Mô hình chính quyền đô thị: Chậm mà chắc

(PLVN) - Trong câu chuyện với PLVN bên thềm Xuân Tân Sửu, PGS.TS Lê Minh Thông (Trợ lý Chủ tịch Quốc hội), rất kỳ vọng mô hình chính quyền đô thị được triển khai ở TP.Hồ Chí Minh năm 2021. Vì tin đó sẽ là đòn bẩy giúp thành phố một thời nức tiếng với mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông” tiếp tục tiến chắc về phía trước, trong vai trò đầu tàu kinh tế. 
 TS Lê Minh Thông

Vượt “rào cản” nhận thức

Theo TS.Lê Minh Thông, trong hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng xác định đột phá thể chế là đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Điều này được cụ thể hóa trong Hiến pháp 2013. Là một trong những người từng “chắp bút” bản Dự thảo Hiến pháp, ông Thông cho biết, chương về  “Chính quyền địa phương” là một trong những chương phức tạp nhất, và cũng là chương hoàn thiện cuối cùng. Vì xung quanh mô hình chính quyền địa phương, lúc bấy giờ còn nhiều ý kiến khác nhau.

Có người hỏi tôi “Phải chăng sự ra đời mô hình chính quyền đô thị ở nước ta chậm?”. Nhưng tôi cho rằng, sự chậm trễ này là cần thiết, hợp lý bởi thay đổi nhận thức không phải ngày một ngày hai…”, PGS.TS.Lê Minh Thông - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Trước đó, mặc dù Nghị quyết của Đại hội Đảng đã nói phải đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương, tức là phải tổ chức mô hình chính quyền địa phương đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đô thị, nông thôn, hải đảo... Nhưng trong nhận thức pháp lý, lâu nay, chúng ta vẫn “mặc định” chính quyền địa phương bao giờ cũng phải gồm 2 bộ phận: HĐND và UBND. Vì thế, qua nhiều lần thảo luận đã đưa ra một phạm trù mới đó là phạm trù: Cấp chính quyền. 

Theo đó, Hiến pháp 2013 không còn định nghĩa “Chính quyền địa phương” mà chỉ  “Cấp chính quyền địa phương”. Điều đó hàm chứa ý nghĩa rằng, chính quyền phải hiện hữu ở mọi nơi, nơi nào có người dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thì nơi đó có chính quyền. Chính quyền là hiện thân của quyền lực ở nơi cần có quản trị quốc gia chứ không phải nhất nhất bao gồm hai bộ phận HĐND và UBND.

Đặc biệt, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua 3 nghị quyết rất quan trọng về thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội, thí điểm mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng và tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, với quyết tâm chính trị là tổ chức mô hình chính quyền địa phương đúng với tinh thần Hiến pháp 2013.

Trao đổi với PLVN, TS.Lê Minh Thông cho biết, để có được kết quả trên, một trong những “rào cản” lớn phải vượt qua là nhận thức. Bởi có người từng hỏi ông: “Phải chăng sự ra đời mô hình chính quyền đô thị ở nước ta chậm?” Chuyên gia lập pháp này khẳng định, sự chậm trễ này là cần thiết, hợp lý bởi thay đổi nhận thức không phải ngày một ngày hai, và nếu không có sự thay đổi nhận thức thì khó đạt được sự đồng thuận cao sau đó.

 

Hai giá trị, ba lợi ích 

Với những giá trí cốt lõi, mô hình chính quyền đô thị được người dân cả nước trong đó có cử tri TP.Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, kỳ vọng sẽ là động lực cho sự nghiệp phát triển của thành phố đầu tàu kinh tế sau này. 

Theo TS.Lê Minh Thông, mô hình này mang hai giá trị cốt lõi đã được thực tiễn chứng minh đó là: Sự quản trị tập trung thống nhất, không cắt khúc; một chính quyền  đồng bộ, nhanh, tiết kiệm. Và thứ hai là quyền tự chủ. 

Muốn làm được điều này phải trao quyền tự chủ cho các đô thị; phải phân quyền, phân cấp mạnh để chủ động, tự chịu trách nhiệm. Hai giá trị mang tính phổ quát của chính quyền đô thị mà Việt Nam cần phải tuân theo.

Bên cạnh đó, khi triển khai mô hình Chính quyền đô thị sẽ có ba lợi ích lớn.

Đầu tiên, là đáp ứng được đặc điểm đô thị, đáp ứng được nhu cầu quản lý thống nhất. Thống nhất về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu tự chủ của người dân. Lợi ích tiếp theo là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu nên người dân ở đô thị cảm nhận tự do hơn người ở nông thôn. Công việc mở hơn. Con người không bị áp chế bởi cộng đồng. 

Lợi ích cuối cùng là bộ máy gọn, ít tầng lớp dẫn đến chi phí ít. Nhưng hiệu quả tăng lên vì chúng ta bố trí người đúng việc và chuyên môn hóa cao hơn về nghiệp vụ. Công tác đầu tư cũng sẽ tập trung, dứt điểm nên không manh mún và sẽ tiết kiệm. 

Đặc biệt quan trọng, mô hình này sẽ khiến cho bộ máy hành động, ít hội họp, ít bàn thảo. Hành động theo hướng chỉ đạo thống nhất. Một bộ máy hành động là điều kiện tiên quyết đem lại hiệu quả. Một bộ máy hành động là bộ máy nói ít, làm nhiều.

“Nhưng để thành công và hiệu quả trên thực tế, trong quá trình triển khai mô hình chính quyền đô thị, sẽ có 3 thách thức lớn mà chúng ta phải vượt qua”, TS.Lê Minh Thông lưu ý. 

Cụ thể, các cấp các ngành phải vượt qua được tư duy quản lý hiện tại, phải vượt qua chính mình, vượt qua tư duy cấp trên cấp dưới. “Người thủ trưởng phải tin ở cấp dưới và phải kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các vấn đề của cấp dưới đề ra”, ông Thông phân tích thêm. 

Thách thức lớn thứ hai là đòi hỏi về chất lượng đội ngũ cán bộ mới. Đó phải là những người có phẩm chất đạo đức, chính trị đảm bảo để trao quyền. Họ phải thực sự vì dân, vì nước, vì lợi ích chung. Vấn đề cuối cần lưu ý là phải thay đổi tư duy đầu tư. Phải huy động nguồn lực xã hội để phát triển chứ Nhà nước không thể đầu tư dàn trải. Trong trường hợp này, Nhà nước là người “cầm lái”, kiến tạo và chỉ đầu tư những thứ mà tư nhân không làm được hoặc không đầu tư.

“Mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam mới chỉ là bước khởi đầu, sẽ còn  nhiều việc phải hoàn thiện. Về thể chế, có thể trong tương lại phải xây dựng một luật riêng về chính quyền đô thị để đảm bảo tính thống nhất chung trong áp dụng nhưng vẫn hình thành một “mảnh đất” riêng để từng địa phương áp dụng cho phù hợp, phát huy sự chủ động, sáng tạo và hiệu quả”, TS.Lê Minh Thông chia sẻ.

Đọc thêm