Mai này ai giữ tiếng tơ?

(PLO) -"Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”. Tiếng đục trầm này là âm thanh phát ra từ dây đàn kết bằng sợi tơ tự nhiên của cây đàn đáy, là tiếng đàn gần như nguyên bản của cha ông mà dường như chỉ còn NSND Xuân Hoạch là giữ lại được… 
NSND Xuân Hoạch
NSND Xuân Hoạch

NSND Xuân Hoạch là một trong số ít những nghệ sĩ Việt Nam được tổ chức Worl Masters – Những bậc thầy thế giới (WMOC) công nhận là nghệ nhân thế giới. Gặp ông, ngắm nhìn bộ sưu tập đàn do chính tay ông làm và những nỗ lực của ông trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam mới hiểu tại sao ông lại được trao tặng danh hiệu vinh dự ấy.

Xuân Hoạch gắn bó với cây đàn dân tộc và những làn điệu truyền thống từ khi là một cậu bé. Khi mới 6 tuổi, ông đã là thành viên đội văn hóa làng, cùng các anh chị lớn hơn khi ca hát, lúc đệm đàn biểu diễn khắp trên xóm cùng thôn ở miền đất là cái nôi của chiếu chèo đất Bắc Thái Bình quê ông.

Niềm say mê âm nhạc đã sớm “phát lộ” ở cậu bé này. Đến khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) ,năm 1966,  chàng thanh niên 16 tuổi Xuân Hoạch đã trúng tuyển vào Khoa Nhạc cụ dân tộc truyền thống, bắt đầu theo học lớp đàn nguyệt do NSND Xuân Khải (tác giả của nhiều tác phẩm độc đáo cho đàn nguyệt) chỉ dạy. 

Và cũng từ đây, bao nhiêu hạt mầm ươm từ những năm tháng thiếu thời đã có cơ hội trỗi dậy. Những cây đàn dân tộc như bầu, nguyệt, tứ, nhị… trở thành những người bạn thân thiết của ông trong suốt quá trình học tập và biểu diễn khắp nơi… Cứ mỗi ngày trôi qua lại càng khiến ông thêm say đắm.

Bất cứ lúc nào, ông cũng có thể ôm đàn chìm đắm trong những tiếng tơ thánh thót, lúc bổng lúc trầm, lúc nỉ non ai oán khi lại rộn rã vui tươi… Những tình cảm quê hương đất nước, yêu thương con người, những cảm thông với những số phận éo le… cứ lần lượt đi vào lòng người qua tiếng đàn, tiếng hát của Xuân Hoạch. 

Ông tâm sự: “Âm nhạc dân tộc là âm nhạc của cha ông, được làm nên từ những nguyên liệu thuần Việt, gần gũi với thiên nhiên và gắn bó với đời sống của những người dân quê chân chất, thật thà như cây tre, quả dừa, sợi tơ… Phải đúng là những nguyên liệu ấy thì mới tạo ra được đúng thứ âm nhạc nguyên bản tuyệt vời của tiền nhân”.

Chắc cũng vì lẽ đó mà cho đến nay, vì sự tiện lợi, người ta đã dùng dây ni lông (thay dây tơ) trong sản xuất các nhạc cụ thì ông vẫn cặm cụi kiên trì với truyền thống, xe tơ làm dây đàn. “Thật ra, xe tơ để làm dây đàn không phải là công việc quá phức tạp nhưng lại mất khá nhiều thời gian. Vì không có dụng cụ nên tôi thường xe sợi bằng tay, lại phải căn theo từng loại nhạc cụ, từng loại âm thanh để xe dây to, dây nhỏ…”, NSND Xuân Hoạch chia sẻ.

Tiếng đàn phát ra từ những sợi dây ni lông thường vang, trong và có phần gần với những âm thanh lảnh lót, trong khi tiếng tơ trầm, đục, vấn vít trong không gian gợi cảm giác mộc mạc, chân chất và giản dị. Cái tiếng tơ ấy day dứt, ám ảnh và có sức hút kỳ lạ với những người yêu nhạc truyền thống.  

Chả trách, làm sao Xuân Hoạch không dứt nổi tiếng tơ, dường như chỉ còn một mình ông là còn làm dây tơ. Không biết sau ông, còn cai có thể đủ yêu để kiên nhẫn học cách làm đàn, xe tơ và lưu giữ lại những tiếng tơ truyền thống của tiền nhân hay không nhưng NSND Xuân Hoạch thì luôn sẵn sàng “Chỉ cần một người muốn học tôi cũng sẵn sàng truyền dạy”…