Mối duyên đặc biệt của người đàn ông ở Vĩnh Long với hàng nghìn con chim trời

(PLVN) - Khi khoảng vài chục con chim Vạc bay về cư ngụ, lão nông đã dành nhiều công sức, chăm sóc, tạo môi trường cho đàn chim trời này sinh sống tại khu vườn gia đình. Sau gần 20 năm, khu vườn đã trở thành “vùng xanh” cho hơn 2.000 cá thể chim trú ngụ...

Lão nông ấy là ông Lê Văn Chìa (ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) năm nay đã 77 tuổi, nhưng tình yêu cho động vật hoang dã, cụ thể là đàn chim trời mà ông chăm sóc hàng chục năm qua vẫn nguyên vẹn như ngày nào.

Niềm giao cảm với thiên nhiên, động vật

Kỷ niệm đàn chim đầu tiên về mảnh vườn của mình vào những ngày cuối năm 2005 khiến ông Chìa nhớ mãi. Thời gian đó, ông Chìa canh tác nhãn trên mảnh đất 1,8ha của mình thì đột nhiên có đàn chim Vạc bay về cư ngụ, kiếm ăn. Thấy chúng yếu ớt, ông Chìa kiếm thức ăn bày ra cái dớn để mời “những vị khách” này thưởng thức.

Ông Lê Văn Chìa chăm sóc con Cò Ốc (nằm trong sách đỏ) bị thương chưa thể bay được.

Ông Lê Văn Chìa chăm sóc con Cò Ốc (nằm trong sách đỏ) bị thương chưa thể bay được.

“Những hôm giăng lưới được nhiều cá, tôi lại chia cho đàn chim một ít. Ngày qua ngày, không biết tự bao giờ tụi nó xem đây là nhà rồi làm tổ ở đây luôn. Tôi cũng bất ngờ vì ban đầu cứ nghĩ chúng di cư đến đây một thời gian rồi sẽ đi”, ông Chìa cho biết.

Mỗi ngày, buổi sáng ông cần mẫn trên mảnh đất của mình, buổi chiều ông lại dành thời gian bắt cá cho chim ăn. Nhiều người cho rằng ông "nhàn công rỗi việc" nên làm mấy chuyện “chim trời cá nước” này. Nhưng ông Chìa bận tâm, vẫn đều đặn chăm sóc chim. Đất lành chim đậu, đàn chim tại vườn ông Chìa cứ phát triển, sinh sôi về đây ngày càng nhiều.

Quần thể chim được ghi nhận vào năm 2021 có 33 loài thuộc 20 họ, 12 bộ với hơn 2.000 cá thể.

Quần thể chim được ghi nhận vào năm 2021 có 33 loài thuộc 20 họ, 12 bộ với hơn 2.000 cá thể.

Hiện, số lượng chim tại vườn của ông Chìa đã tăng vọt lên hơn 2.000 cá thể.

Số lượng chim ngày càng đông, kéo theo đó là công chăm sóc khá vất vả. Hơn chục năm qua, mỗi ngày ông Chìa lại bỏ ra từ 30.000 – 50.000 đồng mua cá, ốc cho chim ăn.

Năm 2021, tỉnh Vĩnh Long thực hiện công tác kiểm kê, khảo sát nghiên cứu vườn chim của ông Chìa, ghi nhận nơi đây có 33 loài thuộc 20 họ, 12 bộ. Trong đó, có 5 loài làm tổ và có con non là Vạc, Cò trắng, Cò ruồi, Cốc đen và Hút mật họng nâu. Trong đó, có ít nhất 13 cá thể Cò ốc, 6 cá thể Quắm đen, khoảng 130 - 135 cá thể Cò ruồi, 80 - 120 cá thể Cò trắng, 190 - 260 cá thể Cốc đen và khoảng 600 - 625 cá thể Vạc…

Chú chim non được ông Chìa cứu vớt và đem về chăm sóc.

Chú chim non được ông Chìa cứu vớt và đem về chăm sóc.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Đặng Thị Bé Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc ông Lê Văn Chìa dành mảnh vườn để đàn chim hoang dã trú ngụ gần 20 năm là hành động đầy ý nghĩa, xuất phát từ đam mê yêu thiên nhiên, bảo vệ các loài chim. Dù chấp nhận bị thất thu kinh tế, nhưng ông quyết không làm xáo trộn khu đất cũng như tạo thêm sinh cảnh tự nhiên để hình thành quần thể chim như ngày nay. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái.

Cần bảo tồn diện rộng

Theo ông Chìa, vườn chim của ông đang đối mặt với nạn săn bắn trộm, số lượng chim tại đây ngày càng giảm sút. Những người săn bắn trộm chim còn ngang nhiên chống trả, khiến ông nhiều lần gặp nguy hiểm. Đã nhiều lần ông giải thích và khuyên mọi người dừng lại hành động này nhưng "đâu lại vào đấy", nạn bắn chim trộm vẫn tái diễn.

Một số loài chim quý, hiếm đang có nguy cơ giảm số lượng bởi nạn săn bắt trộm chim.

Một số loài chim quý, hiếm đang có nguy cơ giảm số lượng bởi nạn săn bắt trộm chim.

“Nhiều hôm tôi đi tuần tra vườn chạm mặt với những người bắn trộm chim. Họ không bỏ chạy mà còn hăm dọa và có lần dùng súng đạn chì bắn vào tôi. Rất may tôi có nón bảo hiểm nên không sao”, ông Chìa kể lại.

Không chỉ riêng ông Chìa gặp nguy hiểm trực tiếp, những người hàng xóm của ông cũng đối diện với tình trạng đạn “từ trên trời rơi xuống” vì những người bắn chim trộm. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều mái nhà lân cận vườn chim loang lổ những vết thủng do đạn. Thực tế, có những viên đạn bất ngờ bay vào hiên nhà khiến những người dân lo lắng, bức xúc.

Vết thủng trên mũ bảo hiểm của ông Chìa do những người săn bắt chim trộm dùng súng bắn.

Vết thủng trên mũ bảo hiểm của ông Chìa do những người săn bắt chim trộm dùng súng bắn.

Ông Nguyễn Văn Đức (SN 1967, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn) cho biết, ngày nào ông cũng nghe tiếng "đùng đùng" của những viên đạn rơi xuống mái nhà. Vì sự an toàn của gia đình, ông cũng như những người hàng xóm khác luôn hạn chế ra trước sân vì không biết khi nào những viên đạn đó sẽ rơi xuống.

Sợi dây được ông Chìa giăng sẵn để men theo khi tuần tra vườn vào buổi tối.

Sợi dây được ông Chìa giăng sẵn để men theo khi tuần tra vườn vào buổi tối.

Trước vấn nạn săn bắn chim trộm và nỗi lo của người dân, bà Đặng Thị Bé Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cử đơn vị chuyên trách tăng cường công tác kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng săn bắt, mua bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi, nâng cao nhận thức, vận động mọi tầng lớp nhân dân hiểu về tầm quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên.

"Thời gian tới, UBND huyện sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, Hội bảo tồn thiên nhiên thế giới… để đa dạng nguồn đầu tư, có chuyên gia thường xuyên giám sát và hỗ trợ về mặt chuyên môn. Đồng thời, huyện xây dựng thương hiệu “vườn chim Vạc xã Tân Mỹ” như là một biểu tượng của địa phương thể hiện sự thân thiện với môi trường, phát triển hoạt động du lịch và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương", bà Sáu thông tin thêm.

Nhằm duy trì và phát triển quần thể Vạc cũng như một số loài chim quý hiếm khác, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch bảo vệ, nâng cấp, mở rộng vườn chim vạc của ông Lê Văn Chìa từ khoảng 1,8ha lên 4 - 5ha. Đồng thời, sẽ xây dựng tháp canh để thực hiện quan sát; xây dựng hàng rào bảo vệ chắc chắn và hệ thống camera giám sát để bảo vệ lâu dài các loài chim hoang dã; mở rộng đường vào khu vực vườn chim gắn với định hướng phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở triển khai các phương án thực hiện hạn chế tối đa các tác động không mong muốn tới quần thể chim đang cư trú…