Mô hình nuôi vịt công nghệ cao, hướng đi mới để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với những ưu điểm vượt trội, mô hình chăn nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế là hướng đi mới để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Mô hình nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt.
Mô hình nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt.

Thời gian qua, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá cả thức ăn, thuốc thú y tăng cao, giá đầu ra sản phẩm không ổn định, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao. Bởi thế, người dân không mặn mà đầu tư vào chăn nuôi, thậm chí có nhiều hộ, trang trại, đơn vị chăn nuôi phải bỏ trống chuồng…

Theo đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao hơn chăn nuôi truyền thống; đồng thời, tổ chức liên kết bao tiêu sản phẩm nhằm giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất. Và nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao là một trong những hướng đi mới, cần nhân rộng trong phát triển chăn nuôi.

Ông Thái Hoàng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt, chia sẻ mô hình nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao của mình.

Ông Thái Hoàng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt, chia sẻ mô hình nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao của mình.

Năm 2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Bình, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 chuồng nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao với quy mô nuôi 15.000 con vịt thương phẩm tại thôn Hoàng Viễn, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy). Đến nay, vịt đã xuất những lứa đầu tiên cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại vượt trội hơn so với phương thức nuôi truyền thống.

Ông Thái Hoàng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho vịt sinh trưởng và phát triển, chủ động mùa vụ nuôi, Công ty đã đầu tư xây dựng 2 khu chuồng để nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.400m2 (1.200m2/chuồng); lắp đặt hệ thống camera giám sát, theo dõi quá trình phát triển của đàn vịt.

Ưu điểm là nuôi trên sàn trong chuồng kín có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm; vì thế không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với nuôi truyền thống.

Ưu điểm là nuôi trên sàn trong chuồng kín có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm; vì thế không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với nuôi truyền thống.

Bên cạnh đó, công ty đã xây dựng một kho chứa thức ăn với quy mô bảo đảm cung cấp cho 15.000 con vịt thương phẩm/lứa; một hầm Bioga 1.800m2 để xử lý phân và nước thải chăn nuôi; buồng khử mùi bằng phương pháp trung hòa kết tủa khí H2S và NH3.

“Để thực hiện nuôi vịt công nghệ cao, hầu hết các khâu đều được đầu tư tự động hóa. Các chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống máng ăn, máng uống tự động, có hệ thống làm mát điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của đàn vịt. Ngoài ra, vịt được nuôi trên sàn nhựa, nền chuồng xi măng với độ dốc phù hợp cho việc dọn dẹp, vệ sinh; nước thải trong quá trình xịt rửa sàn, nền được thu gom về bể Bioga xử lý…”, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt cho hay.

Nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao là một trong những hướng đi mới, cần nhân rộng.

Nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao là một trong những hướng đi mới, cần nhân rộng.

Trưởng phòng Kỹ thuật Chăn nuôi và Thủy sản (Trung tâm KN-KN tỉnh Quảng Bình) Mai Ngọc Thuận cho biết: Mô hình này được Trung tâm hỗ trợ để nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo đó mô hình được Trung tâm hỗ trợ 35% kinh phí mua giống và thức ăn trên quy mô 9.300 con. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, Công ty đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm, nâng tổng đàn của trang trại là 15.000 con.

“Giống vịt được lựa chọn thả nuôi là giống vịt Star53, 1 ngày tuổi, vịt khi đưa vào nuôi phải đạt các yêu cầu như: Khỏe mạnh, đồng đều, mắt tinh nhanh, tiêm chủng đầy đủ vắc xin và được kiểm tra tình trạng vệ sinh thú y trước khi bàn giao con giống để thực hiện mô hình. Vịt được nuôi trên sàn trong chuồng kín có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm; vì thế không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với nuôi truyền thống. Hơn nữa, vịt nuôi trên sàn lưới được hoạt động cơ bắp nhiều hơn nên chất lượng thịt thơm, chắc, tỷ lệ thịt đùi và ức cao, được thị trường ưa chuộng…”, Trưởng phòng Kỹ thuật Chăn nuôi và Thủy sản thông tin thêm.

Vịt nuôi trên sàn lưới, được hoạt động cơ bắp nhiều hơn nên chất lượng thịt thơm, chắc, tỷ lệ thịt đùi và ức cao, được thị trường ưa chuộng.

Vịt nuôi trên sàn lưới, được hoạt động cơ bắp nhiều hơn nên chất lượng thịt thơm, chắc, tỷ lệ thịt đùi và ức cao, được thị trường ưa chuộng.

Qua đánh giá bước đầu, tỷ lệ sống đàn vịt đạt 97%, về đầu ra, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao An Việt đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Greenext Group chi nhánh Bình Định để tiêu thụ sản phẩm. Với giá bán 41.000đ/kg, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/lứa (với quy mô 9.300 con/lứa).

So với chăn nuôi vịt truyền thống, nuôi vịt công nghệ cao cần quỹ đất, nguồn vốn đầu tư tương đối lớn, yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cơ sở vật chất bài bản. Nhưng sau khi đi vào quy trình chăn nuôi sẽ giải quyết được hầu hết khó khăn như dịch bệnh, thời tiết, giá thành mà chăn nuôi vịt truyền thống gặp phải.

Bên cạnh đó, việc quản lý chặt chẽ nguồn giống, lượng thức ăn, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch cộng thêm vịt được sống trong môi trường an toàn, sạch bệnh, đủ chất dinh dưỡng; nhờ đó, vịt phát triển nhanh, trọng lượng đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, chỉ sau 45 ngày đã đạt trên 3,3 kg/con, đủ tiêu chuẩn xuất bán; một năm có thể nuôi, xuất bán 5-6 lứa.

“Chăn nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao giúp cho các hộ, đơn vị chăn nuôi áp dụng đồng bộ giữa kỹ thuật chăn nuôi và thiết bị hiện đại như: Hệ thống cho ăn, nước uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi…. Qua đó, giúp cho người chăn nuôi dễ dàng theo dõi đàn vật nuôi, tính toán lượng thức ăn phù hợp với sự phát triển của đàn vịt, tránh việc lãng phí thức ăn gây phát sinh mầm bệnh, sản phẩm chăn nuôi có đơn vị bao tiêu ổn định, nâng cao hiệu quả chăn nuôi...”, Trưởng phòng Kỹ thuật Chăn nuôi và Thủy sản Mai Ngọc Thuận cho biết thêm.

Đọc thêm