Ông Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Bộ Lao Động và Thương binh xã hội, đồng thời cũng là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công cho rằng: “Muốn phát triển được BHXH thì phải chú ý phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay, chúng ta còn 15,6 triệu số hộ kinh doanh cá thể, thời gian tới phải tập trung cao phát triển BHXH trong lực lượng này; ban hành chính sách nâng cao tính hấp dẫn của BHXH, đồng thời Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho người khó khăn có thể tham gia BHXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ chi phí 30% cho hộ nghèo tham gia BHXH, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và người bình thường 10% để tham gia BHXH”.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung cho rằng những chủ trương này vừa qua chưa thực sự hấp dẫn vì thực tiễn, người nghèo dù có được nhà nước hỗ trợ 30% chi phí thì cũng khó có thể tham gia được. Hiện nay, một số nước như Indonesia, Trung Quốc, đối với hộ nghèo hỗ trợ lên tới 60% và chúng ta có bài học Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay có độ bao phủ lớn là nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho người dân chiếm tỷ trọng lớn.
Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhằm hướng tới BHXH toàn dân cần tăng BHXH bắt buộc về đối tượng và quy mô, bởi trong tổng số 53 triệu lao động hiện nay, mới chỉ có 13 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và chỉ có 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, điều đó làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ. Tỷ lệ này hiện nay là một người đóng thì một người rút.
Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Tức là 2 người tham gia vào BHXH thì một người rút ra khỏi hệ thống. Do đó, làm mất đi ý nghĩa đóng BHXH được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống của họ khi tuổi già, không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Ông Bùi Văn Cường đề nghị: “Nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần”.
Trước đó, khai mạc Hội nghị, ngày 7/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu một số ý kiến có tính gợi mở, nêu vấn đề để các đại biểu tham dự Hội nghị quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định về Đề án.
"Phải chăng nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là do: Nhận thức, tư duy lý luận và thể chế về BHXH còn chậm được đổi mới, hoàn thiện; hệ thống luật pháp, chính sách, bộ máy tổ chức, cán bộ đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; số lượng lao động làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động còn lớn, dựa chủ yếu vào tiết kiệm của bản thân và mạng lưới an sinh gia đình truyền thống trong khi thu nhập còn thấp, không ổn định, áp lực chi tiêu trước mắt còn lớn; xuất phát điểm còn thấp, sự phát triển của nền kinh tế và thu chi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn?...", Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH trong thời gian tới. Tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính BHXH trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu...
"Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý. "Đồng thời, căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi mới trong nội dung Đề án, tính đồng bộ với Đề án cải cách chính sách tiền lương và tạo sự đồng thuận xã hội giữa người đang làm việc và người đã nghỉ hưu để thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết của Trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH".