Mãn nhãn 'Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 máy bay không người lái với tên gọi "Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” do UBND Quận Tây Hồ phối hợp cùng các đối tác tổ chức vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 hứa hẹn mang đến cảm nhận đặc biệt và đầy ý nghĩa cho người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Màn trình diễn sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới, âm nhạc sáng tạo cùng câu chuyện mang đậm giá trị bản sắc, văn hoá, lịch sử dân tộc (Ảnh: BTC).
Màn trình diễn sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới, âm nhạc sáng tạo cùng câu chuyện mang đậm giá trị bản sắc, văn hoá, lịch sử dân tộc (Ảnh: BTC).

Tự hào vùng đất “Rồng bay”

Xuất phát từ tên gọi Thăng Long cùng hình tượng rồng trong văn hoá Việt Nam, màn trình diễn màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 máy bay không người lái (drone) với tên gọi “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” do UBND Quận Tây Hồ phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và đơn vị triển khai Công ty Cổ phần Giải pháp Kinh doanh Corex tổ chức sẽ kết nối những hình ảnh đẹp nhất của vùng đất Thăng Long - Hà Nội trong thời khắc vượng khí giao thoa đất trời để người dân Thủ đô, người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc và du khách đón chào năm mới Giáp Thìn 2024.

Màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 máy bay không người lái (Ảnh: BTC).

Màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 máy bay không người lái (Ảnh: BTC).

Từ chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”, điểm nhấn của màn trình diễn Rồng thời Lý sẽ xuất hiện - đại diện cho phẩm chất cao thượng, trí tuệ, tính nhân văn và tinh thần nghĩa hiệp, biểu tượng linh thiêng, cao quý, đồng nghĩa với vương quyền gắn liền với một thời kỳ huy hoàng của dân tộc. Qua đó, màn trình diễn gửi gắm hy vọng về một năm mới Giáp Thìn rực rỡ, một năm của sự đột phá, thăng hoa và niềm tin vùng đất “rồng bay lên” sẽ luôn vững vàng trên con đường phát triển, phồn thịnh góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, khẳng định vị thế sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới.

Đây là màn trình diễn với số lượng drone nhiều kỷ lục tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời kết hợp cùng âm nhạc được sáng tác riêng bởi nhạc sĩ Quốc Trung, hệ thống âm thanh chất lượng cao và màn hình tường thuật trực tiếp được lắp đặt xung quanh khu vực hồ Tây, hứa hẹn sẽ là màn trình diễn hoành tráng, mãn nhãn chưa từng có dành cho người dân Thủ đô và du khách trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Màn trình diễn ánh sáng hoành tráng, mãn nhãn (Ảnh: BTC).

Màn trình diễn ánh sáng hoành tráng, mãn nhãn (Ảnh: BTC).

Chia sẻ về “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long”, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ cho biết: “Quận Tây Hồ vinh dự được lựa chọn là địa điểm đầu tiên của thành phố Hà Nội triển khai trình diễn drone trong dịp Tết Nguyên đán. Với màn trình diễn sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới, âm nhạc sáng tạo cùng câu chuyện mang đậm giá trị bản sắc, văn hoá, lịch sử dân tộc, sự kiện là điểm sáng mới trong các hoạt động đón chào năm mới, góp phần mang đến một mùa xuân Giáp Thìn an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, khí thế phấn khởi, tinh thần tự hào dân tộc, tin yêu đất nước cho người dân. Đồng thời, sự kiện này sẽ góp phần tạo nên điểm khác biệt của Hà Nội, khẳng định vị thế thành phố quốc tế, tạo tiền đề cho các hoạt động cụ thể hoá chiến lược xây dựng “Thành phố sáng tạo”, hướng đến kỷ niệm 70 ngày giải phóng Thủ đô…”

“Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện ý nghĩa, văn minh, mang đậm các giá trị bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đồng thời, góp phần vào chiến lược “Thành phố sáng tạo”, khẳng định vị thế điểm đến quốc tế của thành phố Hà Nội và trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô Hà Nội và Việt Nam.

Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long

Năm 2024, quận Tây Hồ đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa

Theo lịch trình, Ban tổ chức đã tổng duyệt kịch bản Lễ hội vào 21h ngày 7/2/2024 (tức 28 Tết) để đảm bảo mọi phương án tổ chức tuyệt đối an toàn cho thời khắc chính thức của “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” sẽ diễn ra vào 23h30 đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn tức ngày 9/2/2024 tại khu vực ngã ba Văn Cao và cung đường Nguyễn Đình Thi - Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Tiếp nối sau màn trình diễn drone, quận Tây Hồ cũng sẽ triển khai bắn pháo hoa tầm cao từ 0h tới 0h15 ngày 10/02/2024. “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” dự kiến sẽ được phát sóng trực tiếp trong khuôn khổ chương trình cầu truyền hình đặc biệt đón giao thừa của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) để phục vụ người dân cả nước.

Ánh sáng tái hiện cảnh sắc hồ Tây nên thơ gắn với nhiều huyền thoại (Ảnh: BTC).

Ánh sáng tái hiện cảnh sắc hồ Tây nên thơ gắn với nhiều huyền thoại (Ảnh: BTC).

Bên lề buổi lễ tổng duyệt, trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, bà Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, Tây Hồ đến là vùng đất cổ phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nơi lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú, các làng cổ, làng nghề truyền thống từ nhiều đời nay, đặc biệt là cảnh sắc hồ Tây nên thơ gắn với nhiều huyền thoại. Tây Hồ là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống yêu nước và cách mạng, có Hồ Tây - một trong những thắng cảnh đẹp của Thủ đô Hà Nội và 71 di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó có 42 di tích được xếp hạng, nhiều làng nghề truyền thống như: đào Nhật Tân - Phú Thượng, quất cảnh Tứ Liên - Quảng An, trà sen Quảng An, cá cảnh Yên Phụ, xôi Phú Thượng… đã xây dựng thành công thương hiệu.

Năm 2023, quận Tây Hồ có khu du lịch Nhật Tân được UBND TP Hà Nội công nhận là khu du lịch cấp thành phố. Quận cũng đã xây dựng Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn với những hoạt động sự kiện ấn tượng, hấp dẫn, thu hút nhân dân và khách du lịch.

Tây Hồ sẽ trở thành “trung tâm văn hoá, du lịch” của Hà Nội (ảnh BTC).

Tây Hồ sẽ trở thành “trung tâm văn hoá, du lịch” của Hà Nội (ảnh BTC).

Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, quận Tây Hồ đang tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch đến với Tây Hồ thời gian tới nhằm đưa Tây Hồ trở thành “trung tâm văn hoá, du lịch” của Hà Nội trong thời gian tới đây

Cũng theo bà Bùi Thị Lan Phương, trong năm 2024, để đưa Tây Hồ trở thành “trung tâm văn hoá - du lịch” của Hà Nội, quận Tây Hồ sẽ tập trung một số nội dung trong các hoạt động quản lý và phát triển văn hoá như: thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích, lễ hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Đề án trong lĩnh vực văn hóa du lịch như: Đề án “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”; Đề án “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây”; Đề án “Phát triển làng nghề Hoa Đào Nhật Tân, Quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”; nghiên cứu đầu tư tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá điểm nhấn, đặc trưng của Tây Hồ, gắn với Hồ Tây, với các di tích lịch sử - văn hoá xung quanh Hồ Tây. Kết nối, tổ chức các tour du lịch văn hoá khám phá truyền thống văn hóa lịch sử địa phương. Tiếp tục đổi mới sáng tạo trong tổ chức hoạt động của Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, với sự tham gia tích cực của người dân, kết hợp với các nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó cũng triển khai xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn gắn với di tích lịch sử văn hoá như không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...

Và để thực hiện các hoạt động này, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội hoá đầu tư phát triển các không gian văn hoá sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hoá...