Miền Trung đối mặt ngập úng, sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong 2 ngày qua, do ảnh hưởng bão Conson (bão số 5) tại các tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập úng cục bộ và sạt lở tại một số địa phương miền núi; nhiều tàu cá gặp nạn, nhiều nhà dân tốc mái.
Cây ngã đổ ở Quảng Ngãi do bão số 5 gây ra.
Cây ngã đổ ở Quảng Ngãi do bão số 5 gây ra.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bước đầu địa phương này hiện ghi nhận 25 nhà tốc mái (Lý Sơn 15 Trà Bồng 9 Sơn Tịnh 1); 73 nhà ngập ở huyện Bình Sơn. Về nông nghiệp, có 897 hecta lúa ngập úng; 435,5 hecta cây trồng hằng năm, 12 hecta cây ăn quả, 100 hecta hành tím Lý Sơn ngập nước. Nhiều tuyến giao thông lên huyện Ba Tơ, Bình Sơn, huyện đảo Lý Sơn, Trà Bồng bị sạt lở, hư hỏng nặng.

Đáng chú ý, các địa phương như huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà đang tiến hành tổ chức di dời dân đến nơi an toàn vì vùng nguy cơ cao sạt lở do mưa bão. “Huyện Trà Bồng có hơn 40 điểm tập trung, 2 khu vực xung yếu. Huyện Sơn Hà có hai điểm di dời tập trung ở trung tâm thị trấn Di Lăng. Chúng tôi đảm thực hiện tốt vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi di dời dân ở những vùng sạt lở, nguy cơ cao”, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin thêm.

Ngoài ra, theo báo cáo của Trực ban PCTT (Tổng cục PCTT của Bộ NN&PTNT) do ảnh hưởng của bão số 5, tại một số địa phương xảy ra hiện tượng lốc xoáy làm 70 nhà dân ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bị tốc mái, hư hại. Gần 1.000 héc ta lúa hè thu của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị chưa kịp thu hoạch bị ngập úng, ngã rạp và hư hại.

Tại Đà Nẵng, trong hai ngày 11 và 12/9, Đà Nẵng có mưa to gây ngập nhiều tuyến phố. Nặng nhất, phải kể đến tình cảnh của nhiều hộ dân ở khu vực Khe Cạn (thuộc tổ 26 và 27, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê). Trong ngày 12/9, dù mưa đã có phần ngớt đi nhưng nhiều nhà dân nơi đây vẫn còn ngập hơn nửa mét.

Tình trạng mưa ngập của người dân khu vực Khe Cạn 2 ngày qua.

Tình trạng mưa ngập của người dân khu vực Khe Cạn 2 ngày qua.

Chiều 12/9, báo cáo của Trực ban PCTT (Tổng Cục PCTT của Bộ NN&PTNT) cho thấy, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế; gây mưa lớn trên diện rộng khu vực Trung Bộ một số nơi lượng mưa đo được trên 500mm như: Thượng Lộ (Thừa Thiên - Huế): 600mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi): 684mm; Bình Tân (Quảng Ngãi): 709mm. Đây là cơn bão có đường đi khó dự báo, ảnh hưởng đến khu vực đang có tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 5 nên ngày 12/9 đến ngày 13/9, tại các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và tại tỉnh Quảng Bình ngày 12 đến ngày 14/9 xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa cụ thể ở các tỉnh, thành phổ biến như sau: Tại Quảng Bình phổ biến 60-120mm, có nơi trên 200mm. Tại Quảng Trị phổ biến 100-180mm, có nơi trên 250mm. Từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Tại Quảng Ngãi phổ biến 50-150mm, có nơi trên 250mm.

Để đảm bảo mục tiêu kép đó đảm bảo an toàn trong bão, đồng thời an toàn, không làm lây lan dịch bệnh Covid, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp và người dân chủ động nắm bắt sâu sát tình hình diễn biến của bão, dịch bệnh COVID-19; xây dựng các kịch bản ứng phó.

Chủ động vừa ứng phó thiên tai vừa phòng chống dịch

Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn (KTTV), thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, từ nay đến cuối năm dự báo có khoảng 7-9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 3-4 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 9, tháng 10; mưa lớn cực đoan tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ vào tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12. Do đó, cả nước vừa phải ứng phó với đại dịch COVID-19 vừa phải lo chống bão lũ.

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT, nguyên tắc là hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Các địa phương phải bám sát các kịch bản, nếu bắt buộc phải di dân thì cố gắng di dân tại chỗ là tốt nhất, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó. Các địa phương cần đảm bảo cho tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, đồng thời toàn bộ thuyền viên trên tàu phải vào bờ, không để vì xét nghiệm COVID-19 chậm dẫn đến để thuyền viên ở lại tàu.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết, Tổng cục PCTT cùng với các Bộ, ngành, địa phương rà soát lồng ghép công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp, điều chỉnh việc sơ tán dân theo hướng tại chỗ, xen kẹp, hạn chế sơ tán tập trung; ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch cho lực lượng làm công tác PCTT và TKCN và nhân dân ở những nơi nguy cơ cao, khu vực cách ly có ca lây nhiễm COVID-19; chuẩn bị những vật dụng cần thiết trong trường hợp phải đi sơ tán; chấp hành đầy đủ khuyến cáo 5K của ngành y tế lúc di chuyển về nơi sơ tán.