Một số đặc thù của chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư

(PLVN) -Tính đến thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã triển khai đào tạo được 04 khóa đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được những phản hồi tích cực từ người học, người sử dụng lao động và toàn xã hội.
Bế giảng lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 1 tại Hà Nội
Bế giảng lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 1 tại Hà Nội

Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp được triển khai để thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Chương trình đào tạo hiện hành gồm có: Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1856/QĐ-BTP ngày 03/9/2020  của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chương trình chi tiết đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số  1507/QĐ-BTP ngày 22/9/2020  của Giám đốc Học viện Tư pháp. 

Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng về sự gắn kết những đặc thù nghề nghiệp của ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và kinh nghiệm đào tạo, sử dụng học viên sau đào tạo tại Việt Nam và một số nước trên thế giới. Vì vậy, Chương trình có một số điểm đặc trưng như sau: 

Về văn bằng tốt nghiệp

Học viên tốt nghiệp Chương trình đào tạo được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư.

Về đối tượng đào tạo

Học viên là người có trình độ cử nhân luật trở lên (bao gồm cả những người đang làm việc tại các Tòa án, Viện kiểm sát có nhu cầu tham gia khóa đào tạo). 

Về chuẩn đầu ra của Chương trình

Với mục tiêu trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, công nhận luật sư, góp phần tạo sự đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xây dựng nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước, nên người tốt nghiệp Chương trình Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư phải đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp sau đây:

- Nắm vững vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp; nắm vững quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, hiểu và vận dụng được kiến thức pháp lý trong các lĩnh vực nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư;

- Có năng lực thực hành các hoạt động nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; nắm được kỹ năng, nghiệp vụ của các chức danh khác trong hoạt động tố tụng;

- Tuân thủ pháp luật; chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; thường xuyên học hỏi, cập nhật, tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phục vụ hoạt động nghề nghiệp. 

Về nội dung Chương trình

Chương trình được xây dựng theo hệ thống tín chỉ và được chia thành 04 giai đoạn: Giai đoạn Nghề luật và môi trường nghề nghiệp; Giai đoạn Đào tạo kỹ năng cơ bản các chức danh; Giai đoạn Đào tạo thực tế, thực tập nghề nghiệp; Giai đoạn Đào tạo chuyên sâu. Nội dung chương trình cơ bản phù hợp, giúp học viên có được cái nhìn đa chiều từ góc nhìn nghề nghiệp của cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Tổng số tín chỉ phải tích lũy là 52 tín chỉ có cơ cấu như sau:

- Khối kiến thức bắt buộc (44 tín chỉ) bao gồm: Khối kiến thức, kỹ năng về nghề luật và môi trường nghề luật, Khối kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, Khối kiến thức thực hành nghề.

- Khối kiến thức tự chọn (8 tín chỉ) bao gồm các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư (học viên chọn học kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu của một trong ba chức danh này).

Thực tập nghề nghiệp

So với các chương trình đào tạo khác tại Học viện Tư pháp, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư có tỉ lệ thời lượng cho kiến tập, thực tập cao nhất (chiếm khoảng 18% tổng thời lượng của toàn bộ chương trình). Cụ thể, học viên có 01 tuần kiến tập đầu khóa học và 03 tháng thực tập các kỹ năng của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại các Tòa án, Viện kiểm sát, Văn phòng Luật sư, Trại giam…kết hợp với thực tập tại chỗ ở Học viện Tư pháp. Các bài học diễn án, thực hành tình huống, trao đổi kinh nghiệm, bình luận án cũng chiếm tỉ lệ đáng kể trong chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, trong thời gian thực tập, Học viện Tư pháp đã tổ chức một số buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, diễn án với sự tham gia đóng vai của các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đang hành nghề…Các hoạt động thực tập đa dạng đã giúp học viên có cơ hội kiểm chứng kiến thức, kỹ năng đã được trang bị tại nhà trường; phát hiện và điều chỉnh cách tiếp cận giữa lý thuyết và thực tiễn giải quyết vụ việc; trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp giúp cho việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt ghiệp.

Giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống

Xây dựng giáo trình, tài liệu là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Học viện Tư pháp khi triển khai các chương trình đào tạo. Đối với chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, Học viện đã xây dựng đầy đủ hệ thống giáo trình cho tất cả các môn học. Giáo trình được xây dựng theo hướng làm rõ kỹ năng nghề nghiệp cụ thể của từng chức danh trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; giáo trình có nhiều ví dụ, tình huống được phân tích từ góc nhìn nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư qua đó học viên tích lũy được các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết. Đặc biệt, Học viện đã sưu tầm, biên tập, nghiệm thu hệ thống hơn 60 hồ sơ tình huống từ những hồ sơ vụ án thực tế phục vụ cho các buổi học tình huống, diễn án, thực tập tại chỗ trong chương trình đào tạo; 07 Giáo trình, Tập bài giảng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. 

Phương pháp giảng dạy

Phương pháp đào tạo hiện đại, tăng cường thực hành, diễn án, tọa đàm. Học viện áp dụng tối đa phương pháp song giảng, tam giảng cho các bài học trong chương trình để học viên có cơ hội nắm bắt được kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và có được cái nhìn đa chiều cả từ lý luận và thực tiễn về nghề nghiệp.

Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy

Phù hợp với tính chất của chương trình đào tạo, sự tham gia của giảng viên thỉnh giảng là những Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư giàu kinh nghiệm vào hoạt động đào tạo là yêu cầu khách quan, không thể thiếu để giúp học viên tiếp cận không chỉ với các kỹ năng nghề nghiệp mà còn với các kinh nghiệm nghề nghiệp đã được giảng viên tích lũy từ thực tiễn hành nghề. Học viện Tư pháp đã xây dựng được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đông đảo, giàu kinh nghiệm nghề nghiệp thực tiễn và có khả năng sư phạm tốt. Thực tế giảng dạy các khóa đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cho thấy số giờ giảng do giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm chiếm hơn 50% tổng số giờ giảng và đều được học viên đánh giá cao. Đặc biệt, một số buổi giảng, tọa đàm với sự “tam giảng” của 03 giảng viên thỉnh giảng là Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên đang hành nghề đã tạo sự thu hút lớn đối với học viên, tạo cơ hội để học viên trao đổi, học hỏi, bày tỏ nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã triển khai đào tạo được 04 khóa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được những phản hồi tích cực từ người học, người sử dụng lao động và toàn xã hội. 

Học viện Tư pháp đang tuyển sinh lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư khóa 5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.  

Đọc thêm