Minh Hóa (Quảng Bình): Trên 100 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân trong 7 tháng đầu năm

(PLVN) - Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng được giải ngân từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Minh Hóa đạt gần 103 tỷ đồng.
Một phiên giao dịch xã của NHCSXH huyện Minh Hóa.

Thực hiện Văn bản số 01/NHCS-KHNV của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam về việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2024 và Quyết định số 1751/QĐ-NHCS của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2024. Theo đó, kế hoạch giao tăng trưởng cho các NHCSXH huyện trong năm 2024 là tăng trưởng khoảng từ 10% so với năm 2023.

Căn cứ kế hoạch dư nợ đã được giao từ đầu năm, trong 7 tháng đầu năm 2024, NHCSXH huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ban giảm nghèo các xã, thị trấn và các tổ chức mạng lưới thực hiện ủy thác để đẩy mạnh công tác giải ngân cho vay các nguồn vốn hỗ trợ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo số liệu đã có 1.900 lượt hộ được giải ngân cho vay với tổng số tiền 102,905 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng tập trung tăng trưởng trọng tâm như: Cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo có 633 lượt hộ được vay vốn với doanh số 40,64 tỷ đồng; cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có 263 lượt người lao động động được vay vốn với doanh số 14,128 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo có 200 lượt hộ được vay vốn với doanh số 15,213 tỷ đồng.

Các xã có doanh số cho vay lớn như: Hóa Tiến có 201 lượt hộ vay, số tiền 10,072 tỷ đồng; Trung Hóa có 198 lượt hộ vay, số tiền 8,824 tỷ đồng; Yên Hóa có 185 lượt hộ vay, số tiền 8,56 tỷ đồng.

Đến nay, NHCSXH huyện Minh Hóa đã thực hiện quản lý 18 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ cho vay đạt 587,73 tỷ đồng, với 8.600 hộ đang vay vốn, bình quân dư nợ 68,3 triệu đồng/hộ, nguồn vốn cho vay được đầu tư đến 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Trọng tâm lĩnh vực cho vay vốn đầu tư chủ yếu là phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế và tiểu thủ công nghiệp. Theo thống kê, đến nay đã có 3.657 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang vay vốn; có 4.806 công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở khu vực nông thôn được đầu tư nhờ vốn vay; có 1.562 lao động được vay vốn từ chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 151 ngôi nhà ở xã hội của cán bộ, công chức, viên chức được xây dựng nhờ nguồn vốn vay theo Nghị định số 100/NĐ-CP thông qua NHCSXH huyện.

Đọc thêm