Bộ Tư lệnh Quân khu 3 vừa mới tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức tạo nguồn bảo đảm lương thực, thực phẩm (LT,TP), chất đốt” và Đề án “Nạc hóa đàn lợn”. Thiếu tướng Nguyễn Quang Ngọc-Phó Tư lệnh Quân khu dự và chỉ đạo Hội nghị. Qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức tạo nguồn bảo đảm LT,TP, chất đốt”, Cục Hậu cần Quân khu 3 đã thực hiện tốt chức năng quản lý, chỉ đạo các đơn vị trong LLVT Quân khu tạo nguồn LT, TP; tăng cường kiểm tra, giám sát, nấu mẫu, nấu đối chứng, hướng dẫn các đơn vị sử dụng gạo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ giá cả, chất lượng hàng hóa, bảo đảm nguyên tắc, trình tự, quy định về tạo nguồn, mua sắm.
Nhờ vậy, toàn Quân khu đã tiết kiệm được gần 14 tỷ đồng từ khai thác gạo, nước mắm, góp phần trực tiếp tăng thêm định lượng thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của bộ đội từ 350 đến 400 đồng/người/ngày (tương đương từ 5 - 6 gam thịt xô lọc hoặc 10-11 gam cá/người/ngày).
Đối với Đề án “Nạc hóa đàn lợn”, sau hai năm thực hiện, từ nguồn vốn ban đầu 2 tỷ đồng của Quân khu, các đơn vị đã phát huy nội lực, huy động và luân chuyển nguồn vốn lên 18 tỷ đồng; bảo đảm được nguồn con giống chất lượng tốt, an toàn dịch bệnh, nâng tỷ lệ tự bảo đảm định lượng thịt nạc năm 2018 lên 77,3%. Nhiều đơn vị tự đảm bảo bảo được 100% thịt nạc, như Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 405, Trường Quân sự Quân khu, Trung đoàn Vận tải 653/Cục Hậu cần… qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu.
Với phương châm “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao, chất lượng bền vững”, thời gian qua, ngành Hậu cần Quân khu 3 đã tích cực, chủ động đề ra nhiều giải pháp, biện pháp phù hợp, sáng tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hậu cần. Tháng 9/2013, Cục Hậu cần Quân khu 3 đã nghiên cứu, xây dựng “Đề án đổi mới phương thức tạo nguồn bảo đảm LTTP, chất đốt cho các đơn vị thuộc quân khu”, được Tư lệnh Quân khu phê duyệt cho phép triển khai thực hiện.
Từ tháng 1-4/2014, thử nghiệm tại Trung đoàn 2 và Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395), Lữ đoàn 405, Lữ đoàn 454. Sau khi tổ chức rút kinh nghiệm, từ tháng 5/2014, triển khai thực hiện đồng loạt trong toàn quân khu. Cục Hậu cần Quân khu 3 chịu trách nhiệm ký hợp đồng nguyên tắc 6 tháng/lần với nhà cung cấp có đủ năng lực, điều kiện và tư cách pháp nhân cung ứng toàn bộ nhu cầu lương thực, nước mắm trong toàn quân khu theo một mẫu và giá thống nhất. Hàng tháng, các đơn vị trực tiếp ký hợp đồng kinh tế và thanh toán với nhà cung cấp theo mẫu và giá đã được Cục Hậu cần phê duyệt.
Lương thực, nước mắm được vận chuyển đến đơn vị và bếp ăn, chỉ tính thêm cước vận chuyển theo quy định của Nhà nước. Đối với các loại thực phẩm như thịt, cá, rau xanh..., các đơn vị tự tổ chức khai thác, chủ yếu là sử dụng nguồn tăng gia sản xuất (TGSX) tại chỗ và từ hoạt động chế biến, giết mổ tập trung. Đến nay, toàn bộ bếp ăn trong quân khu (kể cả các đơn vị đóng quân trên đảo) cùng sử dụng một loại gạo, nước mắm, giá bình quân thấp hơn so với trước khi thực hiện Đề án (gạo từ 500 - 550 đ/kg, nước mắm 2.000đ/lít).
Hiện nay, các đơn vị đã mua sắm, thay thế 100% đèn sợi đốt bằng đèn com-pắc; việc sử dụng hệ thống bếp lò hơi cơ khí đã tiết kiệm 20% - 25% lượng chất đốt. Đồng thời, làm tốt việc đấu thầu, kiểm soát giá trong mua sắm, tạo nguồn; cải tiến hợp lý quy trình chế biến, giết mổ tập trung, hạn chế lượng thải bỏ; tự thu hái dược liệu để chế biến thuốc nam; quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng xe, kết hợp vận chuyển hai chiều, vận chuyển với huấn luyện; công khai tiêu chuẩn, chế độ, giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng đầu mối đơn vị; tận dụng năng lực, công sức của bộ đội để sửa chữa phương tiện, củng cố doanh trại… đã tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, quân khu đã đổi mới trong xây dựng đơn vị điểm. Những năm trước đây, khi xây dựng đơn vị điểm thường lựa chọn đơn vị có điều kiện thuận lợi về quân số, cơ sở vật chất, đất đai, kinh phí... Do đó, khi nhân rộng điển hình, các đơn vị khác không đáp ứng được các chỉ tiêu, tiêu chí của mô hình. Rút kinh nghiệm, Cục Hậu cần Quân khu 3 đã chủ động đề xuất, lựa chọn đơn vị khó khăn hoặc còn yếu về công tác hậu cần làm điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và đơn vị trong việc huy động đầu tư.
Qua khảo sát các đơn vị, Cục Hậu cần nhận thấy Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp là đơn vị có nhiều năm công tác TGSX không hiệu quả, một phần do vai trò tham mưu của cơ quan hậu cần với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, một phần do tổ chức không đúng hướng. Vì vậy, Cục Hậu cần đã cử đoàn công tác xuống làm việc với đảng uỷ, chỉ huy Lữ đoàn cùng bàn bạc, thống nhất quan điểm, phương pháp triển khai, đồng thời giao cho Phòng Quân nhu cử cán bộ xuống đơn vị trực tiếp chỉ đạo.
Kết quả, sau 6 tháng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, mô hình TGSX của Lữ đoàn đã đem lại hiệu quả thiết thực. Từ mô hình này, đến nay, các đơn vị trong Quân khu 3 đã và đang phát triển đa dạng mô hình TGSX theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm; tích cực đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao vào TGSX; chủ động tự túc cây, con giống, thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí; nhiều đơn vị đã chuyển nuôi lợn thường sang nuôi lợn siêu nạc, tăng cường trồng các loại rau cao cấp và cây ăn quả.