Một doanh nghiệp được VKSNDTC ’tặng’ gần 1,7 tỷ đồng?

 Không có thiệt hại nhưng doanh nghiệp vẫn được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) cho hưởng “bồi thường” bằng tiền của những người bị khởi tố.

Không có thiệt hại  nhưng doanh nghiệp vẫn được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) cho hưởng “bồi thường” bằng tiền của những người bị khởi tố.

Không làm trái luật…

Trong vụ án tham ô, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty vật tư nông nghiệp (Tổng Cty), Cơ quan Điều tra (CQĐT) và VKSNDTC khởi tố đối với ông Phạm Văn Hiền, Phó Tổng giám đốc về tội “cố ý làm trái” vì đã ký 2 hợp đồng thuê xe “vượt quá định mức”, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng cũng giống như ông Trần Văn Khánh, ông Hiền đã được đình chỉ điều tra về tội này do việc thuê xe không trái pháp luật và không có cơ sở xác định thiệt hại.

Trở lại vụ án, năm 2003, ông Hiền ký 2 hợp đồng thuê ô tô cho lãnh đạo Tổng Cty sử dụng. Hợp đồng thứ nhất, thuê xe 29S-8819 của Công ty Thành Lợi với giá 49,5 triệu đồng/tháng. Thời gian thực hiện hợp đồng thực tế là 17 tháng với tổng chi phí thuê xe là hơn 841 triệu đồng. Hợp đồng thứ 2 ký kết với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ba Đình, thuê xe 14NN- 20628 với giá thuê 48 triệu đồng/tháng, thời gian thực hiện hợp đồng thực tế là 35 tháng với tổng số tiền phải trả  hơn 1,8 tỷ đồng.

Khi khởi tố vụ án, CQĐT và VKSNDTC căn cứ Quyết định 122/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định mức sử dụng xe ô tô trong cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp, cho rằng, việc “thuê xe” của Tổng Cty vượt quá 450 triệu đồng/xe (định mức mua xe cho lãnh đạo các Tổng Cty nhà nước) là “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế”, gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì vậy, cả ông Khánh và ông Hiền đều bị khởi tố về tội này.

Trong quá trình điều tra, CQĐT đã 3 lần trưng cầu giám định tài chính để làm rõ “hậu quả nghiêm trọng” của hành vi thuê xe đắt tiền này. Nhưng các kết luận giám định lại đưa ngược hẳn với đánh giá của CQĐT. Kết luận giám định lần thứ nhất, giám định viên kết luận: Tổng Cty được quyền thuê xe phục vụ sản xuất kinh doanh, tiền thuê xe được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Việc thuê 2 ô tô 29S-8819 và 14NN-20628 là không trái pháp luật nên không có cơ sở xác định thiệt hại.

Với kết luận giám định trên, rõ ràng không có cơ sở buộc tội được ông Khánh và ông Hiền là “cố ý làm trái…” nên CQĐT đã trưng cầu giám định lần thứ 2. Lần này, giám định viên Nguyễn Thị Thoa cũng căn cứ vào tiêu chuẩn “mua xe” là 450 triệu đồng/xe để kết luận rằng, lãnh đạo Tổng Cty “chỉ được sử dụng” xe với định mức trên. Giám định viên này kết luận, việc thuê 2 ô tô trên gây thiệt hại 1 tỷ 649 triệu đồng.

Nhưng, lý lẽ của giám định viên Nguyễn Thị Thoa là không đúng pháp luật. Vì doanh nghiệp được thuê tài sản cố định phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó, có ô tô. Vì thế, một lần nữa “thiệt hại” được trưng cầu giám định để làm rõ.

Lần thứ 3, tập thể giám định viên tài chính của Bộ Tài chính đã kết luận: doanh nghiệp được phép thuê xe ô tô phục vụ sản xuất kinh doanh và không thể xác định được thiệt hại của việc thuê 2 xe ô tô trên. Như vậy, việc thuê xe là “phạm tội” hay không đã quá rõ ràng…

Lấy tiền của giám đốc để cho doanh nghiệp…

Với kết quả điều tra như trên, việc khép tội “cố ý làm trái” đối với ông Hiền và ông Khánh là không thể được. Vì vậy, VKSNDTC đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với 2 lãnh đạo Tổng Cty về tội danh này.

Không có căn cứ xác định thiệt hại của việc thuê 2 xe ô tô và chi phí thuê xe đã được doanh nghiệp quyết toán vào chi phí kinh doanh hàng năm. Song, khi đình chỉ điều tra đối với ông Khánh và ông Hiền, VKSNDTC vẫn buộc 2 ông phải “bồi thường thiệt hại” số tiền 1 tỷ 649 triệu đồng cho Tổng Cty theo bản giám định tài chính bất hợp lý của giám định viên Nguyễn Thị Thoa. Ông Khánh phải nộp gần 900 triệu, còn ông Hiền phải nộp 750 triệu đồng theo Quyết định xử lý vật chứng số 01/VKSNDTC-V1B, ngày 3/6/2010 của VKSNDTC.

Không xác định được thiệt hại nhưng VKSNDTC vẫn “xử lý” tiền của ông Khánh và ông Hiền cho Tổng Cty không khác gì “biếu không” doanh nghiệp này số tiền trên. Quyết định xử lý vật chứng trên trái với kết quả điều tra và các quy định của pháp luật về xử lý vật chứng, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Ông Hiền và Khánh đã thoát tội “cố ý làm trái” nhưng lại trở thành người bị thiệt hại bởi quyết định trái pháp luật khác của chính cơ quan truy tố.

Quyết định “xử lý vật chứng” đã biếu không doanh nghiệp tiền tỷ có đúng pháp luật không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng VPLS Trí Việt về vấn đề này:

 - Thưa Luật sư, có đến 3 kết luận giám định về một vấn đề, vậy phải sử dụng kết luận giám định nào để giải quyết vụ án?

Kết luận giám định là một nguồn chứng cứ. Việc sử dụng kết luận giám định nào là quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Nói như thế không có nghĩa là CQĐT, VKS thích sử dụng kết luận giám định nào thì sử dụng. Việc sử dụng kết luận giám định phải căn cứ vào tính khách quan và sự phù hợp của nội dung kết luận giám định với các quy định của pháp luật và các chứng cứ khác.

Theo Pháp lệnh Giám định tư pháp, việc giám định lại được thực hiện khi có 2 kết luận có nội dung trái ngược nhau. Như vậy, kết luận giám định lần thứ 3 do Hội đồng Giám định thực hiện sẽ có giá trị pháp lý cao nhất. Hơn nữa, nội dung kết luận giám định lần 3 phù hợp với hệ thống pháp luật. Như vậy phải sử dụng kết luận giám định này để giải quyết vụ án.

- Theo Kết luận Giám định lần thứ 3, không có cơ sở xác định thiệt hại thì việc buộc “bị can” đã được đình chỉ phải “bồi thường” có đúng pháp luật không, thưa ông?

Nguyên tắc của việc bồi thường là có hành vi làm trái pháp luật và có thiệt hại xảy ra, đã được xác định. Kết luận của cơ quan giám định là việc thuê xe không trái pháp luật, không có cơ sở xác định thiệt hại thì làm sao buộc ông Khánh và ông Hiền phải “bồi thường thiệt hại” được.

Thực tế, tiền thuê xe đã được hạch toán vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp nên khoản tiền đó không thể coi là “thiệt hại” được. Quyết định xử lý vật chứng đã lấy tiền của ông Hiền và ông Khánh để cho doanh nghiệp là không đúng pháp luật.

 - Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm