Báo “Bưu điện Jakarta” số mới đây cho biết, những sáng kiến thiết lập hệ thống mã vạch truyền thông đang được Hội đồng báo chí Indonesia đánh giá cao bởi nó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các tin tức giả mạo đang bùng phát ở quốc gia này. Việc thẩm tra thông tin bằng cơ chế mã vạch sẽ là một trong những giải pháp tốt nhất chống vấn đề giả mạo thông tin.
Ý tưởng hay
Theo đó, ý tưởng mã vạch truyền thông sẽ được áp dụng đối với các phương tiện truyền thông đại chúng của Indonesia (bao gồm cả các trang mạng xã hội) đồng thời cũng sẽ khiến các hoạt động kinh doanh không lành mạnh (trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt để quảng cáo) sẽ phải điều chỉnh để tránh vi phạm bản quyền.
Các nhà báo hoặc tác giả của những bài viết, công trình nghiên cứu... cũng sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này bởi một thực tế là các cơ quan chức năng của Indonesia đang bị mất khả năng kiểm soát việc vi phạm bản quyền, kiểm duyệt thông tin, ảnh hưởng đến những giá trị và tính tự do của báo chí. Nhiều hãng truyền thông lớn với hệ thống tin tức khổng lồ được tạo ra bởi các nhà báo chuyên nghiệp đã hưởng ứng nhiệt liệt ý tưởng bảo vệ quyền tác giả.
Thực tế cho thấy những thông tin hợp pháp đang gặp phải những khó khăn nhất định trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Nhiều tin tức giả mạo, biến tấu không được kiểm tra, thẩm định trong khi rất nhiều độc giả chưa có khả năng phân biệt các loại thông tin.
Việc quản lý, xác minh bằng mã vạch truyền thông sẽ không chỉ giúp cho độc giả tránh được những lệch lạc, sai sót của thông tin đồng thời mang lại những hy vọng cũng như lợi ích cho những người cung cấp thông tin. Số lượng các phương tiện truyền thông trực tuyến và không trực tuyến đã phát triển bùng nổ ở Indonesia trong những năm gần đây.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, hiện nước này có hơn 500 tờ báo in, 11 đài truyền hình quốc gia, 394 đài truyền hình địa phương, 1.200 đài phát thanh và 43.000 trang mạng. Cho đến nay, Hiệp hội báo chí Indonesia mới chỉ xác nhận 240 cổng thông tin có giá trị trong việc đăng tải tin tức. Điều này cho thấy một thực tế là ở Indonesia hiện đang có rất nhiều các trang điện tử, báo, đài chưa được cấp phép hoạt động.
Vẫn còn tranh cãi
Khi biện pháp kiểm tra, kiểm duyệt bằng mã vạch truyền thông được công bố, đã có nhiều nhà báo lên tiếng chỉ trích, cho rằng việc này sẽ khiến Indonesia quay trở lại thời kỳ độc tài với việc kiểm duyệt báo chí gắt gao, làm suy yếu quyền tự do báo chí cũng như tự do ngôn luận.
Các blogger và nhà báo tự do lo ngại rằng chính sách này sẽ làm giảm sự sáng tạo cũng như hiệu quả kinh doanh. Những người chỉ trích còn nói rằng do không thể kiểm duyệt Internet nên cũng không thể ngăn chặn các tin tức giả mạo trong thời đại kỹ thuật số và kế hoạch này cuối cùng sẽ thất bại.
Một số chỉ trích cũng đến từ Liên minh các nhà báo độc lập (AJI) trong đó họ đặt câu hỏi về độ tin cậy trong quá trình xác minh thông tin của Hội đồng thẩm tra vì chỉ liên quan nhiều đến thủ tục hành chính pháp lý mà không tập trung về nội dung.
Trái lại, những người ủng hộ việc quản lý thông tin bằng hệ thống mã vạch thì cho rằng vấn đề này sẽ có lợi cho công chúng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Dù vậy, việc thiết lập hệ thống mã vạch truyền thông không chỉ có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn các tin tức giả mạo mà còn có tác dụng giáo dục cộng đồng. Mặc dù không thể ngăn chặn tất cả những tin tức giả mạo trên Internet, nhưng ít nhất cũng có thể ngăn chặn những mục quảng cáo trái phép với những khoản lợi nhuận béo bở từ việc thực hiện các hành động không công bằng này.
Hệ thống mã vạch của Hội đồng báo chí Indonesia sẽ hỗ trợ cho hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông nước này trong đó cũng có tác dụng kiểm soát sự lây lan của những tin tức làm gia tăng sự thù hận và phân biệt đối xử trong xã hội.