Một số luận cứ về thời đại Hùng Vương từ những nghiên cứu của Giáo sư Phạm Huy Thông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bài viết của ông đưa tới cho độc giả những góc nhìn đa chiều, phong phú về ngày Giỗ chung của dân tộc Việt.

“Ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch xưa nay vẫn là ngày nặng ân tình đối với những người làm công tác sử học, khảo cổ học Việt Nam”(1). Đối với GS.TS. Sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông cũng không ngoại lệ, bởi ông cho rằng “Những người nghiên cứu sử học và khảo cổ học chúng tôi vinh dự và vui sướng xiết bao được góp phần đem lịch sử nghìn năm tiếp chiến công mọi tiền tuyến, đem ánh sáng kỳ diệu thời các Vua Hùng, thời Dóng [Gióng], thời Tản Viên, rọi con đường chiến thắng ngày nay và thanh bình ngày mai của dân tộc”(2). Và ông đã có nhiều công trình, bài viết, nghiên cứu sâu, rộng về ngày Giỗ Tổ (hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) đem tới cho người đọc những góc nhìn đa chiều, phong phú đối với ngày Giỗ chung của dân tộc Việt.

Đồng bào nô nức trong ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Nguồn: Internet.

Đồng bào nô nức trong ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Nguồn: Internet.

Về thời đại các Vua Hùng, GS.TS. Phạm Huy Thông cho biết có nhiều sử gia, nhà nghiên cứu ngay cả của Việt Nam cũng như trên thế giới hồ nghi, không tin có sự tồn tại của thời kỳ lịch sử ấy hay cho rằng đó chỉ là những câu chuyện hư cấu, huyền ảo, như: “Lê Văn Hưu không chép chuyện Hùng Vương trong Đại Việt Sử ký, không coi là có thật…Các sử gia từ Ngô Sĩ Liên đến các tác giả Cương mục thời Nguyễn đều có nói đến các Vua Hùng, song cũng đều có chua thêm “dĩ truyền nghi”…Thời Pháp, Ăng-ri Ma-xpê-rô, cũng như vừa đây, ở Huế và Sài Gòn, Linh mục Nguyễn Phương lại lần lượt bác bỏ sự có thật của các Vua Hùng, phủ nhận lịch sử nước ta đã từng trải qua một thời kỳ Hùng Vương” (3).

Tuy nhiên với sự hỗ trợ tích cực của lĩnh vực khảo cổ học, sự vào cuộc của khoa học công nghệ cùng những đánh giá, nhận định, phân tích của các nhà sử học,… câu chuyện về thời đại Hùng Vương đã dần trở nên sáng tỏ và khẳng định rõ ràng.

Một số bài viết, nghiên cứu của Giáo sư Phạm Huy Thông. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Giáo sư, Tiến sĩ sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông.

Một số bài viết, nghiên cứu của Giáo sư Phạm Huy Thông. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Giáo sư, Tiến sĩ sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông.

Để tìm hiểu về lịch sử Vua Hùng thì “Trong số những con đường không phải con đường văn tự để ngược dòng thời gian tìm hiểu dĩ vãng, có một con đường hữu dụng nhất, quý giá đặc biệt, là tra cứu dấu vết vật chất của cuộc sống đã qua… bằng khảo cổ học, bằng chính những vết tích cụ thể của con người sống thời Hùng Vương để lại, mà chứng minh, không thể chối cãi được, rằng thời kỳ Hùng Vương là có thật” (4).

Trong những năm 60-70 của thế kỷ trước đã có “một vụ mùa thắng lợi về việc tìm hiểu thời các Vua Hùng...nhận ra có bốn chặng: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gòn Mun, Đông Sơn…Văn minh Việt cổ đã được chứng minh là rất đặc sắc: đặc sắc ở những thế kỷ khai hoa và đã đặc sắc ngay ở những thế kỷ mới chớm nụ….phát hiện được hàng loạt văn hóa cuối thời đại đá mới bước sang thời đại kim khí ở dọc bờ biển: Văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh-Hải Phòng), văn hóa Hoa Lộc (Thanh Hóa), văn hóa Thạch Lạc (Nghệ Tĩnh), văn hóa Bàu Tró (Bình Trị Thiên) là những cội nguồn ở miền duyên hải của văn hóa Phùng Nguyên. Ở vùng trung du Sông Hồng đã mở đầu cho kỷ nguyên các Vua Hùng”(5). Rồi “Mười hai năm trước đây, chúng ta đã phát hiện được ở thôn Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú, cách Đền Hùng không đầy mười cây số, một di chỉ khảo cổ, một nơi cư trú của con người thuộc thời đại đồ đá mới, tận cùng thời đại đá mới và cũng có thể suy luận để cho rằng đã là thời đại kim khí…ước lượng di chỉ đó có niên đại cách đây khoảng trên dưới bốn nghìn năm.”(6).

Hơn nữa, Giáo sư cũng đưa ra một số dẫn chứng, lập luận cụ thể để khẳng định rõ nét hơn nữa vấn đề này như: những “đồ vật khiến chúng ta ngày nay ngạc nhiên nhất về trình độ hiểu biết và khéo léo của con người thời các Vua Hùng, mọi người đều công nhận là trống đồng, những trống đồng được sắp xếp vào loại 1 theo cách sắp xếp của Hê-gơ từ đầu thế kỷ, mỏng đều, gồm ba phần cân đối, hài hòa, mà tới nay ta vẫn chưa khám phá lại được bí quyết đúc.

Thời đại các Vua Hùng và văn minh Việt cổ không để lại - và các triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử ta về sau cũng thế - không để lại những công trình kiến trúc hay điêu khắc đồ sộ. Nhưng trình độ văn minh, giá trị nghệ thuật, tầm sâu và vóc vĩ đại không nhất thiết phải đo bằng khối, bằng cân. Chỉ mới quan sát thôi hiện tượng đối xứng của hoa văn trên gốm Phùng Nguyên, chúng ta vừa qua đã ít nhiều đánh giá được tư duy thẩm mỹ và cả tư duy toán học của con người của buổi đầu Hùng Vương dựng nước”(7).

Nội dung trong bài viết “Nhân ngày Giỗ Tổ năm 1971” của Giáo sư Phạm Huy Thông.. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Giáo sư, Tiến sĩ sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, hồ sơ 132.

Nội dung trong bài viết “Nhân ngày Giỗ Tổ năm 1971” của Giáo sư Phạm Huy Thông.. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Giáo sư, Tiến sĩ sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, hồ sơ 132.

Không chỉ vậy, khi khoa học công nghệ được ứng dụng và cho ra những con số xác thực thì chúng ta sẽ càng vững tin hơn về nguồn cội, tổ tiên, cha ông của dân tộc mình. “Dùng phương pháp C14, phân tích than tro và xương cốt còn lại ở một số di chỉ để nhận định mức biến diễn của khối lượng chất các bon phóng xạ, qua đó mà xác định niên đại các di vật đồng thời, cán bộ khảo cổ học vui mừng thấy những đoán định của mình được xác nhận rõ ràng là đúng. Hai di chỉ được đoán định là khoảng ba nghìn rưởi năm nay, thì được máy móc và tính toán trả lời là cách đây 3.328 năm và 3.405 năm. Hai di chỉ khác được ước lượng là cách đây ba nghìn năm… Tất cả những con số trên là được tính so với năm 1950, và với sai số này, rõ ràng việc chúng tôi sắp xếp loạt di chỉ loại Phùng Nguyên và sau đó, đoán định niên đại trước sau, nhận định rằng phản ảnh cuộc sống trên đất nước ta ở hai thiên niên kỷ trước Công nguyên – đó là vết tích thời các Vua Hùng, tất cả những việc làm và những suy nghĩ ấy là phù hợp với thực tế khách quan, là chính xác khoa học”(8).

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”

Câu ca dao ấy vẫn luôn hiện hữu trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Và với một quốc gia, dân tộc giàu truyền thống văn hóa, tôn vinh những giá trị cội nguồn thì “Uống nước nhớ nguồn là một tình cảm thiêng liêng của con người Việt Nam, thiêng liêng hơn nữa, ấy chính là ý chí kế tục sự nghiệp của cha ông, phát huy rạng rỡ những đức tính của giống nòi trong hoàn cảnh văn minh, tiến bộ của thế giới ngày nay”(8).

Chú thích:

1, 3/ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Giáo sư, Tiến sĩ sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, hồ sơ 146, tờ 9, 10.

2, 4, 6, 7, 8, 9/ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Giáo sư, Tiến sĩ sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, hồ sơ 132, tờ 9, 3, 3, 7, 5, 1.

5/ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Giáo sư, Tiến sĩ sử học – Xã hội học Phạm Huy Thông, hồ sơ 148, tờ 5-6.

Đọc thêm