Nhân viên thông đồng nhau chiếm đoạt tiền khách gửi
Trong vụ “rút ruột” hơn 50 tỉ đồng tiết kiệm của khách hàng xảy ra ở Eximbank chi nhánh Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cơ quan công an đã bắt giam và truy tố tổng cộng 15 người đều là nhân viên giao dịch, kiểm soát viên, nhân viên ngân quỹ và lãnh đạo cấp phòng, giám đốc cấp chi nhánh ở 2 chi nhánh Eximbank Vinh và Đô Lương.
Chủ mưu vụ án “rút ruột” tiền tiết kiệm này là Nguyễn Thị Lam bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 14 bị can còn lại bị truy tố về tội Cố ý làm trái qui định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thông qua việc không tuân thủ các qui định về rút tiền gửi của Ngân hàng nhà nước VN cũng như qui định của Eximbank.
Sự việc diễn ra từ ngày 1.3.2011 đến ngày 7.4.2016, Nguyễn Thị Lam là nhân viên ngân quỹ Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An) được giao nhiệm vụ thu, chi tiền mặt; quản lý kiểm tra hồ sơ thế chấp vay vốn của khách hàng; huy động vốn và cho vay theo chỉ tiêu. Để đạt được chỉ tiêu, Lam trả lãi cho khách hàng cao hơn lãi ngân hàng.
Cụ thể, lãi suất huy động vốn năm 2012, năm 2013 khoảng 10,5%/năm thì Lam trả 12%/năm; lãi suất huy động năm 2014, 2016 từ 4 - 6,3%/năm, Lam nhận gửi lãi suất từ 7,5 - 12%/năm. Chính vì vậy mà Lam đã mời gọi được nhiều khách hàng gửi vào số tiền lớn.
Trong thời gian từ năm 2012 đến tháng 8.2016, Lam đã có hành vi lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, cũng như một số chứng từ Lam giả mạo chữ ký khách hàng, lừa dối nhân viên ngân hàng để rút khỏi hệ thống hơn 50 tỉ đồng trong số tiết kiệm của 6 khách hàng gửi tại Eximbank.
Ngoài ra, Lam còn nhận 570 triệu đồng của một khách hàng để mở sổ tiết kiệm nhưng lại chiếm đoạt. Số tiền chiếm đoạt, Lam khai dùng để chi trả cho những sổ tiết kiệm của khách hàng khác gửi tại ngân hàng, dùng để mua đất, đầu tư, cho người khác vay lãi suất cao, làm nhà…
Vụ án được khởi tố vào năm 2016, đến 2017 cơ quan cảnh sát điều tra có kết luận nhưng đến nay, phía Eximbank vẫn chưa có động thái trả lại số tiền này cho 6 khách hàng.
Nhân viên chiếm đoạt tiền gửi, lãnh đạo Eximbank thờ ơ về trách nhiệm
Cả hai trường hợp khách hàng bị chiếm đoạt tiền, có dấu hiệu cho thấy các nhân viên đã được những cán bộ chi nhánh, phòng giao dịch của Eximbank buông lỏng quản lý dẫn đến việc tiền gửi của khách hàng dễ dàng bị các nhân viên chiếm đoạt một cách bất hợp pháp.
Cụ thể trong vụ nhân viên Eximbank Đô Lương (Nghệ An), từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2016, với vai trò là Giám đốc giao dịch, Đặng Đình Hồng đã chỉ đạo và chấp thuận cho các nhân viên của mình làm thủ tục rút tiền của khách hàng trái quy định, đó là khách hàng không có mặt, không xuất trình sổ tiết kiệm, không có giấy chứng minh nhân dân, không có giấy ủy quyền.
Đồng thời, các nhân viên này cũng không kiểm tra đối chiếu chữ ký của lệnh chi với chữ ký đăng ký trên hệ thống korebank. Sau khi giao dịch xong các nhân viên của chi nhánh này cũng đã không in mặt trong của thẻ tiết kiệm, bộ phận quỹ chi cũng không trực tiếp chi tiền cho khách hàng. Chính sự buông lỏng này đã giúp cho Nguyễn Thị Lam cùng các đồng phạm dễ dàng chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng của khách hàng.
Trong vụ này, Cơ quan cảnh sát điều tra CA Nghệ An xác định: nhân viên kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và nhân viên phòng giao dịch khách hàng Eximbank chi nhánh Vinh đã có lỗi cố ý làm trái những quy định rút và gửi tiền của Ngân hàng Nhà nước và Eximbank đã giúp Lam rút được tiền tiết kiệm trong hệ thống Eximbank của 6 khách hàng mà không cần có sổ tiết kiệm. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị Eximbank giải quyết đề nghị của 6 khách hàng (trả tiền gốc và lãi), buộc bà Lam bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Eximbank.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng buộc Nguyễn Thị Lam phải bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Ngân hàng Eximbank. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đề nghị Eximbank căn cứ vào các hợp đồng mà nhân viên đã ký với Ngân hàng Eximbank để buộc bồi thường thiệt hại mà những người này gây ra cho ngân hàng này.
Ngày 12.3.2018, luật sư đại diện quyền lợi cho các nạn nhân ở Nghệ An phải bay vào TPHCM để gặp bằng được ông Lê Văn Quyết – tổng giám đốc Eximbank. Kết quả cuộc gặp này là một lời hứa “thứ sáu Hội đồng quản trị Eximbank sẽ họp và thông báo kết quả cho ông bằng văn bản”.
|
Liên tiếp xảy ra các vụ khách hàng mất tiền gửi ở Eximbank song với tư cách là người điều hành, ông Tổng giám đốc Lê Văn Quyết vẫn đang phớt lờ trách nhiệm |
Lời hứa này y hệt lời cũng của chính ông Quyết hứa giải quyết vụ Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM – ông Lê Nguyên Hưng, chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng của khách hàng Chu Thị Bình rồi trốn luôn ra nước ngoài.
Trong vụ “rút ruột” 245 tỉ này, một mình Lê Nguyên Hưng không thể tự tung tự tác chiếm đoạt tiền của khách hàng mà chắc chắn còn có người thông đồng, giúp sức – cho dù là vô ý hay cố ý, thông qua việc phớt lờ các qui định, thủ tục rút tiền của Ngân hàng nhà nước cũng như của Eximbank.