫn doanh nghiệp đến thành công bền vững, khi đó Việt Nam mới có thể có những tên tuổi lớn mạnh, trở thành xã hội và quốc gia phát triển. Tuy nhiên, nếu thiếu sự “bảo hộ” về pháp lý và quản trị từ kinh nghiệm của các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp sẽ khó mà tự tin vững bước. Đó cũng chính là động lực mạnh mẽ đã thôi thúc chuyên gia Lưu Tiến Dũng cùng các cộng sự, luật sư tại La Défense cống hiến hết mình, đồng hành với sự thành công của các doanh nghiệp và doanh nhân trong suốt 12 năm qua.
Lưu Tiến Dũng - Nhà sáng lập Hãng luật La Défense: Hơn một thập kỷ đồng hành cùng doanh nghiệp

Pháp luật là hành lang cần thiết

Năm 2012, Công ty La Défense Law Consulting (LLC) - tiền thân của Hãng luật La Défense Việt Nam hiện nay - bắt đầu với hội đồng 5 thành viên gồm các Phó Giáo sư, Tiến sĩ luật và luật sư chuyên nghiệp trong các lĩnh vực: Pháp luật doanh nghiệp; Đầu tư dự án; Sở hữu trí tuệ; Giải quyết tranh chấp; Khởi kiện & Tranh tụng tại Tòa án... Sau 12 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Hãng Luật La Défense Việt Nam hoạt động với đội ngũ khoảng 30 luật sư, trợ giúp pháp lý, cộng tác viên có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, năng động và tận tụy với khách hàng; Sở hữu 2 văn phòng đặt tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; Cung ứng dịch vụ tư vấn quản trị doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ pháp lý.

Nói về hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp, chuyên gia Lưu Tiến Dũng chia sẻ: “Hơn một thập kỷ trước, việc tiếp cận kiến thức về quản trị rất khó khăn. Trong khi đó, nếu không quản trị tốt, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển, chắc hẳn mọi nhà lãnh đạo đều đã từng gặp phải bài toán khó trong hành trình mở rộng doanh nghiệp. Nếu như việc bắt đầu với quy mô nhỏ, quản lý dưới 10 nhân sự chưa đòi hỏi quá nhiều công sức của chủ doanh nghiệp thì khi con số đó lên tới hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn nhân sự, ngay lập tức, các vấn đề phát sinh sẽ liên tiếp xuất hiện. Đặc biệt, quản trị là nền móng doanh nghiệp, nếu không thể kiểm soát tốt, không có quy trình, quy chế, công cụ quản trị hiệu quả, công ty sẽ rơi vào tình trạng “càng làm càng lỗ”, vướng mắc các nguy cơ pháp lý tiềm ẩn, dẫn đến hậu quả khó lường trong tương lai.

Từ những vấn đề đó, chúng tôi đã thành lập Công ty Tư vấn La Défense nhằm đưa ra giải pháp tổng thể, với mong muốn trở thành “người bảo hộ”, tạo lá chắn giúp doanh nghiệp tránh khỏi những sai lầm hay vấn đề không đáng có. Đối với mỗi doanh nghiệp, chúng tôi đều đưa ra giải pháp phù hợp đóng vai trò như “bệ đỡ” vững chãi gồm các công cụ để thiết lập hành lang quản trị. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể phác họa lộ trình và định hướng phát triển rõ ràng, tự tin tiến xa hơn thay vì tự mò mẫm và quản trị theo bản năng, không rõ đúng sai và cũng khó mang lại hiệu quả.

Tôi nhận thấy rằng thường chủ doanh nghiệp sẽ giỏi chuyên sâu về một ngành đặc thù và rất bản lĩnh trong công việc của họ nhưng lại thiếu đi kiến thức về quản trị. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi quản trị vốn là một ngành khoa học nghiên cứu, đòi hỏi thời gian học tập và hiểu biết để có thể áp dụng hiệu quả. Do đó, sự đồng hành của chuyên gia quản trị là cần thiết cho các doanh nghiệp”.

Cùng với sự phát triển của xã hội và thay đổi liên tục của thị trường cũng như pháp luật, bên cạnh bài toán kinh doanh, thương hiệu, quy trình vận hành… thì pháp luật và rủi ro pháp lý đã trở thành khía cạnh gắn chặt với hoạt động quản trị doanh nghiệp. Luật đưa ra bộ khung cho từng mô hình doanh nghiệp mà đó chính là nền tảng quản trị cơ bản nhất để đơn vị kinh doanh tuân thủ. Ở góc độ quản trị doanh nghiệp, luật được xây dựng trên các nguyên tắc quản trị khoa học, vừa tạo ra ranh giới, thiết lập trật tự trong thị trường, vừa cung cấp công cụ, định hướng sơ khai, giúp doanh nghiệp phát triển theo từng giai đoạn. Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng và áp dụng phương pháp quản trị mở rộng phù hợp với đặc điểm riêng nhưng luôn phải bảo đảm nằm trong khung pháp lý của nước sở tại.

Nhận thấy nhiều doanh nghiệp còn chưa có hiểu biết đầy đủ về luật, chuyên gia pháp lý Lưu Tiến Dũng cùng các luật sư cộng sự đã quyết định mở rộng hoạt động, chú trọng vào vấn đề hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Với thế mạnh về chuyên môn và sự tận tâm của các luật sư thành viên, La Défense nhanh chóng trở thành cái tên uy tín trong hoạt động tư vấn pháp luật doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững.

Chuyên gia Lưu Tiến Dũng khẳng định: “Theo tôi, luật có “thân thiện” hay không, chủ yếu phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Nếu coi luật là phương tiện kìm hãm, bản thân doanh nghiệp sẽ luôn tìm ra những “vùng xám” của luật để “lách luật”. Nhưng tựu chung về dài hạn, những công thức đó thường mang lại sự bất ổn từ nền móng và trách nhiệm pháp lý chắc chắn sẽ đến trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận đúng, pháp luật là những quy định để kiến tạo hành lang công bằng, minh bạch cho các chủ thể tham gia thị trường, giúp cho mọi doanh nghiệp có cơ hội phát triển như nhau. Bản thân tôi trước đây đã chứng kiến nhiều sự việc đáng tiếc khi các chủ doanh nghiệp phải đối mặt với trách nhiệm hình sự do thiếu kiến thức, nhận thức không đầy đủ về pháp luật và buộc phải trả giá đắt cho những sai phạm không đáng có của mình. Tuy nhiên, các doanh nhân trẻ hiện nay đã tỉnh táo hơn, họ tuân thủ pháp luật từ những thao tác nhỏ, do đó, con đường kinh doanh của họ trở nên hanh thông và bền vững, có thể huy động được những nguồn lực lớn trong xã hội, được cộng đồng thừa nhận.

Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp Việt Nam đã cập nhật tất cả xu hướng quản trị mới của thế giới, quy định cởi mở, hiện đại, chi tiết mà chỉ cần tuân thủ đúng thì doanh nghiệp đã có khung quản trị rất hiệu quả. Tuy nhiên, đáng tiếc là tôi nhận thấy, một bộ phận doanh chủ Việt Nam vẫn chưa có ý thức tìm hiểu sâu về luật. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang tự mày mò, sưu tầm và chưa biết áp dụng luật trong quản trị và kinh doanh.

Theo quan sát của tôi, chúng ta nên học hỏi các doanh nghiệp quốc tế FDI. Khi bước chân vào Việt Nam, điều đầu tiên họ quan tâm là luật ở đây quy định như thế nào về lĩnh vực họ muốn đầu tư, đó là câu hỏi được đặt ra trước cả những phân tích về thị trường, doanh thu và tiềm năng kinh doanh”.

“Người bảo hộ” của doanh nghiệp

Quả thực, quản trị pháp lý là điều vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, quy mô và ngân sách phù hợp dành cho hạng mục này đối với từng đơn vị là không giống nhau. Chuyên gia Lưu Tiến Dũng nhận định: “Việc các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và áp dụng không hề sai, nhưng việc mời luật sư tư vấn cũng không thừa. Do đó, chúng ta cần dựa vào quy mô và bản chất để quyết định.

Đối với những vấn đề đơn giản, được luật quy định, hướng dẫn rõ ràng và trong quy mô doanh nghiệp nhỏ, chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm hiểu, nghiên cứu áp dụng. Đặc biệt, với chi phí eo hẹp của một doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thể thành lập phòng pháp chế nội bộ thì việc chủ động áp dụng luật pháp là vô cùng nên làm. Tuy nhiên, khi có phát sinh, doanh nghiệp cần tìm hiểu để nhận thức mức độ nghiêm trọng của vấn đề để quyết định mời luật sư tham gia hay không. Ngay cả những tập đoàn lớn có văn phòng pháp lý nội bộ, khi có vấn đề, họ vẫn mời các hãng luật, luật sư bên ngoài để có nhiều góc nhìn hơn trong việc tìm giải pháp. Trên hết, doanh nghiệp cần phải hiểu, chủ động tuân thủ luật pháp luôn tốt hơn là ở thế bị động về mặt pháp lý”.

Dựa trên nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp và khách hàng hiện nay, La Défense cung cấp hai dịch vụ chính: Tư vấn pháp lý thường niên và Giải quyết tranh chấp. Trong đó, lĩnh vực giải quyết tranh chấp pháp lý cũng là phương tiện bổ trợ giúp luật sư củng cố kinh nghiệm để đưa ra tư vấn, tiên lượng chính xác hơn cho doanh nghiệp trong các hoạt động thường niên nhằm tránh những vấn đề không đáng có. Mỗi khi có tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp luôn phải hứng chịu những tổn thất về thời gian, tiền bạc, công sức cũng như ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động, do đó, chuyên gia Lưu Tiến Dũng cũng như La Défense luôn ưu tiên tránh mọi rủi ro, để doanh nghiệp phát triển thuận lợi nhất.

Bên cạnh đó, La Défense cũng đang bước đầu triển khai gói “Bảo hiểm pháp lý” cho cá nhân, gia đình có nhu cầu, đặc biệt là đối tượng doanh nhân. Theo đó, tương tự như bảo hiểm y tế, các chuyên gia tại La Défense sẽ đồng hành, bảo vệ lợi ích hợp pháp dù nhỏ nhất của cá nhân cũng như các thành viên trong gia đình trong mọi trường hợp, từ các lỗi vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ cho tới các sự việc lớn hơn trong đời sống, kinh doanh.

Theo chuyên gia Lưu Tiến Dũng, riêng đối với doanh nghiệp, La Défense có thế mạnh nổi trội với những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Anh khẳng định: “Bản thân chúng tôi là một doanh nghiệp và xuất phát từ dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, các vấn đề doanh nghiệp thường gặp phải, quyền lợi nào hay bị xâm phạm, tình huống nào có thể xảy ra và giải pháp nào để hài hòa cũng như cân bằng, lường trước mọi rủi ro.

Khác với các hãng luật đề cao tính chất quy phạm, chúng tôi quan tâm tới khả năng ứng dụng và đề cao tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cảnh báo trước với khách hàng những rủi ro cụ thể nhất ngay từ đầu để giảm thiểu các phát sinh sau này. Thực tế, chúng tôi tư vấn khách hàng cả những vấn đề mà luật chưa quy định rõ ràng nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đã chứng kiến và đúc kết để đưa ra tiên lượng hiệu quả, phù hợp nhất.

Bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ, tôn chỉ hành nghề của các luật sư tại La Défense là “người bảo hộ” tức là người đứng trước, đi đầu để che chở, cản lại mọi nguy cơ nguy hiểm, đe dọa tới quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Do đó, tinh thần xuyên suốt của mọi nhân sự tại La Défense là “dám dấn thân”. Tinh thần đó bộc lộ trong nhiều khía cạnh, có thể là dám khai phá những điểm mới của luật chưa được áp dụng để tiên lượng kịp thời cho khách hàng; “Dấn thân” trong tư vấn, dám đưa ra những chiến lược chưa có tiền lệ nhưng hiệu quả với từng trường hợp cụ thể của khách hàng; Khi giải quyết tranh chấp, luật sư phải dám đối đầu với các xung đột, va đập về quyền lợi thậm chí đối mặt với cả những áp lực và đe dọa.

Quan điểm của tôi về quan hệ giữa luật sư và khách hàng dựa trên cam kết về sự tận tâm. Khi tiếp nhận sự việc của một khách hàng, chúng tôi luôn coi đó là sự việc của chính mình, quyền lợi của khách hàng cũng là quyền lợi của luật sư. Do đó, việc tư vấn, bào chữa hay bảo vệ không chỉ dựa trên kiến thức pháp lý mà còn vận dụng toàn bộ kinh nghiệm trong quá trình hành nghề của mình. Đồng thời, chúng tôi luôn cam kết đồng hành cùng khách hàng xuyên suốt, từ đầu đến cuối vụ việc dù thời gian tố tụng kéo dài và gặp nhiều trở lực, khó khăn”.

“Thượng tôn pháp luật nghĩa là đặt pháp luật lên cao nhất. Khi doanh nghiệp đặt lợi ích của mình cao hơn pháp luật đồng nghĩa với việc lằn ranh pháp luật đã bị bước qua, khi đó, cá nhân và doanh nghiệp buộc sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Tuân thủ pháp luật mang lại sự an toàn cho chính doanh nhân, doanh nghiệp cũng như kiến tạo thị trường lành mạnh”.

Đọc thêm