Một ‘binh chủng’ đặc biệt ở Hội nghị Paris

Hoạt động báo chí và thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc trên mặt trận đấu tranh ngoại giao ở Paris.
Một ‘binh chủng’ đặc biệt ở Hội nghị Paris
Các phóng viên báo chí dự đưa tin Hội nghị Paris.Các phóng viên báo chí dự đưa tin Hội nghị Paris.

Bối cảnh mới, nhiệm vụ mới

Qua hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, quyết tâm chiến đấu của quân dân cả hai miền Nam - Bắc đã đánh bại từng bước leo thang “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã dự kiến tình hình và quyết định mở hướng tấn công trên mặt trận ngoại giao. Chủ trương “vừa đánh vừa đàm” đã mở ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặt trận ngoại giao được xác định là “mũi tiến công thứ ba”, bên cạnh và phối hợp nhịp nhàng với các mũi tiến công quân sự và chính trị.

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 đã gây ra cơn choáng váng cho nước Mỹ, làm đảo lộn chiến lược chiến tranh và kéo theo rất nhiều sự rối loạn trên các mặt đời sống chính trị - xã hội Mỹ. Các kênh truyền hình đã “đưa cuộc chiến Việt Nam đến tận giường ngủ các gia đình Mỹ” gây ra tâm lý bàng hoàng và kéo theo một cơn bão phản đối chiến tranh trong lòng nước Mỹ. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 đã bẻ gãy ý chí duy trì chiến tranh của giới lãnh đạo Mỹ. Trong cơn khủng hoảng về chiến lược chiến tranh, về chính sách cả đối ngoại và đối nội, ngày 31/03/1968, Tổng thống Mỹ Lindon. B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam từ phía Bắc vĩ tuyến 20. Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hội nghị Paris về Việt Nam được mở, bắt đầu từ ngày 13/05/1968 và kết thúc vào ngày 27/01/1973. Đây là cuộc đàm phán dài nhất, để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX với 202 phiên họp công khai, 24 đợt họp riêng, trải qua 4 năm 8 tháng 14 ngày. Đây là sự kiện quốc tế hàng đầu thu hút sự quan tâm của cả thế giới, là chủ đề chính của báo chí và dư luận các nước thời kỳ đó.

Tại cuộc đàm phán Paris, ngoại giao Việt Nam đã thực hiện sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai” được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo trên trận tuyến mới. Phương châm này được đề ra từ Hội nghị ngoại giao lần thứ năm, ngày 16/03/1966. Người căn dặn: Bây giờ ngoại giao của ta vừa là một mà vừa là hai, vừa là hai mà lại vừa là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vừa có ngoại giao của Mặt trận. Hai khối đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Có khi Mặt trận nói chứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói thì không hợp. Có khi cả hai đều nói. Phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, hai bên cùng bàn bạc với nhau. Chủ trương “vừa đánh vừa đàm” đã được thực hiện một cách sáng tạo, vừa kiên quyết vừa khôn khéo trong các phiên đàm phán công khai cũng như bí mật. Trong cuộc đấu tranh ngoại giao trường kỳ ở Paris, cả hai đoàn phía ta đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, giữ vững mục tiêu chung trong suốt tiến trình đàm phán cũng như các mục tiêu cụ thể, giành thắng lợi trên từng giai đoạn đàm phán.

Các hoạt động báo chí và tuyên truyền đối ngoại cũng bám sát nhịp nhàng và phục vụ chủ trương đó, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cuộc đấu tranh ngoại giao tại Paris. Các cán bộ làm báo (chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) nhận nhiệm vụ mới trên mặt trận ngoại giao và đã hoàn thành xuất sắc. Paris được chọn là địa điểm đàm phán cũng là điều kiện thuận lợi cho cả hai phái đoàn đàm phán Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và những người làm báo trong hai đoàn phía ta. Đây là tâm điểm của châu Âu, các diễn biến của cuộc đàm phán nhanh chóng lan tỏa đến dư luận, tác động mạnh, kịp thời đến đến xã hội Mỹ, phương Tây và thế giới. Từ Paris, chúng ta đã nêu cao tiếng nói chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đến với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, cùng với các hoạt động vận động quốc tế rộng rãi để nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới sát cánh ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ, đấu tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hỗ trợ “mũi tiến công thứ ba”

Công tác tuyên truyền đối ngoại gắn chặt với các hoạt động của cả hai đoàn ngoại giao của phía ta. Trên “mặt trận” báo chí, tuyên truyền tại Hội nghị, Bộ trưởng Xuân Thủy là Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đề nghị và tuyển chọn được một đội ngũ nhà báo giỏi ngoại ngữ, thành thạo nghiệp vụ, như Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Minh Vỹ, Hồng Hà, Hà Đăng, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Phong, Lê Bình, Xuân Oanh và nhiều nhà báo tài năng khác bên cạnh phái đoàn đàm phán ngoại giao. Người phát ngôn chính của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (thường) là đồng chí Nguyễn Thành Lê, người có kinh nghiệm làm báo đối ngoại trong các đoàn đàm phán, đã từng tham gia Hội nghị Geneva về Việt Nam (năm 1954) và về Lào (năm 1961-1962). Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau đó là đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có đồng chí Lý Văn Sáu là người phát ngôn chính và các đồng chí Dương Đình Thảo, Trần Hoài Nam, Đinh Bá Thi, Trần Văn Tư...

Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy thường chủ trì các cuộc họp báo lớn và thông báo báo chí vào thứ Năm hằng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris. Những câu trả lời của ông để lại ấn tượng khó quên bởi sự sắc sảo nhưng dễ hiểu, được thể hiện qua ngôn ngữ dí dỏm, thông minh. Với nụ cười luôn trên môi, thái độ lịch lãm nhưng rất thẳng thắn và cương quyết, ông đã đưa ra những câu trả lời thuyết phục mọi đối tượng trong giới báo chí.

Trong khi đó, Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình lại làm người ta khâm phục vì trí tuệ sắc sảo, thái độ kiên quyết không khoan nhượng ẩn giấu dưới vẻ ngoài nữ tính duyên dáng đặc sắc Việt Nam. Giới báo chí quốc tế ở Paris thời đó đã “phong” bà là “Nữ hoàng Việt cộng”(!)

Trong những năm diễn ra Hội nghị Paris, báo chí cách mạng Việt Nam đã vạch trần tính phi nghĩa và tội ác chiến tranh xâm lược của Mỹ, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần tạo làn sóng phản đối chiến tranh ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các bài báo từ Paris gửi về hàng ngày, hàng tuần, suốt nhiều năm, đưa tin về cuộc đấu trí tại Hội nghị Paris đã làm nổi bật sự kiên định về nguyên tắc, bằng lý lẽ đanh thép bẻ gãy các lập luận phi lý của đối phương. Đây là nguồn thông tin động viên quân dân cả hai miền, đẩy mạnh hơn cuộc chiến đấu, giành thêm nhiều thắng lợi.

Suốt gần năm năm, cuộc hội đàm về Việt Nam trở thành tâm điểm thời sự số một trên các báo ở Paris cũng như nhiều báo, nhiều hãng tin trên thế giới. Các phóng viên của hai đoàn phía ta tranh thủ lợi thế giữa trung tâm sự kiện, nhanh chóng khai thác thông tin để làm các loại tin phổ biến, tin tham khảo, hàng ngày gửi về Việt Nam và phục vụ công tác của đoàn đàm phán. Nhờ cách làm việc tích cực và chuyên nghiệp, các phóng viên Việt Nam đã tranh thủ được cảm tình của nhiều phóng viên quốc tế, tạo mối quan hệ gần gũi, tin cậy với những người bạn mới của Việt Nam.

Mở rộng vòng tay hữu nghị của bạn bè

Phối hợp chặt chẽ với cuộc đàm phán trên bàn Hội nghị, lực lượng tuyên truyền của hai đoàn Việt Nam đã có hàng trăm cuộc họp báo, hàng nghìn cuộc tiếp xúc báo chí và gặp gỡ đại diện các tổ chức quần chúng, nhân sĩ, trí thức, tích cực tuyên truyền, đấu tranh dư luận và ngoại giao nhân dân ngay bên ngoài Hội nghị Paris, trên nhiều vùng của nước Pháp và các nước Italy, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan… Các nhà báo của Việt Nam đã tích cực giao lưu với các nhà báo quốc tế, thu thập thông tin, tìm hiểu tình hình dư luận, giới thiệu đường lối, chính sách, lập trường của Việt Nam. Hai đoàn Việt Nam còn chủ động tổ chức các cuộc hội họp, gặp gỡ với Việt kiều ở Pháp và nhiều nước, gây ảnh hưởng tốt trong dư luận và gia tăng thiện cảm với Việt Nam.

Cả hai đoàn của cách mạng Việt Nam tại Paris đều nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp. Bà con Việt kiều thuộc nhiều thế hệ và ngành nghề khác nhau cũng ủng hộ và tích cực phục vụ cuộc đấu tranh của hai đoàn Việt Nam. Các trí thức Việt kiều như Phạm Thị Thanh Vân, Huỳnh Hữu Nghiệp... còn tham gia phiên dịch giúp đoàn.

Các vị lãnh đạo của hai đoàn như Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, các Trưởng đoàn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình và các thành viên đều tích cực làm công tác vận động dư luận. Các cán bộ trong cả hai đoàn đàm phán đến các địa phương ở Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi dự các cuộc mít tinh, biểu tình, diễu hành, hội thảo, hội nghị chống Mỹ xâm lược, đoàn kết với Việt Nam. Những hoạt động tuyên truyền và vận động dư luận đã góp phần đoàn kết các lực lượng tiến bộ nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, hình thành một “Mặt trận đoàn kết quốc tế”, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Phong trào nhân dân thế giới lên án cuộc chiến tranh của Mỹ, đòi lập lại hòa bình lên cao. Đây cũng là nguồn sức mạnh không kém phần quan trọng, góp sức cho thắng lợi của khát vọng hòa bình - thống nhất của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris.

Trong những năm Hội nghị Paris bàn việc kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, súng vẫn nổ dữ dội trên chiến trường. Tại Paris, nhiều cuộc tranh luận gay gắt vẫn diễn ra xung quanh chiếc bàn tròn đường kính 8m phủ vải xanh tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris ở Kléber và trong những cuộc gặp bí mật. Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao trường kỳ đó, báo chí và thông tin đối ngoại là một “binh chủng” đặc biệt góp sức hiệu quả cho đến thắng lợi cuối cùng, ngày 27/01/1973.

1. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 15, tr. 63

Đọc thêm