Món quà cho mai sau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây - Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, từ năm 1959 đến nay, mỗi dịp đầu năm, các địa phương lại náo nức tổ chức Tết trồng cây. Phong trào đã trở thành nét đẹp văn hóa, mang lại lợi ích to lớn cho môi trường, đất nước và mỗi người dân.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, năm 2023, toàn quốc trồng được 260.000ha rừng tập trung và 127 triệu cây xanh phân tán, vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Tỷ lệ che phủ rừng cả nước là hơn 42%. Việt Nam cũng đã chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon, trị giá 1.200 tỷ đồng. Ba năm qua, cả nước trồng được 770 triệu cây xanh; tổng vốn huy động 9.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 23,8%, còn lại là xã hội hóa.

Sáng 15/2 (mùng 6 Tết Giáp Thìn), khi dự Lễ phát động Tết trồng cây tại xã Kim Phú, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng một lần nữa nhắc lại trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học bị suy giảm, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện môi trường.

Việt Nam cũng đang từng bước thực hiện các cam kết để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), với sự hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tài chính. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng ngày càng quan trọng.

“Trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa, mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau. Cây cối đã giúp cho sự sống của chúng ta, vì vậy cần bảo vệ và trồng nhiều cây hơn nữa bằng tình yêu, lòng biết ơn và sự khiêm nhường đối với thiên nhiên tươi đẹp”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Trồng cây gây rừng, như vậy cần xác định rõ là nhiệm vụ của tất cả các tỉnh, thành, chứ không riêng tỉnh, thành nào.

Với các tỉnh có thế mạnh về rừng như Tuyên Quang, một số tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh vùng Tây Nguyên; cần khơi dậy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp, gắn trồng cây với gây rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với giữ bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống chủ rừng.

Với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM… cần trồng nhiều hơn nữa những cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường đô thị, nâng tỷ lệ m2 cây xanh trên đầu người; có thêm nhiều hơn nữa những “khu rừng trong phố” bằng cách quy hoạch tỷ lệ cây xanh hợp lý, trồng nhiều cây trong các khu di tích lịch sử, văn hóa, khu đô thị thị mới, công trình công cộng; cải tạo và phát triển các vườn hoa, công viên công cộng gắn với các hồ nước điều hòa…

Làm được những điều đó là không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân chính mỗi người chúng ta trong hiện tại mà còn tạo ra được những “món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau”, như lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định.

Đọc thêm