Món quà tặng cha

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Người cha đã gắng đợi con mình bước lên bục vinh quang rồi mới giã từ cõi đời. Đó là một câu chuyện màu nhiệm của cuộc sống, của tin yêu, của sự liên kết tình cha con. Một điều đáng để chúng ta thao thức về sự yêu thương, đùm bọc.
Tô Thị Trang, vận động viên môn Kurash giành Huy chương Vàng đầu tiên cho Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
Tô Thị Trang, vận động viên môn Kurash giành Huy chương Vàng đầu tiên cho Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.

Tô Thị Trang, vận động viên môn Kurash đã mở màn nội dung 48kg sở trường bằng chiến thắng thuyết phục võ sĩ Myanmar tại SEA Games 31. Ở trận chung kết, cô gái 23 tuổi đã khiến nhiều cổ động viên chủ nhà sung sướng với tấm Huy chương Vàng khi vượt qua Aclopen của Philippines và Tô Thị Trang đã rơi nước mắt nghẹn ngào vì xúc động khi nói về cha mình đang bạo bệnh.

“Tôi năm nay 23 tuổi, làm quen với Kurash 5-6 năm rồi. Tôi chuyển từ Judo sang tập Kurash và có lẽ đó là định mệnh rồi. Quá trình cấm trại không được về với gia đình và rất nhớ gia đình là khó khăn nhất trong thời gian qua. Sau chuyến tập huấn ở Uzbekistan vừa rồi thì tôi đã được trở về gặp người thân. Tôi cũng có dự đoán về việc mình sẽ có thể giành Huy chương Vàng đầu tiên về cho thể thao Việt Nam nhưng cũng không nghĩ gì cả, chỉ tự tin và cố gắng, tất cả mọi thứ tuỳ duyên. Nếu có tiền thưởng từ thành công này, tôi chỉ cần về với gia đình thôi” - Tô Thị Trang chia sẻ.

“Tôi chỉ cần về với gia đình” - sự chia sẻ đó rất nhiều vận động viên luôn muốn bày tỏ với báo chí. Họ luôn xa gia đình từ những chuyến tập huấn, rồi tập luyện cao độ trước mỗi giải đấu. Nên ước ao có thời gian ngồi chung mâm cơm với gia đình, trò chuyện với cha mẹ, anh chị em… đối với các vận động viên chuyên nghiệp luôn thường trực. Sau mỗi giải đấu họ chỉ muốn trở về trong vòng tay gia đình để được thỏa lòng.

Tô Thị Trang biết cha mình bạo bệnh, khi giành Huy chương Vàng cô đã khóc, cầu mong cha mạnh khỏe. Ước vọng của một người con thật lớn lao. Nhưng con người không thể thắng được số mệnh. Cha của Trang đã “về làm bạn với mây trời” khi Trang lên đỉnh vinh quang. Có lẽ trong tâm khảm người cha đã gắng nhìn thấy gương mặt rạng ngời của con gái yêu khi bước lên bục cao nhất trong sự nghiệp thể thao. Và đó cũng là lúc ông tạ từ cuộc sống. Coi như một sự mãn nguyện nhẹ nhàng của cha mẹ nhìn thấy con cái thành công rồi nhắm mắt xuôi tay.

Đối với tôi, một ngôi sao thể thao cũng giống như một ngôi sao khoa học, hay doanh nghiệp… Họ bình đẳng và đều được tôn trọng những cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Nhà khoa học sáng chế nên công nghệ, mang đến sự tiện ích, văn minh, doanh nghiệp mang đến cho xã hội sự phồn thịnh, thì vận động viên mang đến cho bạn tinh thần giải trí, sự sảng khoái, tinh thần vươn lên, không từ bỏ. Cuộc sống luôn cần điều đó. Những điều tạo cho chúng ta cảm xúc, tạo cho chúng ta hứng khởi hay lắng lại sau những thành công hay thất bại.

Câu chuyện Tô Thị Trang chạy về bên cha, đặt chiếc Huy chương Vàng cô vừa giành được lên bàn tay người cha đã đi xa, như một lời thì thầm mạnh mẽ rằng: “Con của cha đã không phụ lòng cha”.

Chúng ta không thấy trong hình ảnh đó một sự bi lụy, quá đau đớn mà một cảm giác thanh thản của tình cha con. Một người cha ra đi theo mệnh số và người con ngồi bên cạnh trao tặng cha thành quả của mình. Những câu chuyện tươi đẹp, thấu hiểu đó nhắn nhủ với mọi người rằng thể thao không chỉ là đối kháng, đánh đấm, dựa trên sức mạnh, cơ bắp… mà vẫn đầy câu chuyện tình người đáng để ngợi ca, xây dựng cảm hứng, hướng tới sự thiện lương của con người.

Dù chúng ta là ai, chúng ta luôn cần nơi nương tựa là gia đình. Nương tựa vào những giá trị căn bản là yêu thương. Đó cũng chính là thông điệp từ tinh thần thể thao cao thượng.