Rác thải nhựa tăng kỷ lục do Covid-19
Năm 2019, Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng kể trong công cuộc giảm thiểu rác thải nhựa. Lối sống “Zero Waste”, tức “không rác thải” trở thành trào lưu đối với người dân trong nước. Dần dần tại trường học, công sở và các cơ sở kinh doanh đã hướng tới sử dụng đồ dùng, vật liệu thân thiện với môi trường hơn.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực ấy đang có dấu hiệu gián đoạn kể từ khi bùng phát Covid-19. Thói quen đến những cửa hàng truyền thống và tự kiểm soát lượng rác thải đã được thay thế bằng thói quen mua bán online. Không có gì sai trái khi hàng loạt cửa hàng, quán ăn uống đồng loạt mở cửa hàng online để kinh doanh, buôn bán; hàng hoá được vận chuyển qua các dịch vụ Grab, GoViet, Now, Lazada, Be…
Vấn đề nằm ở chỗ, quy trình đóng gói mang đi phục vụ thói quen tiêu dùng một lần đang khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể. Hầu hết mọi người đều quá tập trung vào dịch bệnh, chỉ tập trung vào khắc phục tình thế trước mắt mà không nhận thấy những hậu quả để lại cho môi trường.
Theo khảo sát được công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, trong giai đoạn cách ly xã hội, 75% người dân sống ở Hà Nội và Sài Gòn sử dụng dịch vụ mua đồ ăn online giao đến tận nhà. Đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Theo Hiệp hội chất thải rắn quốc tế, trong đại dịch Covid-19, khẩu trang, găng tay cao su đang tăng dần lên tại các bãi biển châu Á. Còn các bãi chôn lấp trên toàn thế giới được chất đống với số lượng kỷ lục các hộp đựng thức ăn mang đi và bao bì giao hàng online. Lượng chất thải này đang có nguy cơ đổ vào đại dương.
Còn theo tổ chức The Pew Charitable Trusts and SYSTEMIQ, nếu không có biện pháp nào, lượng rác thải nhựa chảy ra biển hàng năm sẽ tiếp tục tăng từ 11 triệu tấn lên 29 triệu tấn, khiến tổng lượng rác thải nhựa đại dương theo dự báo sẽ tăng đến 600 triệu tấn vào năm 2040.
Như vậy, kể cả trong giai đoạn xu hướng sống xanh bị gián đoạn bởi dịch bệnh, các tổ chức, cơ quan chức năng về môi trường vẫn cần đưa ra lộ trình để ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đại dương trong tương lai. Điều này bao gồm việc đầu tư sản xuất các loại vật liệu thay thế, cơ sở tái chế và mở rộng thu gom chất thải ở các nước đang phát triển.
Vì sao khó thay đổi?
Nhiều thói quen tốt đang dần hình thành tại Việt Nam về bảo vệ môi trường đã bị gián đoạn bởi dịch bệnh. Theo khảo sát mới nhất của Nielsen Vietnam, đại dịch Covid-19 khiến hơn 50% người Việt không còn muốn đến những cửa hàng truyền thống để mua sắm và 25% giảm thiểu thói quen tiêu thụ bên ngoài.
Điều này đồng nghĩa, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, số đông người dân vẫn ưu tiên loại hình mua sắm online hơn bởi tính tiện lợi. Đồng thời, các loại hình kinh doanh truyền thống như siêu thị, chợ, cửa hàng sẽ phải thích ứng với phương thức và nhu cầu mua sắm này của người tiêu dùng. Chỉ nói riêng về lĩnh vực đặt đồ ăn online, thống kê của Nielsen cho thấy có đến 62% khách hàng Việt Nam cho rằng muốn mua đồ về nhà ăn hơn cùng với 19.000 đơn vị kinh doanh nhà hàng quán ăn tham gia vào mạng lưới vận chuyển thực phẩm.
Tuy nhiên, rất ít trong số các đơn vị kinh doanh này có giải pháp thiết thực nhằm hạn chế rác thải nhựa cho môi trường. Nguyên nhân thứ nhất được đưa ra là bởi tình hình chuyển biến quá nhanh, người kinh doanh không có sự chuẩn bị trước. Nguyên nhân thứ hai là nhiều cơ sở kinh doanh tổn thất nặng nề sau dịch bệnh nên không có đủ nguồn lực để chuyển hoá, sử dụng những vật liệu có thể phân huỷ, thân thiện với môi trường hơn (ví dụ: những nhà hàng bình dân).
Kể cả những chuỗi thương hiệu ẩm thực lớn như Highland Coffee, The Coffee House cũng không thể chuyển biến kịp thời trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến khó lường. Đối với thức ăn, đồ uống mang đi, họ có thể thay thế ống hút nhựa bằng ống hút dễ phân huỷ nhưng chưa thể thay thế cốc nhựa hay túi plastic. Một thực tế khác là đồ dùng nhiều lần có nguy cơ truyền nhiễm vi khuẩn cao hơn, khiến nguy cơ lây lan Covid-19 tăng lên. Vì vậy, nhiều chuỗi ẩm thực đã chuyển hẳn qua sử dụng đồ nhựa nhằm bảo đảm vấn đề vệ sinh, sức khoẻ cho khách hàng.
Mặt khác, chính những cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển cũng không có những giải pháp ưu việt hơn để đóng gói đồ đạc bằng những vật liệu có thân thiện hơn với môi trường. Anh Nguyễn Việt Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên mua sách đọc giải trí trong thời gian cách ly xã hội, cứ mỗi đơn hàng đưa tới trong nhà lại có thêm một vài hộp các-tông, giấy bóng, bao bì đóng gói… Mặc dù biết những loại rác này khó phân huỷ nhưng tôi cho rằng người vận chuyển buộc phải đóng gói cẩn thận để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.
Tình hình trên đang khiến cho cuộc chiến chống rác thải nhựa khó khăn hơn bao giờ hết.
Tìm giải pháp ứng phó thích hợp
Trên thực tế, không chỉ Việt Nam mà hàng loạt quốc gia đang “đau đầu” với nạn rác thải nhựa gia tăng kỉ lục bởi thói quen tiêu dùng online trong đại dịch. Hàng loạt thành phố lớn đã đưa ra chính sách giảm thiểu tiêu thụ nhựa như New York (Mỹ) và London (Anh) cũng phải tạm thời “nới lỏng” chính sách này bởi nhu cầu cấp thiết của người dân.
Theo Reuters, chỉ trong 2 tháng thực hiện cách ly xã hội, lượng rác thải nhựa ở Thái Lan đã tăng đột biến với từ 5.500 tấn chất thải nhựa mỗi ngày đến 6.300 tấn một ngày. 80% trong đó là chai ly nhựa, túi nilon và hộp xốp – sản phẩm của những dịch vụ giao hàng thực phẩm online. Mặc dù đất nước này mới bắt đầu áp dụng luật hạn chế sử dụng túi nilon toàn quốc, thói quen mới trong mùa dịch Covid-19 đã làm “xáo trộn” toàn bộ ý định của chính quyền nước này.
Cuộc chiến chống rác thải nhựa, xu hướng sống xanh đang phải đối mặt với nhiều thử thách ở giai đoạn này. Tuy nhiên, “dấu vết” ô nhiễm môi trường đất, biển, không khí vẫn đang diễn ra từng ngày từng giờ, để lại hậu quả phức tạp cho tương lai, thậm chí trong nhiều thế kỉ nữa.