Mong sớm có phương án thi THPT 2025

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục cho rằng, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chọn phương án thi nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thì cũng cần chốt sớm để học sinh có cơ sở chọn môn học phù hợp với khả năng và mong muốn nghề nghiệp.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo ND)
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo ND)

Dự kiến thi chung đề, chung đợt

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình một số băn khoăn, bất cập trong triển khai thực hiện sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhóm nghiên cứu đề xuất 2 phương án. Phương án 1 gồm 6 môn, trong đó 4 môn bắt buộc (Toán - Ngữ văn - Lịch sử - Ngoại ngữ) + 2 môn tự chọn (trong số các môn học sinh chọn học ở lớp 12). Phương án 2 gồm 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc (Toán - Ngữ văn) + 2 môn tự chọn (trong số các môn học sinh chọn học ở lớp 12). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.

Đây là kỳ thi đầu tiên của chương trình sách giáo khoa năm 2018, bởi từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 bắt đầu với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng mục tiêu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, từ lớp 10, học sinh sẽ có những môn học bắt buộc và môn học lựa chọn. Môn học lựa chọn là các môn học mà học sinh được lựa chọn học để phù hợp với mục tiêu định hướng cho nghề nghiệp. Việc xác định các môn học lựa chọn phù hợp sẽ giúp học sinh tập trung vào thế mạnh và mục tiêu, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, công sức để phát hiện và theo đuổi nghề nghiệp tương lai.

Sau ngày 17/5/2023, Bộ GD&ĐT đã có phân tích, đánh giá các góp ý của toàn xã hội để hoàn thiện Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, dự kiến đầu năm học 2023 - 2024 sẽ ban hành. Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 về cơ bản kế thừa được phương thức tổ chức thi như hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ về độ tin cậy của kết quả đánh giá để các bên liên quan có thể khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau (trong đó có các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thực hiện xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được Luật Giáo dục Đại học quy định); đánh giá đúng năng lực người học, công bằng, công khai, minh bạch, gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn của các địa phương.

Thầy trò mong sớm có phương án thi

Về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục cho rằng, dù Bộ GD&ĐT chọn phương án thi nào thì cũng cần chốt sớm để học sinh có cơ sở trong việc chọn môn học phù hợp với khả năng và mong muốn nghề nghiệp.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ủng hộ phương án 2 thi 4 môn bắt buộc. Tuy nhiên, với 2 môn lựa chọn, thầy Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị Bộ GD&ĐT nên kết hợp với các trường đại học để xây dựng thành những mã ngành phù hợp yêu cầu tuyển sinh giúp học sinh thuận lợi trong lựa chọn.

Việc này cần triển khai sớm và duy trì ổn định, tránh biến động hàng năm. Năm học tới, việc dạy học theo hướng tăng cường các môn tự chọn ở cấp THPT bước sang năm thứ hai. Những lúng túng của năm đầu tiên đã có kinh nghiệm để xử lý nhưng việc chuyển đổi môn học, đặc biệt thi tốt nghiệp THPT ra sao với lứa học sinh này, vẫn là rào cản khi quyết định chọn môn của học sinh và tổ chức của nhà trường.

Đoàn giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra: “Đến nay, Bộ GD&ĐT chưa ban hành hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gây khó khăn cho học sinh trong việc chọn tổ hợp môn học, đội ngũ giáo viên lúng túng trong việc điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá, ảnh hưởng tới chiến lược tuyển sinh của các trường ĐH”.

Trước ý kiến của một số địa phương về việc chuyển trường của học sinh lớp 10 nhưng gặp khó khăn do tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, tại Hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường. Công tác hướng nghiệp, phân luồng cũng phải được thực hiện bằng sự thuyết phục, qua sự lựa chọn của người học, không được triển khai cứng nhắc…

Đánh giá sau năm đầu tổ chức dạy học lựa chọn, báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng như Đoàn giám sát của Quốc hội đều cho rằng, việc xây dựng và thực hiện giảng dạy các tổ hợp tại cấp THPT chưa thực sự đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh. Hầu hết các cơ sở giáo dục THPT không tổ chức dạy học các môn mỹ thuật, âm nhạc, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và việc định hướng nghề nghiệp cho một số đối tượng học sinh có năng khiếu nghệ thuật. Theo các thầy cô, có một thực trạng là học sinh “né” tổ hợp có các môn Lý, Hóa, Sinh vì khó. Vì vậy, nếu không có giải pháp khắc phục thì dần dần các trường ĐH sẽ thiếu sinh viên theo các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật.

Đọc thêm