Một nghị định gỡ “nút thắt”, kích hoạt giá trị mới từ rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm Nghiệp. Nghị định này có hiệu lực ngay khi ban hành đã giúp các địa phương tháo gỡ được nhiều vấn đề trong thực tiễn bị vướng mắc từ lâu.
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đã giảm từ 50 xuống 35 ngày.
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đã giảm từ 50 xuống 35 ngày.

Kích hoạt những giá trị tiềm ẩn

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm Nghiệp (Nghị định 91), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị thông tin, hiện toàn ngành Lâm nghiệp có 15,68 triệu ha, trong đó có 14,8 triệu ha có rừng. Để quản lý, khai thác rừng, cơ quan thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản, mới đây nhất là Nghị định 91.

Nghị định 91 có phạm vi áp dụng rộng, đối tượng tham gia đa dạng và nhiều nội dung khó. Nghị định đi vào cuộc sống sẽ tháo gỡ những vướng mắc các quy định mà thực tiễn còn thiếu, chưa phù hợp liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp. Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, việc xây dựng Nghị định đã khó, việc phổ biến, triển khai để đưa Nghị định vào cuộc sống còn quan trọng hơn. Do đó, đề nghị các địa phương vừa tổ chức triển khai, vừa truyền thông để việc thực hiện Nghị định được hiệu quả nhất.

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu Đặng Văn Châu cho rằng, Nghị định 91 quy định tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thì không phải thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích thuê môi trường rừng sẽ giúp thu hút hơn nữa sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp.

Hơn nữa, đa số đại diện các địa phương đều thống nhất rằng Nghị định 91 giúp họ đỡ lúng túng khi áp ban hành các chính sách lâm nghiệp. Những nội dung, quy định trong Nghị định 91 đưa ra mới đây có thể chưa tối ưu hết, chưa phủ được hết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, nhưng ít nhất những vấn đề “nóng” về dịch vụ môi trường rừng, trình tự, thủ tục chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, giao rừng, cho thuê rừng… đã được chi tiết hóa, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho địa phương sử dụng, quản lý tài nguyên rừng.

Rút ngắn thời gian chuyển loại rừng

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, những vấn đề liên quan đến lâm nghiệp luôn được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhiều câu hỏi về chế độ hỗ trợ cho lực lượng giữ rừng, bảo vệ rừng hay các chính sách đầu tư, phát triển du lịch sinh thái đã được gửi đến ông. Nghị định 91 ban hành kịp thời giống như một “nút thắt” đã được cởi, đồng thời tạo ra những tư duy mới, kích hoạt những giá trị mới từ rừng.

Qua các lần cho ý kiến cũng như phản hồi từ Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng nhận xét, ở góc độ quản lý, đa số đều mong muốn mọi thứ phải rõ ràng. Điều ấy phần nào được thể hiện trong Nghị định mới ban hành hôm 18/7, như quy định cụ thể nội dung, trình tự phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí trong rừng; phân cấp thẩm quyền phê duyệt ở địa phương.

Các trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng… đã tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại của Nghị định 156/2018/NĐ-CP. Đặc biệt, thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho chuyển loại rừng đã giảm từ 75 ngày làm việc xuống còn 50 ngày đối với trường hợp do địa phương phê duyệt, từ 45 ngày làm việc xuống 30 ngày đối với trường hợp do Bộ NN&PTNT phê duyệt. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng được dồn về chỉ còn 1 cấp phê duyệt là HĐND cấp tỉnh đối với tất cả các loại rừng. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng cũng giảm từ 50 ngày xuống 35 ngày.

Với góc nhìn như vậy, Bộ NN&PTNT Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, Nghị định 91 không chỉ có nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, bất cập của Nghị định 156, mà còn là để các tổ chức, cá nhân, cộng đồng quan tâm hơn, thấy rừng đẹp hơn. Đồng thời, ngày càng có nhiều người hơn tìm đến rừng, phát triển đa dạng các hoạt động như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trồng dược liệu dưới tán rừng để sinh khí của rừng tăng thêm.

Để triển khai Nghị định 91, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm tăng cường “tiếp thị” văn bản quy phạm pháp luật này, thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và người dân biết đến Nghị định 91 nhiều hơn. Bộ trưởng kêu gọi các bên nên bỏ tư duy quản lý, tư duy xin - cho. Nghị định 91 nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ NN&PTNT tham mưu, ban hành luôn dựa trên mục tiêu đồng hành cùng địa phương, cùng nhau tạo lập những giá trị bền vững. Mục đích sâu xa của Nghị định 91 là ổn định, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư, lực lượng đang làm nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng, các ban quản lý rừng. Trên cơ sở khai thác thêm những giá trị tiềm ẩn của rừng, Nghị định 91 khi áp dụng trong thực tế sẽ góp phần chăm lo nhiều hơn cho những đối tượng liên quan đến rừng.

Đọc thêm