"Mọi công dân biết tu và hiểu luật thì xã hội hạnh phúc"

 Không chỉ là nơi tu hành của các bậc chư tăng, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên- Vĩnh Phúc là ngôi chùa đầu tiên ở miền Bắc mở những khóa tu để chúng sinh và thanh thiếu niên nghiện game tới “sửa mình”. Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện đã dành cho Pháp luật Việt Nam cuộc trò chuyện thú vị về cuộc sống hiện đại và một cái tâm an tịnh...

Không chỉ là nơi tu hành của các bậc chư tăng, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên- Vĩnh Phúc là ngôi chùa đầu tiên ở miền Bắc mở những khóa tu để chúng sinh và thanh thiếu niên nghiện game tới “sửa mình”. Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện đã dành cho Pháp luật Việt Nam cuộc trò chuyện thú vị về cuộc sống hiện đại và một cái tâm an tịnh...
"Mọi công dân biết tu và hiểu luật thì xã hội hạnh phúc" ảnh 1
 

- Nhà Phật dạy rằng: "Tu là chuyển nghiệp". Xin thầy giảng nghĩa cho điều này được hiểu như thế nào?

- Tất cả cuộc sống này đều do nơi nghiệp tác thành. Do nơi nghiệp mà có khi mang thân thú, hoặc sinh ra ở nơi biên địa nghèo khổ, hay ở một gia đình giàu có trí thức. Chuyển nghiệp là khi đang có cuộc sống bất hạnh, khổ đau, nay mình ăn hiền ở lành, giúp đỡ mọi người, từ đó cuộc sống ngày càng đi lên; từ độc ác, tham lam, nay chuyển thành tâm biết thương người, ít sân hận, mở rộng lòng từ. Nếu không biết tu, đang từ hạnh phúc, mà làm những điều bất thiện, thì rơi xuống khổ đau, làm ăn thất bại.

Năng lượng là tư duy của con người phát ra là và dẫn dắt chúng ta chứ không phải là ai khác. Khi mình làm việc thiện thì tạo ra năng lượng thiện; nếu mình nghĩ điều ác, sẽ phát ra năng lượng xấu. Chính năng lượng đó tác động đến năng lượng của chúng ta đã có từ trước tới nay, từ đó chuyển hóa cuộc sống của mình.

Nếu trước mình có năng lượng thiện nhiều thì có nhiều phúc báo. Nếu nay làm việc xấu ác, thì tạo nghiệp lực xấu ác. Năng lượng xấu đó sẽ tác động vào năng lực tổng có trước, tạo thành tổng mới, làm cho cuộc sống của mình ngày càng bất hạnh. Chẳng hạn, một người được hưởng phúc báo đời trước mà được làm vua. Khi làm vua thì say sưa hưởng thụ, gây đau khổ cho dân. Đến khi hưởng hết phúc, thì ắt bị người ta lật đổ, giết chết.

Chính vì ông vua đó đã làm những việc gây đau khổ cho người khác – tạo nghiệp ác.  Cũng như nhà giàu, vì không biết đạo, nên tự nghĩ mình có tài trí, lợi dụng phương tiện tiền bạc sẵn có để buôn gian bán lận, gây ác cho người khác, thì mình bị tổn phúc. Không lên chùa, mình không biết đạo, không hiểu được sự sống được vận hành bởi luật nhân quả, hành động lớn trở thành nghiệp thiện. Do vậy, nếu mọi công dân đều biết tu (có nghĩa là sửa mình) và hiểu luật pháp thì xã hội này hạnh phúc.

- Thưa thầy, đạo và đời có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trước một bộ phận người ngoài đời sống bản năng và thế hệ thanh thiếu niên có tư duy lệch lạc, thầy có nhận xét gì?

- Có thể thấy, hiện tại là cuộc sống hưởng thụ, được đầu độc bằng những phim truyện, game, truyền thanh, truyền hình... Có những đứa bé cắt cổ ông ngoại vì ảnh hưởng của game, tưởng rằng ông sẽ sống lại như trong game.  Những tư tưởng đó dần đầu độc con người, đầu độc thế hệ trẻ. Nếu theo đạo Phật, con người sẽ không sát sinh, không nói dối, nói láo, không tham ô, đem lại hạnh phúc cho mọi người...

Bây giờ mình xem phim ảnh nhiều, con người không tôn trọng nhau, ngay tình cảm cũng “ăn bánh trả tiền”. Nếu biết đời này mình ngoại tình, đời sau mình trả giá thì không ai dám làm. Bởi tà dâm làm người bạn đời khổ sở, ghen tuông, sầu não...

Môi trường gia đình và giải trí của xã hội ngày nay không có chuẩn rành mạch nên sinh ra sa đọa. Bây giờ chơi game, phim sex lan tràn, người trẻ dễ bị theo bè bạn. Nền giáo dục của mình không quan tâm tới đạo đức xã hội, đạo đức con người. Hồi xưa “ tiên học lễ, hậu học văn”, nhà trường dạy những bài học thuộc lòng về tinh thần yêu nước, bổn phận với cha mẹ, với nhân dân... thấm vào tâm hồn đứa trẻ, bây giờ những điều đó không có, thế hệ trẻ trở nên sa đọa.

- Thưa thầy,nếu nói cửa Phật nơi tu tâm dưỡng thính thì phải chăng trong cuộc sống xô bồ hiện nay, tất cả chúng sinh nên đến chùa để khai thiện và có một cái tâm an tịnh?

- Ai cũng có cái tâm thương, buồn, yêu, ghét, giận hờn... Người trí khác người ngu ở sự hiểu biết. Đến chùa là để an lạc tinh thần chứ không phải cúng cầu sinh. Còn nếu gõ mõ tụng kinh, mà mải nghĩ ngợi, thì không có được năng lượng, không giải thoát nội tâm, và không tạo được kết quả là tâm an tịnh. Tu như vậy là không đúng với Phật pháp. Đó là tu trên cái THAM (ở đây là tham phúc), chưa giải thoát.

Những người nghèo, nhưng làm ăn chân chính, dần dần tạo phúc, khi đó mới vươn lên, có cuộc sống hanh thông hạnh phúc. Còn mình ở tại nhà, tu chân chính, lòng mình luôn thanh tịnh, thì ấy là mình có được tâm Phật rồi. Những người hiểu đạo rồi, khi làm việc, quét nhà, rửa bát... đều với cái tâm thanh tịnh, không nghĩ ngợi vọng tưởng, thì chính người đó đang là Phật rồi, đâu cần cầu Phật bên ngoài.

Người tu hiểu đạo chính là người biết sửa tâm mình sao cho thanh tịnh, không phiền não, không giận hờn, thì ngay đó mình đang chuyển tâm mình từ phàm thành tâm bậc thánh, bậc Phật. Phật ở tại tâm, không có gì xa lạ. Tu là con đường chuyển hóa nội tâm từ phàm tới thánh, tùy mức độ tâm thanh tịnh mà được đạo quả, trí tuệ.

- Vốn là nơi tu hành của các bậc chư tăng, thế nhưng cơ duyên gì đã dẫn Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên  nhận giúp các "cậu ấm, cô chiêu” nghiện game, nghiện nét tập tu, sửa mình, thưa thầy? Và,  đối với người trẻ, làm sao để họ tiếp thu được từ bi hỉ xả?

- Chùa là chốn từ bi, tu tập đạo đức, trẻ đến chùa học hỏi hướng thiện. Thế nên khi được tiếp cận, nhiều cháu đã thay đổi vì sở dĩ các cháu bị ảnh hưởng bởi những trào lưu xấu là do các cháu bị xã hội cuốn hút mà không có ai điều chỉnh chỉnh, nhắc nhở. Đó chính là cơ duyên đưa Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên  đến với việc giúp người trẻ sửa mình.

Các lớp học đầu tiên bắt đầu từ mùa hè năm 2009 lúc đầu chỉ có 40-50 cháu nhỏ, con số đó những mùa hè gần đây đã gấp hơn 10 lần. Ngoài việc học thiền, các sư thầy, sư cô sẽ chỉ dạy cho các cháu thói quen thức dậy từ 3h sáng, gập chăn màn sao cho vuông vức, ngay ngắn, sau đó nhẹ nhàng di chuyển về giảng đường để tọa thiền.

Các cháu tự gấp chăn màn, quét nhà, nhổ cỏ, tập nấu cơm bằng bếp củi, tự giặt quần áo, bữa đến xếp hàng ngay ngắn, áo tu hành chỉnh tề, bưng bát đĩa của mình xuống núi ăn cơm trong nhà ăn tập thể. Tự xúc khẩu phần ăn cho mình, ra bàn ngồi nghe các thiền sư giảng đạo lý và kinh Phật, rồi lặng lẽ ăn, thưa gửi kính cẩn. Cơm xong, lại nghe giáo huấn, rồi các cháu tự đi rửa bát (kể cả thầy trụ trì Thích Kiến Nguyệt cũng tự rửa bát cho mình - PV), rồi lại xếp hàng trở về khu vực sinh sống của mình.

Hằng ngày, 2 bận đi xuống khu "Giáo đường" nghe giảng kinh Phật, rồi ngồi thiền. Thậm chí, 3h30 phút sáng hằng ngày, sau ba tiếng chuông thiêng là giờ "thức chúng" (ngủ dậy), các cháu cùng các vị thiền sư ngồi thiền trong ánh điện lờ mờ, dưới sự giám sát của các vị tu hành nghiêm khắc nhất. Thiền là phương pháp tĩnh tâm khai trí. Khoa học đã chứng minh đứa trẻ ngồi thiền thông minh, kiên nhẫn hơn những đứa trẻ không ngồi thiền. Hiện nay, ở nhiều nước đã đưa thiền vào chương trình giáo dục.

Với những cháu nghiện game, có nhiều cháu cho nghe nhạc, làm gì cũng vẫn ảo giác chơi game, tay chân múa may như đang ngồi trước bàn phím thì các thầy cho ngồi xâu kim để học sự tập trung và kiên nhẫn.

Đưa con lên chùa, có người thì muốn con tách khỏi cuộc sống thường nhật để cai games, có người muốn con được học Phật pháp để chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống, trân trọng những gì đang có, để chúng biết được nguồn gốc của hạt lúa, củ khoai, biết trân trọng thành quả lao động của người khác. Và cũng có những ông bố bà mẹ đưa con lên chỉ để con biết thế nào là nhặt rau, quét nhà, nấu cơm… Nhưng tất cả đều chung một mong muốn con cái sẽ biết sửa mình thành người tốt.

- Xin cảm ơn Thượng tọa!

Uyên Na- Hồng Minh ( thực hiện)

Đọc thêm