Một người nông dân được cấp tới... 13 sổ đỏ

Không tin cũng phải tin rằng, con số 13 là con số không bình thường đối với chủ hộ nông dân Nguyễn Văn Bổn ở thôn 7, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông Bổn bỗng dưng được UBND huyện Việt Yên cấp 13 sổ đỏ với 3.068 m2 đất nông nghiệp. Chẳng biết sự việc này là “phúc” hay là “họa”?

Không tin cũng phải tin rằng, con số 13 là con số không bình thường đối với chủ hộ nông dân Nguyễn Văn Bổn ở thôn 7, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Hiện tại, ông Bổn bỗng dưng được UBND huyện Việt Yên cấp 13 sổ đỏ với 3.068 m2 đất nông nghiệp. Chẳng biết sự việc này là “phúc” hay là “họa”?.

Ông Nguyễn Văn Bổn "khoe" được UBND huyện Việt Yên cấp 13 sổ đỏ, nhưng không được giao đất.

Trong “phúc có họa”

Một ngày tháng 2/2008, ông Nguyễn Văn Bổn họp gia đình thông báo với các con về việc gia đình mình sẽ phải bàn giao 96,3 m2 đất thổ cư trước nhà cho Ban quản lý Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37, đoạn từ Đình Trám (huyện Việt Yên) đi Phố Hương (tỉnh Thái Nguyên) dài 49,7 km, để nhận tiền đền bù.

Tin này khiến bốn đứa con ông Bổn có những trạng thái khác nhau, mừng vui lộ rỏ trên khuôn mặt. Cái Thủy - chị cả và đứa em gái thứ ba là Nguyễn Thị Thảo mừng thầm là sẽ được bố cho tiền xin vào các nhà máy ở các khu công nghiệp Bắc Giang làm công nhân cho gần nhà, không phải vào Bình Dương đi may thuê cho các Doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nữa.

Thằng Thành - anh hai và đứa em út là Nguyễn Văn Thuận lại có mong muốn khi bố nhận tiền đền bù sẽ nâng cấp “xưởng sản xuất vàng mã” của gia đình. Cả hai đứa còn nghĩ đến việc đổi đời chiếc xe máy cũ rích mà chúng nó đang sở hữu.

Trong lúc cả gia đình ông Bổn đang suy nghĩ về “phương án” bàn giao đất thổ cư của gia đình cho Ban quản lý, để nhận tiền đền bù và sử dụng đồng tiền này làm sao cho có hiệu quả, thì ngày 15/3/2008, ông Bổn được ông Trưởng thôn 7 mang hồ sơ đến nhà yêu cầu ông ký nhận bàn giao 60,6 m2.

Ông thấy diện tích đất thổ cư nhà mình trên bìa đỏ cũ tự dưng lại bị UBND xã Việt Tiến “làm mất hơn 35 m2” nên không ai trong gia đình ký vào hồ sơ của Tiểu ban dự án cả. Thế nhưng, sau đó ít ngày, ông Bổn lên UBND xã Việt Tiến thì mới biết ai đã ký vào hồ sơ để bàn giao đất của nhà mình cho Ban quản lý dự án rồi. Trong khi đó, ông Bổn không nhận được tiền đền bù 60,6 m2 đất thổ cư của gia đình.

Thế là, giấc mộng xin việc về gần nhà và đổi đời chiếc xe máy cũ cũng như nâng cấp “xưởng sản xuất vàng mã” của 4 đứa con gia đình ông Bổn không thực hiện được.

Trước sự việc trên, ông Bổn buộc phải tìm đọc tất cả các quy định của pháp luật về đất đai, về đền bù giải tỏa mặt bằng và các quy định về khiếu nại, tố cáo. Bước đầu, ông làm đơn khiếu nại đến UBND xã Việt Tiến; đến hạn đơn của ông không được giải quyết. Ông Bổn làm đơn đến Ban quản lý dự án và UBND huyện Việt Yên cũng không được giải quyết. Ông buộc phải làm đơn vượt cấp lên UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng giải quyết khiếu tố ở Trung ương. Số lượng đơn này lại vòng về tỉnh, về huyện, rồi lại về UBND xã Việt Tiến.

Rốt cuộc, từ năm 2008 đến nay, vài kg đơn từ khiếu nại của ông Bổn cứ vòng vèo “chạy từ dưới lên trên; từ trên xuống dưới” tạo thành vòng tròn khép kín mà không được giải quyết. Ông Bổn đành tặc lưỡi: “Thật, tưởng phúc ai dè thành họa…”.

Trong “họa có phúc”?

Trong xã Việt Tiến có 38 hộ gia đình cũng bị thu hồi đất thổ cư để Bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37 giống như gia đình ông Bổn, mà không được đền bù tiền giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số hộ gia đình ở thôn 7 cùng ông Bổn vẫn quyết tâm đi khiếu kiện để tìm đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

Một hôm, ông Bổn lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên để nộp đơn khiếu nại về việc thu hồi đất trái pháp luật của gia đình ông, thì bỗng dưng được cán bộ ở đây bảo về UBND xã Việt Tiến mà nhận… “đất đền bù”.

Về xã, ông Bổn được ông Trưởng thôn 7 yêu cầu ông ký nhận 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ký xong, ông Bổn nhận 13 sổ đỏ, trong lòng mừng vui không kể xiết.

Về nhà, ông Bổn gọi các con để báo tin mừng là nhận được 13 sổ đỏ đất “tái định cư”, đứa nào cũng mừng là “gia đình mình sẽ giàu… to !”. Xem lại 13 sổ đỏ, ông Bổn mới ngớ người ra rằng 13 sổ đỏ toàn là đất nông nghiệp, đều do ông Trần Vũ Thông (Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 37) ký cùng một ngày 20/6/2008, trên cùng seri từ AM 256626 (trừ AM 256628 và 256638 và 256639) đến AM 256641, với tổng cộng là 3.068 m2 đất nông nghiệp, sản xuất lúa hai vụ. Trong đó, có 6 sổ đỏ nằm liền kề với mặt đường...

“Giời thương, nên nhà mình được “phúc to rồi!” – ông Bổn nghĩ vậy mà không phải vậy. Bởi lẽ, ông lên Tiểu ban bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND xã Việt Tiến để làm thủ tục nhận tiền bồi thường 6/13 lô đất sát mặt đường Quốc lộ 37, thì cán bộ của Tiểu ban, bảo: “…Sổ đỏ giả”!

Ông Nguyễn Văn Bổn lại mang 13 sổ đỏ đến với cán bộ địa chính xã để yêu cầu bàn giao 13 lô đất nông nghiệp cho các con ông cày ải, sản xuất lúa cho kịp thời vụ. Cán bộ lật bản đồ địa chính ra bảo: “Tất cả 13 lô đất do ông Trần Vũ Thông cấp đều có chủ cả rồi”. Do vậy, tất cả 13 sổ đỏ tuy ông Trần Vũ Thông ký cấp cho ông Nguyễn Văn Bổn là thật; nhưng trên thực tế không có đất nên nó là “sổ đỏ giả”!

Cái Thủy cùng 3 đứa em của nó đều bảo với bố Bổn rằng, tuy là 13 sổ đỏ thật nhưng không có đất thì không thể mang số sổ đỏ này đi thế chấp ở Ngân hàng để vay tiền về nâng cấp “xưởng sản xuất vàng mã” và giấc mơ xin việc ở gần nhà được. Nó đang hy vọng và chờ đợi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở huyện Việt Yên nhanh chóng vào cuộc, làm sáng tỏ sự vụ “13 sổ đỏ không bình thường” này!  

Cán bộ huyện Việt Yên nói gì?

Ngày 21/3/2012, chúng tôi mang câu chuyện trên đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên để mong được làm rõ sự tắc trách trên. Ông Nguyễn Quý Dương bảo: “Mình mới được tổ chức điều chuyển công tác về làm Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên từ tháng 5/2011 đến nay, nên không biết việc cấp 13 sổ đỏ cho hộ ông Nguyễn Văn Bổn”.

Lát sau, ông Dương điện thoại mời ông Nguyễn Xuân Điệp (nguyên Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; nay là Giám đốc Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Việt Yên) để lý giải về “hiện tượng 13 sổ đỏ hộ ông Nguyễn Văn Bổn”. Ông Điệp nói: “…Lúc đó, Phòng căn cứ vào đề nghị UBND xã Việt Tiến và quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rồi đề nghị UBND huyện Việt Yên ra quyết định”.

Vậy, tại sao việc ra Quyết định cấp 13 Giấy chứng nhận quyền sử đất cho ông Nguyễn Văn Bổn, nhưng lại không có đất thực tế để bàn giao cho đối tượng được cấp đất ?

Ông Điệp nói: “Ở huyện, có ngày thẩm định hàng nghìn hồ sơ xin cấp đất nên không nhớ hết…!”. Cùng câu hỏi này, ông Trần Vũ Thông (Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên), nói: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát lại sự việc này, sai ở khâu nào sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm túc cán bộ ở khâu đó. Nếu có dấu hiệu của việc làm “sổ đỏ giả” với mục đích và động cơ trục lợi tiền đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37, thì UBND huyện sẽ chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên xử lý theo quy định của pháp luật".

Lê Trọng Hùng

Đọc thêm