Mở đường hội nhập quốc tế, trước hết phải hội nhập luật pháp

(PLVN) - PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nhận định, khi Việt Nam tiến hành hội nhập quốc tế thì một rào cản gây khó khăn cho quá trình hội nhập là chúng ta thiếu các chuyên gia cũng như đội ngũ những người am hiểu luật pháp quốc tế. Cho nên, để mở đường hội nhập quốc tế trước hết phải hội nhập về mặt luật pháp.
PGS.TS Trần Hậu.

Đề cập đến nhiệm vụ “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung và luật sư nói riêng trong việc xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN và hoàn thiện thể chế, PGS.TS Trần Hậu cho rằng, xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN không phải càng nhiều luật càng tốt. Điều quan trọng nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN là mỗi một người dân có thể sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. “Muốn làm được điều này thì đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung và đội ngũ luật sư, những người làm luật phải đóng vai trò hết sức nòng cốt”- ông Hậu chia sẻ.

Trên thực tế, không phải bất cứ người dân nào cũng hiểu luật. Có nhiều người phạm tội, khi ra trước Tòa án mới nói rằng họ không biết luật quy định như vậy nên mới phạm tội. Có không ít người vi phạm pháp luật là do không hiểu biết, làm theo bản năng… Theo PGS.TS Trần Hậu, một trong những nguyên nhân của việc tội phạm ngày càng gia tăng có vấn đề về giáo dục luật pháp cho toàn dân còn hạn chế. Do vậy, để hướng dẫn, giáo dục luật pháp cho toàn dân thì không ai khác là những cán bộ của ngành Tư pháp, những luật sư được đào tạo cơ bản, hiểu biết pháp luật.

Dự thảo văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cũng nêu 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá đầu tiên là “hoàn thiện đồng bộ thể chế”. Một số ý kiến đề nghị nên bổ sung nội dung: “Xây dựng hệ thống pháp luật có tính cạnh tranh quốc tế”.  Lý do là hiện nay chỉ số pháp luật của Việt Nam thường bị đánh giá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, chi phí tuân thủ pháp luật thấp… Bởi vậy, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là phải nâng cao sức cạnh tranh của pháp luật Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh quốc tế, đặc biệt trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Trần Hậu nhận định, khi Việt Nam tiến hành hội nhập quốc tế thì một rào cản gây khó khăn cho quá trình hội nhập là chúng ta thiếu các chuyên gia cũng như đội ngũ những người am hiểu luật pháp quốc tế. “Cho nên, có những người khi vào làm ăn với thị trường quốc tế, họ vi phạm luật pháp quốc tế rất nhiều. Điều này do nhiều nguyên nhân chứ không phải một nguyên nhân”- ông Hậu nói. Do đó, phải coi việc học tập, tìm hiểu và thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế là một trong những điểm nhấn trong việc tuyên truyền pháp luật ở nước ta. “Để mở đường hội nhập quốc tế trước hết phải hội nhập về mặt luật pháp thì mới đem lại hiệu quả cao”- ông Hậu nhấn mạnh. 

Đọc thêm