Tạp chí The Diplomat dẫn thông tin từ IHS Jane’s cho hay, lời kêu gọi nói trên được Đô đốc Kamarulzaman Ahmad Badaruddin – chỉ huy Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) – đưa ra trong phát biểu khai mạc hội thảo giám sát ven biển và an ninh hàng hải diễn ra hôm 1/12 vừa qua.
Theo đó, trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Badaruddin nhấn mạnh rằng, RMN chia sẻ quan ngại đã được lãnh đạo các nước nhiều lần bày tỏ về khả năng quân sự hóa thêm các tiền đồn ở biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, ông Badaruddin – người vừa nhậm chức hồi tháng trước – cho rằng CUES cần phải được “triệt để tuân thủ tại biển Đông” vì nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những tính toán sai lầm trên biển.
“Trên thực tế, CUES cũng nên được mở rộng để bao gồm các cơ quan hàng hải khác, đặc biệt là lực lượng tuần tra trên biển” – ông Badaruddin nói thêm tại hội thảo được tổ chức ở Khách sạn Intercontinental ở Kuala Lumpur.
CUES là văn kiện bao gồm một loạt những quy tắc đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị hải quân các nước Tây Thái Bình Dương hồi năm 2014 nhằm bảo đảm an toàn cho các tàu đi lại trên biển.
Thực ra, đề xuất mở rộng Bộ quy tắc CUES không phải là ý tưởng mới. Trước Chỉ huy Hải quân Hoàng gia Malaysia, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) cũng được tổ chức tại Kuala Lumpur hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng đã đưa ra đề nghị xem xét mở rộng CUES tới mức áp dụng đối với cả các tàu thuyền dân sự.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị này, ông Eng Hen cũng đã kêu gọi các bộ trưởng dự ADMM-Plus thông qua một Bộ quy tắc tương tự đối với các hoạt động trên không.
Những kêu gọi mở rộng CUES tới mức bao gồm tàu thuyền dân sự được đưa ra trước lo ngại các cuộc xung đột ở biển Đông có thể liên quan đến các tàu phi quân sự. Trong bài phát biểu tại Triển lãm quốc phòng hàng hải quốc tế châu Á lần thứ 10 diễn ra tại Singapore hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng cho rằng CUES chính là ví dụ của một biện pháp thực tế nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm trên biển.
Những đề nghị này đã phản ánh sự tin tưởng của các nước đối với hiệu quả của việc thực thi CUES trong khu vực, bao gồm cả các khu vực đang có tranh chấp ở biển Đông. Trong thời gian qua, nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines, đều tuyên bố đã thực thi Bộ quy tắc này trong các tình huống trên biển.
Giới chức Trung Quốc tại cuộc gặp với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hồi tháng 10 vừa qua cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc huấn luyện chung về việc thực hành CUES ở biển Đông vào năm 2016.
Về phía Malaysia, theo The Diplomat, sau một loạt các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải nước này, Malaysia đã điều chỉnh lại chính sách của mình trong vấn đề biển Đông, chuyển từ cách phản ứng nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng tới quan hệ với Bắc Kinh sang hành động mạnh mẽ hơn.
Trong những năm qua, Malaysia đã nhiều lần gửi phản đối trực tiếp tới Trung Quốc vì những hành động của nước này trên biển, đồng thời đóng góp tiếng nói lớn hơn trong ASEAN đối với vấn đề này cũng như tăng cường khả năng quân sự và củng cố quan hệ với các nước khác, trong đó có Mỹ.