Một tấc đất khiến thân tộc xô xát

(PLO) - “Chúng nó là họ hàng với nhau đấy! Tất cả những người ở đây cũng đều có họ mạc với nhau luôn! Ấy thế mà mang nhau ra toà đến bốn năm lần thế này đây” – những lời than vãn ngán ngẩm cứ lao xao dọc hành lang cho đến tận phía ngoài cổng toà án. Đến mức, chỉ thoáng nhìn là bảo vệ có thể nhận ra đó là những người có liên quan đến phiên xử mẹ chồng cùng hai nàng dâu vướng vào án “Làm nhục người khác” đang rầm rĩ suốt quãng thời gian qua…
Bị cáo Thư (bên phải) và An (bên trái) một mực cho rằng mình bị vu khống.

Bị đơn nói không, nhân chứng bảo có

Vậy là phiên xét xử lần thứ 4 được mở nhưng lại bởi lý do khách quan mà Hội đồng xét xử không thể tiếp tục phiên toà mà buộc phải trì hoãn thêm một lần nữa. Và như vậy cũng chẳng lấy làm lạ khi những người có mặt tại phiên xử trở nên uể oải, chán chường. Họ mệt mỏi không phải chỉ bởi vụ việc bị kéo dài mãi mà chưa có được kết luận đích đáng mà cả chục con người còn mỏi mệt bởi nỗi bức xúc  khi phải mang vụ việc ra chốn pháp đình nhiều lần đến thế.

Với HĐXX, phía vành móng ngựa là mẹ con bị cáo Đàm Thị Thư (56 tuổi) và Nguyễn Thị Tám (26 tuổi), Đàm Thị Thúy An (24 tuổi) bị truy tố về tội “Làm nhục người khác”. Ở vị trí bị hại là Đàm Thị P. (42 tuổi). Nhưng với tất cả những nhân chứng ở đây, họ không chỉ là hàng xóm mà còn là người chị, người cô, người bác; những người có quan hệ thân tộc khăng khít với nhau.

Ấy thế mà theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Sóc Sơn ghi lại rằng, do mâu thuẫn về đất đai nên giữa gia đình bà Thư và chị P. từ lâu đã coi nhau như thù địch. Để rồi, “cao trào” vụ việc xảy ra vào một buổi sáng, khi đi xe đạp ngang qua nhà bà Thư, chị P buông lời chửi bậy khiến hai bên xảy ra cãi vã. Bà Thư vô cùng bực tức vì mới sáng sớm đã bị chửi bới vô cớ nên bà này lấy rơm quấn thành cụm nhỏ cất đi để đợi cơ hội “dằn mặt” người mà theo vai vế bà phải gọi bằng chị.

Khoảng 2 tiếng sau, khi thấy chị P đạp xe ngang qua ngõ nhà mình, bà Thư lao ra, kéo đổ xe khiến chị P ngã xuống đường. Nghe tiếng mẹ chồng la hét, hai cô con dâu của bà Thư là Tám và An liền chạy ra túm đầu chị P đập xuống nền đường bê tông. Lúc này, bà Thư chạy vào lấy nhúm rơm chuẩn bị trước đó châm lửa đốt vùng kín của chị P, nhưng do trời mưa, lửa vụt tắt. Thế nhưng lửa tắt lại như khiến cơn giận của bà Thư bốc lên ngùn ngụt, bà Thư tiếp tục sai Tám lấy nhúm rơm thứ hai ra đốt. Ngọn lửa từ nhúm rơm của Tám đã khiến chị P cháy xém một mảng ở đùi phải. Và đến khi hàng xóm vào can ngăn thì chị P mới thoát thân.

Bà Đàm Thị Chỉnh (bên phải)  bức xúc vì hành động ngang ngược của đứa cháu gây ra cho con gái mình.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 10/2015, bị cáo Thư khăng khăng rằng mình không tụt quần, không làm nhục, không đánh, không đốt vào vùng kín của chị P. Các con dâu của bị cáo không tham gia. Tất thảy những gì bị cáo làm chỉ là giằng co với người hàng xóm vì do chị P. chửi bới nên bị cáo đuổi theo và nắm lấy xe đạp khiến chị này ngã. Người hàng xóm đã lăn ra đường và kêu gào. Việc chuẩn bị nhúm rơm, bị cáo Thư cho biết là để đốt vía khi khách mua hàng chứ không nhằm mục đích đốt chị P.

Chuyện trở nên ngày một phức tạp khi bản án sơ thẩm cũng như tại các phiên xét xử công khai ghi nhận lời khai của tất cả các nhân chứng cam đoan rằng có việc ba mẹ con bị cáo Thư đã cùng xuất hiện hành hung và làm nhục chị P.: “Bà Thư còn ngang ngược chỉ tay như tuyên thệ rằng có gọi cả toà án đến bà cũng đốt hết. Tôi ở đây không chỉ là người chứng kiến mà tôi còn có quan hệ họ hàng với cả 2 bên chứ chẳng phải ghét ai, bênh ai mà bịa đặt. Tất cả những gì tôi nói, tôi thề, tôi cam đoan là sự thật!”.

Nhắc chuyện này, ông Đàm Thuận Ước than thở: “Chán lắm, con cô, con cậu ruột thịt với nhau cả vậy mà lại để xảy ra chuyện như thế này. Nội bộ họ hàng họp hành không sao giải quyết được cũng vì cứ cãi trắng, cãi đen. Giờ đến toà án phân xử, tất cả những người ở đây đều có quan hệ họ hàng với cả hai bên thì ai đặt điều làm gì mà không chịu nhận cho xong. Khúc ruột trên, khúc ruột dưới, ai bỏ được nhau đâu…”.

Theo nhận định của tòa cấp sơ thẩm, hành vi của ba mẹ con bị cáo Thư đã cấu thành tội “Làm nhục người khác”. Tuy nhiên, do bị hại cũng có một phần lỗi nên Toà án nhân dân huyện Sóc Sơn đã tuyên phạt bị cáo Thư 15 tháng tù, Tám 9 tháng tù và An 6 tháng tù, đồng thời phải bồi thường 18 triệu đồng cho chị P. Không đồng tình với bản án, 3 bị cáo đã làm đơn kháng cáo, người kêu oan, người mong muốn được giảm án thì bị hại lại trình đơn yêu cầu tăng nặng hình phạt và đề nghị xem xét hành vi của con trai bị cáo Thư khi dung túng, kích động và cản trở mọi người can ngăn, giúp đỡ chị thoát thân… 

Phiên phúc thẩm được mở và kéo dài ngoài dự kiến của mọi người. Sau nửa ngày xét xử, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định nghị án kéo dài tới ngày hôm sau để cân nhắc. Nhưng càng nghiên cứu lại càng thấy có nhiều khúc mắc, Hội đồng xét xử lại quay lại phần thẩm vấn đối với một số nhân chứng. Tuy nhiên do thấy chưa thông suốt, Chủ toạ phiên toà quyết định tạm dừng phiên xử và “khẩn thiết mong các nhân chứng được triệu tập có mặt đầy đủ để cùng làm sáng tỏ vấn đề” – vị này chân thành phát biểu trước khán phòng.

Một tấc đất, mất họ hàng

Tại phần thẩm vấn của phiên phúc thẩm, sau một hồi quanh co, bị cáo Thư một mực đổ tại kém hiểu biết mà đã cùng với hai con tấn công, đốt vùng kín của chị P. Thế nhưng, đứng bên cạnh bà, bị cáo An lại lạnh lùng khẳng định không tham gia cùng mẹ chồng tấn công chị P mà chỉ có mặt ở hiện trường theo dõi sự việc.

Sự rắc rối nằm ở chỗ lời khai của tất cả những người làm chứng đều bị các bị cáo một mực phản đối và kiên quyết cho rằng họ “vu khống” (?!) đã khiến phòng xử trở nên ngột ngạt đến khó chịu. Tới tham dự phiên tòa, một người họ hàng của bị cáo Thư cho hay, việc đánh người dường như là “truyền thống” của bị cáo bởi trước khi hành hung chị P, bà Thư còn đánh “te tua” một người hàng xóm – đồng thời  quan hệ họ hàng với bà cũng chỉ vì đôi lời to tiếng liên quan đến khoảng đất là lối đi chung mà gia đình bà Thư lấn chiếm gây khó khăn cho những hộ sinh sống gần đó.

“Chị P. và khoảng 20 người khác trong khu có ký vào một tờ đơn kiến nghị về chuyện lấn chiếm của gia đình bà Thư. Có điều, vì chị P. cũng nóng tính nên cũng đôi lần buông lời xúc phạm khiến mâu thuẫn của họ sâu sắc hơn. Trước khi thực hiện hành vi tàn ác của mình, bà Thư còn đi rêu rao khắp làng để mọi người ra xem chị P. bị bẽ mặt thế nào nhưng tôi tưởng bà ấy chỉ nói thế, ai ngờ…”, chị Nguyễn Thị Mai khẳng định.

Chị P. sau khi được bà con giải cứu đã được em trai và em chồng đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị phải xin bác sĩ về nhà uống thuốc chữa trị. Khoảng thời gian đầu chị chỉ nằm một chỗ không đi lại được, chị P thuật lại: “Trước đó  mọi sinh hoạt tôi vẫn có thể làm được nhưng sau khi bị hành hung thì chỉ ngồi một chỗ, nhiều khi còn không tự chủ được đi vệ sinh ở trong nhà. Bệnh viện trả kết quả nêu rõ tôi bị rạn xương sọ, giờ vẫn còn sẹo nhưng không hiểu sao hồ sơ chỉ ghi 2% tổn hại của cái răng bị lung lay… Bởi gia đình tôi và nhà Thư có quan hệ họ hàng nên cũng không muốn làm lớn chuyện. Nhưng vì mẹ con nhà Thư không hối cải sau khi gây nên nỗi đau lớn về cả tinh thần lẫn thể chất cho tôi nên tôi cương quyết đưa sự việc này ra ánh sáng”.

Bà Đàm Thị Chỉnh quay sang nhìn cô con gái duy nhất, nước mắt lăn dài trên gương mặt lam lũ: “Nó sinh ra đã không được khỏe mạnh như con người ta, chân tay yếu ớt, đến khi lớn lên thì bị tật hẳn. Lấy chồng nhưng không cậy nhờ được gì, suốt chục năm qua một mình nuôi 2 đứa con ăn học, cuộc sống khốn khó nhưng chưa bao giờ trách than. Thật không dám nghĩ rằng vì việc cỏn con mà xảy ra cơ sự như ngày hôm nay bởi cái P. và gia đình Thư cũng là anh em trong họ tộc. Bản thân Thư phải gọi P. là chị, gọi tôi là bác chứ có xa lạ gì nhau…”.

 Ngắt lời bà Chỉnh, chị Mai cho biết thêm, chứng kiến sự việc khiến nhiều người dân, đồng thời là họ hàng của bà Thư cũng hết sức bất bình trước thái độ hung hãn của bà và 2 cô con dâu: “Trước đây dù bị tật nguyền nhưng chị P. hàng ngày vẫn đạp xe khắp nơi thu mua sắt vụn nuôi 2 đứa con nhỏ. Vì chăm chỉ, hiền lành nên bà con quanh vùng ai cũng thương. Từ khi xảy ra sự việc, đến cái xe đạp P. cũng không đi nổi. Thương P. bao nhiêu thì tôi càng phẫn nộ trước hành động dã man của bà cô mình bấy nhiêu. Và có lẽ cũng vì thế mà tất cả những người đến đây dù đều là họ hàng với bà Thư nhưng cũng đứng ra làm chứng đòi công bằng cho P”.

Đọc thêm