Khi nhìn thấy một tàu lớn ở ngoài khơi bờ biển thuộc bang Sarawak hồi tháng 3 vừa qua, các sỹ quan trên một tàu tuần tra của Malaysia đã bị sốc khi con tàu lao về phía họ với tốc độ cao, rú còi ầm ĩ trước khi lộ ra dòng chữ “Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc” ở thân tàu.
Theo một sỹ quan từ Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc trước đó đã xuất hiện vài lần ở khu vực xung quanh bãi cạn South Luconia. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tàu của Trung Quốc hành động hung hãn như vậy. “Chúng tôi nghĩ rằng tàu đó đang cố đâm vào tàu của chúng tôi, có thể là để đe dọa”, viên sỹ quan cho hay.
Sự cố nói trên và sự xuất hiện của khoảng 100 tàu cá của Trung Quốc ở khu vực này trong khoảng tháng 3 vừa qua đã đưa đến việc một số quan chức tại Malaysia thúc giục chính phủ nước này cứng rắn hơn trong phản ứng với nước láng giềng Trung Quốc thay vì im lặng như trước kia.
Việc Trung Quốc đang ngày càng hung hăng hơn nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền ở biển Đông đã khiến các nước trong khu vực lo ngại, đồng thời làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc với việc cả 2 bên cáo buộc lẫn nhau quân sự hóa khu vực.
Nhưng theo Reuters, do phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư từ Trung Quốc, phản ứng trước đây của Malaysia đối với các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông vẫn được các nhà ngoại giao phương Tây miêu tả là im ắng. Malaysia đã không phản ứng mạnh trước việc Trung Quốc tiến hành 2 cuộc tập trận ở cách Sarawak chỉ khoảng 50 hải lý trong các năm 2013 và 2014 hay việc các ngư dân nước này cáo buộc những người đàn ông có vũ trang trên các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc bắt nạt họ.
Tuy nhiên, mọi việc đã có những biến chuyển, thể hiện ở việc khi một lượng lớn tàu cá của Trung Quốc được phát hiện ở gần bãi cạn South Luconia hồi tháng 3 vừa qua, Malaysia đã điều tàu hải quân ra xua đuổi các tàu của Trung Quốc và triệu hồi Đại sứ Trung Quốc ở nước này để yêu cầu giải thích về vụ việc. Và chỉ vài tuần sau đó, hính phủ Malaysia đã công bố kế hoạch lập một căn cứ điều hành ở gần Bintulu, phía Nam thị trấn Miri của nước này.
Dù Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói rằng căn cứ này là để bảo vệ các tài sản gas và khí đốt của nước này khỏi nguy cơ bị các phần tử có liên quan đến IS tấn công nhưng một số quan chức và chuyên gia cho hay các hoạt động của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển của Malaysia mới là yếu tố quan trọng hơn thúc đẩy động thái trên. Một quan chức giấu tên của Malaysia cho rằng nước này cần phải có hành động quyết đoán hơn trước các vụ xâm phạm lãnh hải hay nguy cơ bị xâm chiếm.
Phát biểu trước Quốc hội hồi tháng trước, Thứ trưởng ngoại giao Malaysia cũng tái khẳng định rằng, tương tự các nước ASEAN khác, Malaysia không công nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc. Một quan chức cấp cao khác của Malaysia cũng cho biết nước này đã đề nghị Mỹ giúp thu thập thông tin tình báo và phát triển năng lực bảo vệ bờ biển nhưng tiến hành lặng lẽ nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh.
Tờ South China Morning Post ngày 1/6 dẫn các nguồn tin thân cận với Quân giải phóng nhân dân và một báo cáo quốc phòng của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị cho việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông và thời điểm đưa ra tuyên bố về việc thiết lập vùng này sẽ phụ thuộc vào tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và mối quan hệ ngoại giao của nước này với các nước trong khu vực.