Minh bạch học phí - bài toán khó?

Chính phủ đã có lộ trình tăng học phí và đã được thực hiện đối với các trường ĐH công nhưng các trường vẫn kêu “khó” và không đủ so với nhu cầu thực tế. GS-TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ quan điểm về vấn đề này...

Hiện nay, Chính phủ đã có lộ trình tăng học phí và đã được thực hiện đối với các trường ĐH công nhưng các trường vẫn kêu “khó” và không đủ so với nhu cầu thực tế. GS-TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ quan điểm về vấn đề này...

 

Thưa ông, hiện nay, tăng học phí luôn là nỗi lo âu đối với người dân, tuy nhiên các trường luôn cho rằng học phí hiện nay vẫn chưa... đủ. Ông đánh giá về vấn đề này ra sao?

- Học phí là bài toán gắn liền với nhiều tham số. Nó gắn liền với khả năng đóng góp của người dân, khả năng đầu tư của Nhà nước, do đó, không thể có một học phí chung cho tất cả các trường mà phải tùy theo điều kiện của mỗi trường, mỗi quốc gia phải có tiêu chí học phí khác nhau. Ví dụ như tại Mỹ, học phí của các trường ĐH rất cao.

Nhưng họ có cơ chế rất hay là ưu tiên cấp học bổng cho học sinh nghèo. Ở các trường công, học phí thấp hơn nhưng học bổng lại không được ưu tiên nhiều. Trong khi đó, ở Việt Nam, học phí lại cào bằng. Như thế là không hợp lý. Phải có một hệ thống giải pháp để giải quyết vấn đề này. Ai cũng biết học phí như thế là không đủ để nâng được chất lượng giáo dục lên. Nhưng những tầng lớp trung lưu, thượng lưu thì họ lại đủ khả năng cho con họ đi học nước ngoài. Do đó, cần phải có một chính sách phù hợp để tăng học phí không ảnh hưởng đến khả năng học tập của sinh viên nghèo.

Về việc đủ hay không phải có sự minh bạch. Như hiện nay không thể nói không đủ. Bởi nếu cứ đầu tư đội ngũ kiểu giảng viên chỉ như “máy dạy”, giảng viên không làm được nghiên cứu, không mua sắm được thiết bị thì tiền có nâng lên cũng không giải quyết được vấn đề gì. Còn mua sắm được thiết bị, nâng cao được trình độ cho người thầy thì tăng học phí là xứng đáng. Nhưng phải có khâu kiểm tra, giám sát. Khâu này không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) làm, xã hội, cộng đồng phải giám sát.

Người ta nói tiền nào của nấy, học phí thấp, nên chất lượng giáo dục thấp. Ông có đồng ý với quan điểm này không?

- Câu này đúng nhưng “đi mua” cái gì phải phụ thuộc vào túi của người dân, túi của Nhà nước. Chúng ta không thể cứ hô hào đóng góp thêm được. Trong trường hợp này phải tính đến việc sử dụng hiệu quả đồng tiền.

Tôi vẫn muốn hỏi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT câu hỏi đã quan tâm đến hiệu quả của giáo dục đào tạo chưa?. Bởi thực ra, hệ thống giáo dục của chúng ta nhiều năm nay “lờ” đi chuyện hiệu quả. Luôn luôn kêu thiếu nên phải tăng ngân sách. Ngân sách Nhà nước tăng cho giáo dục rất nhiều, đã hơn 20%, chúng ta còn đòi hỏi gì được hơn?. Các nước cũng chỉ thế hoặc thậm chí thấp hơn. Đa số dân mình vẫn là người nghèo. Bộ GD&ĐT chưa bao giờ nói sử dụng hiệu quả đồng tiền ấy như thế nào?

Vì nếu sử dụng hiệu quả thì phải tránh sự trùng lặp, không thể có sự trăm hoa đua nở, giẫm đạp lên nhau để tồn tại như hiện nay. Đáng lẽ chúng ta phải quy hoạch mạng lưới các trường ĐH.

Nhà nước có thể đầu tư được bao nhiêu trường thì phải quản lý thật chặt chứ không thể mở trường tràn lan như hiện nay, không thể ban phát tỉnh nào cũng mở trường. Còn lại phải phát triển các trường tư thục để thu hút sự đóng góp của xã hội. Điều này thể hiện tính hiệu quả trong giáo dục. Học ở trường này chuyển sang trường khác không được công nhận thì đấy cũng là hiệu quả không được xem xét tới.

Điều đó có nghĩa là chất lượng và sự đầu tư chưa tương xứng với nhau?

- Đúng vậy, bởi nếu tính tới hiệu quả thì với đầu tư như hiện nay chất lượng sẽ còn cao hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Thương (thực hiện)

Đọc thêm