Minh bạch các khoản thu – chi trong khai thác khoáng sản

Là một nước có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng nhưng thời gian tới đây, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do trữ lượng dầu và than đang ngày càng cạn kiệt. Nhưng điều đáng nói hơn cả là tuy đã có một hệ thống văn bản khá đầy đủ song công tác quản lý, khai thác khoáng sản đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có việc thiếu công khai các khoản thu – chi, vốn được coi là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Là một nước có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng nhưng thời gian tới đây, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do trữ lượng dầu và than đang ngày càng cạn kiệt. Nhưng điều đáng nói hơn cả là tuy đã có một hệ thống văn bản khá đầy đủ song công tác quản lý, khai thác khoáng sản đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có việc thiếu công khai các khoản thu – chi, vốn được coi là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Khai thác than. Ảnh MH
Khai thác than. Ảnh MH

Yếu tố gây thất thoát ngân sách

Hiện Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ để quản lý, phát triển ngành khai thác khoáng sản, dầu khí với hai đạo luật quan trọng là Luật Dầu khí năm 2008 và Luật Khoáng sản năm 2010.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân cho rằng: Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản cũng như các Luật có liên quan, song ngành khai khoáng của nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này chính là sự thiếu minh bạch.

Trên thực tế, việc công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của các bên trong ngành khai khoáng rất hạn chế. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nêu lên một ví dụ: “Doanh nghiệp (DN) nói rằng, họ đóng phí rất đầy đủ, nhưng không biết chính quyền sử dụng khoản phí này như thế nào. Chẳng hạn như phí bảo vệ môi trường, DN cho biết đóng đầy đủ, nhưng khi môi trường ô nhiễm thì DN bị coi là nguyên nhân trong khi chính quyền địa phương đã sử dụng khoản phí DN đóng để khắc phục môi trường ra sao thì không ai biết”.

Còn kết quả khảo sát mới đây của Viện Tư vấn phát triển cho thấy, các khoản “thu ngầm”, chi hoa hồng trong ngành công nghiệp khai khoáng tồn tại rất phổ biến và là yếu tố gây thất thoát lớn nhất trong ngành này. Ông Mathieu Salomon - Quản lý chương trình Đông Nam Á, Viện Giám sát nguồn thu, Mỹ - nhấn mạnh, sự thất thoát bởi các khoản “thu ngầm” trong khai khoáng công nghiệp ở Việt Nam sẽ chiếm một con số lớn của nguồn ngân sách. 

Xem xét tham gia EITI

Để nguồn lợi từ việc khai thác, chế biến khoáng sản được sử dụng vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; lợi ích từ khai thác khoáng sản được điều tiết hài hòa giữa ba chủ thể Nhà nước - DN - người dân thì việc củng cố thể chế chính sách nói chung và minh bạch hóa các thông tin về nguồn thu - chi và các hoạt động khác của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản là cần thiết.

Bên cạnh những nỗ lực trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí và Luật Khoáng sản, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng nên nghiên cứu và cân nhắc tham gia vào các hoạt động chung toàn cầu. Trong đó, có việc tham gia thực thi Sáng kiến Minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) với cơ chế yêu cầu các DN khai khoáng công khai các khoản chi cho chính phủ và chính phủ cũng công khai nguồn thu nhận được.

Qua một nghiên cứu của VCCI, hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước, các DN liên quan đến ngành khai khoáng được khảo sát đều cho rằng Việt Nam nên tham gia vào EITI để tạo môi trường minh bạch hơn trong ngành.

“Khi tham gia EITI, Việt Nam sẽ phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách và giảm thiểu thất thoát tài chính từ hoạt động khai khoáng. Ngoài ra, EITI còn giúp Việt Nam tạo dựng lòng tin của nhân dân và nhà đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng. Nếu thực hiện được điều này, chỉ số tín nhiệm quốc gia về minh bạch của Việt Nam cũng sẽ tăng lên” - ông Salomon chia sẻ.

Thục Quyên

Đọc thêm