Thông xe kỹ thuật ngày 30/4/2025
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương vừa chỉ đạo UBND tỉnh, UBND 2 huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), Ban quản lý dự án và Điện lực Bình Dương, phải tập trung mức độ cao nhất, vượt qua mọi trở ngại để đẩy nhanh tiến độ đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hoà).
Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, có điểm đầu thuộc xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, điểm cuối giao với Quốc lộ N2 thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có tổng chiều dài khoảng 72,75km, trong đó chiều dài đi qua tỉnh Bình Dương là 30,85km với quy mô đường cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
|
Dự án có tổng cộng 14 cầu (gồm 3 cầu làm mới và 11 cầu đang thi công dở dang giai đoạn trước). Đoạn qua tỉnh Bình Dương có 6 cầu; trong đó, cầu Thanh An là cầu lớn của dự án bắc qua sông Sài Gòn nối liền tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, gồm 13 nhịp với tổng chiều dài 617,6m, khởi công tháng 11/2023, dự kiến hoàn thành năm 2025. Dự án chia làm 3 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu thuộc địa phận tỉnh Bình Dương (huyện Bàu Bàng và Dầu Tiếng) do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả thi công.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến nay, đã thi công xong nền đất, hiện đang thi công lớp móng mặt đường các loại đạt 26/31km; thảm bê tông nhựa đạt 4/31km và phấn đấu thảm xong bê tông nhựa thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4/2025. Các cống thoát nước đã cơ bản hoàn thành. Phần cầu cơ bản hoàn thành thông xe các cầu Bà Tứ, kênh Phước Hoà trước tháng 12/2024. Cầu Thị Tính, Cây Trường hoàn thành trước tháng 1/2025. Cầu Thanh An đang thi công các hạng mục, dự kiến hợp long hoàn thành phần cầu trong tháng 2/2025 và cơ bản hoàn thành các hạng mục khác trước ngày 30/4/2025. Sản lượng thực hiện xây lắp của toàn dự án đến nay đạt 423/1.665 tỷ đồng (đạt 25,5% giá trị hợp đồng), cơ bản đảm bảo tiến độ.
Công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Bình Dương đã cơ bản hoàn thành bàn giao cho dự án từ giai đoạn trước được khoảng 30/30,9km, đạt 97%. Hiện nay, dự án vẫn còn vướng một số vị trí chưa được giải phóng mặt bằng.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị đẩy nhanh nguồn cung ứng vật liệu
Theo quy hoạch, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa là tuyến cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn đầu sẽ xây dựng với quy mô 2 làn xe, tương lai sẽ tiếp tục mở rộng theo nhu cầu phát triển vùng. Dự án có tổng mức đầu tư 2.292 tỷ đồng, được cấp từ ngân sách, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sau 24 tháng thi công. Tuyến đường đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm kết nối Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An.
|
Để đảm bảo hoàn thành công trình vào dịp 30/4/2025 như kế hoạch đề ra, Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh đề nghị tỉnh Bình Dương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và đẩy nhanh công tác lập hồ sơ thiết kế, phê duyệt di dời lưới điện trong quý 4/2024.
Đối với mỏ vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa yêu cầu các nhà thầu cần chủ động mọi mặt trong việc tìm nguồn cung ứng vật liệu bảo đảm chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án, báo cáo Ban Quản lý dự án và tư vấn giám sát xem xét, chấp thuận nguồn vật liệu theo quy định để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu. Ngoài ra, BQLDA cũng cần chủ động liên hệ, phối với địa phương liên quan hỗ trợ nhà thầu trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình theo yêu cầu.
Về tiến độ thi công toàn dự án, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án khởi công từ tháng 12/2023, thời gian thực hiện dự án tính đến tháng 6/2024, sản lượng thi công mới đạt khoảng 11% giá trị hợp đồng và đáp ứng khoảng 82% kế hoạch chi tiết đã được chấp thuận. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án rà soát các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương báo cáo các cơ quan chức năng xử lý.
Về triển khai thi công các gói thầu, Ban Quản lý dự án được yêu cầu khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xác định các hạng mục công việc thuộc đường găng của gói thầu, các khó khăn, vướng mắc chính của từng gói thầu xây lắp, chủ động có phương án xử lý, giải quyết theo thẩm quyền; khẩn trương chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tổ chức lập lại tiến độ thi công, kế hoạch giải ngân các tháng... phù hợp với điều kiện thời tiết khu vực làm cơ sở theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, gói thầu.
Bên cạnh đó phải huy động, bổ sung thêm máy móc, thiết bị, nhân lực để tăng mũi thi công, có phương án tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ nhằm bù lại khối lượng chậm trong thời gian vừa qua. Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án phải có giải pháp tăng cường công tác đúc cấu kiện, thi công kết cấu cầu, cống trong thời điểm khu vực dự án bước vào mùa mưa và khó khăn về vật liệu đắp ảnh hưởng đến tiến độ thi công nền đường.
Quyết liệt thực hiện tuyến đường ven sông Sài Gòn
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã đi khảo sát tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Theo báo cáo của UBND TP Thủ Dầu Một, Dự án đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 4,8km (từ cầu Phú Cường đến rạch Bà Lụa); trong đó, 3km đã hoàn thành xây dựng, còn 1,8km (từ rạch Bảy Tra đến rạch Bà Lụa) đang triển khai các bước đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 2.133 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.447 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 409 tỷ đồng.
Hiện, UBND TP.Thủ Dầu Một đã hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Ông Lợi yêu cầu TP.Thủ Dầu Một quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến đường ven sông Sài Gòn. Đây là dự án quan trọng vừa mang tính kết nối giao thông vừa đảm bảo mỹ quan đô thị Thủ Dầu Một. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm thực hiện hoàn thành dự án. Ông cũng yêu cầu thành phố trong quy hoạch cần bố trí không gian đô thị hài hòa, hợp lý, tạo động lực phát triển cho thành phố, góp phần đưa TP. Thủ Dầu Một trở thành thành phố thông minh, đáng sống. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn phải hướng tới việc người dân dọc trên tuyến đường được hưởng lợi tốt nhất.