Kỳ I: Cả làng sắm trâu, xe đi... phá rừng!
Lúc trước lâm tặc dùng voi để chuyển gỗ, giờ hết voi, lâm tặc lại sắm xe, mua trâu thay thế. Từng đoàn người ngày đêm vẫn ngang nhiên nhằm hướng... rừng phòng hộ mà chặt phá!
Chống lâm tặc, bị đánh gãy tay
Những ngày gần đây, chúng tôi có dịp được chứng kiến vô số gỗ được các lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước thu giữ nằm rải rác dọc các xã vùng giáp ranh với tỉnh Đăk Nông như Đường Mười, Đăk Nhau. Có đi sâu tìm hiểu mới thấy hết được thực trạng rừng bị tàn phá cũng như những trăn trở băn khoăn của kiểm lâm Bình Phước trước nạn lâm tặc ngang nhiên phá rừng.
|
Hàng ngàn mét khối gỗ lậu vừa bị bắt. |
Tại huyện Bù Gia Mập, ông Phạm Xuân Ruông - Giám đốc Nông lâm trường Đăk Mai - trầm ngâm kể về khu rừng có diện tích gần 7.500 ha mà mình đang quản lý: “Lâm tặc hoạt động có tổ chức. Cả làng cả xã đi khai thác, trong khi lực lượng của chúng tôi thì quá mỏng, trang bị tác nghiệp thô sơ nên không thể nào quản lý nổi...”.
Việc người dân bị thu hồi đất để giao cho các đơn vị thực hiện dự án đã vô tình gây nên tình trạng thiếu đất sản xuất cho bà con. Điều này góp phần khiến bà con khi “đói cái bụng” đã đi phá rừng. Cũng theo ông Ruông, khi Nhà máy thủy điện Đăk Glun ở huyện Bù Gia Mập khởi công, cơ quan hữu quan đã đền bù, hỗ trợ cho các diện tích đất của bà con. Tuy nhiên, đã không có chính sách tái định canh cho họ nên ở các thôn như Bù Na, Bù Nư, Bù Hưm..., hầu hết người dân dùng tiền đền bù hỗ trợ đó để mua trâu, sắm cưa, xe... vào rừng kiếm kế sinh nhai.
Trước tình hình rừng bị phá trầm trọng, UBND tỉnh Bình Phước đã cho phép thành lập tổ phản ứng nhanh gồm công an, bộ đội, kiểm lâm... kết hợp với nhau để quản lý bảo vệ rừng tốt hơn. Lúc đầu đội này hoạt động rất hiệu quả, nhưng về sau thì bọn lâm tặc dùng nhiều mưu kế như đóng đinh vào tấm ván rồi găm trên các trục đường dẫn vào rừng để chọc thủng lốp xe của lực lượng chức năng. “Chúng tôi có chạy bộ vào rừng thì chúng cũng đã có đủ thời gian nhanh chân tẩu thoát”, ông Ruông nói.
Giám đốc Nông lâm trường tiếp tục trần tình: “Lâm tặc hoạt động với thủ đoạn tinh vi nhưng cũng vô cùng trắng trợn. Nhiều lúc có đến hai, ba chục chiếc xe trâu vào rừng nhưng chúng tôi không thể làm gì được, chỉ còn cách đứng ra giải thích, động viên bà con quay về, chứ làm căng thì họ lại kêu nhiều người tới uy hiếp... Cách đây một tháng, lâm tặc đã xông vào cướp súng của đội phản ứng nhanh, nhưng bất thành”.
Theo số liệu mà PLVN online thu thập được, cuối năm 2009, trong khi đi tuần tra, 15 cán bộ kiểm lâm của Nông lâm trường Đăk Mai đã bị lâm tặc phục kích. Trong đó 9 cán bộ bị thương trong vụ hành hung này, một nhân viên thậm chí bị lâm tặc đánh gãy tay. Những tháng đầu năm 2010, lâm tặc tiếp tục đuổi đánh những người bảo vệ rừng, đốt một chiếc xe máy của anh em đi tuần...
Quá nhiều bất cập
|
Giám đốc Lâm trường Đăk Mai than trời vì lâm tặc phá rừng. |
Theo nhận định của những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ rừng tại huyện Bù Gia Mập, tình trạng rừng bị tàn phá như thảm hại là hệ quả của sự “thừa và thiếu”. Theo đó, hiện nay các gia đình ở đây nếu dưới 5 nhân khẩu sẽ được cấp 1ha đất để sản xuất. Diện tích này là quá ít để bà con có thể mưu sinh. Ông Phạm Xuân Ruông cho rằng, việc xét cấp đất của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập, chẳng hạn như đất cạnh nhà người này thì lại cấp cho người khác và ngược lại. Hay tình trạng sang nhượng đất trái phép quyền sử dụng đất tràn làn mà chính quyền địa phương vẫn không ngăn chặn được…
Tấc đất tấc vàng, thiếu thốn là vậy nhưng một lượng lớn diện tích rừng đã giao cho các đơn vị thực hiện dự án tại địa phương này hiện lại bỏ trống. Gỗ trên các diện tích này đã bị khai thác hết, việc dự án bị ngưng trệ hoặc chậm triển khai đã làm nảy sinh trình trạng đất rừng bị bà con lấn chiếm xâm canh, tiềm ẩn nhiều vấn đề rắc rối.
Một điều bất hợp lý khác đó chính là việc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước đã cấp giấy phép cho hai xưởng cưa nằm trên lâm phần gần cửa rừng. Điều này vô tình giúp sức cho lâm tặc trong việc “chế biến” số gỗ vừa chặt phá được. Theo thống kê, chỉ tính riêng Nông lâm trường Đăk Mai mỗi năm đã bị lâm tặc tàn phá 60-70ha rừng. Với đà này, thì trong tương lai không xa, có lẽ tỉnh Bình Phước sẽ chẳng còn rừng phòng hộ.
Ngọc Quý - Đức Hồng