Thực hiện kế hoạch đấu tranh Chuyên án 113T của Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn về việc đấu tranh với đường dây mua bán người dưới 16 tuổi, lúc 6h20 ngày 8/8, tại đường mòn lên biên giới, khu vực mốc 1227 (cách đường biên giới về phía Việt Nam khoảng 70m) thuộc địa phận thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chi Ma mật phục, bắt quả tang 1 đối tượng mua bán trẻ sơ sinh.
Đối tượng là Nguyễn Thị Bích Liễu (SN 1983, quê quán tại Bình Đức 6, Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Hiện Liễu lấy chồng Trung Quốc và cư trú tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Sau đó, Liễu về Việt Nam móc nối, mua bán trẻ sơ sinh. Khi bị bắt trên tay Liễu đang bế theo 1 bé trai sơ sinh mới sinh được vài ngày.
Liễu khai nhận, do có thỏa thuận trước, ngày 1/8/2019, Liễu nhập cảnh trái phép về Việt Nam đến TP Hồ Chí Minh gặp một số đối tượng là phụ nữ ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để nhận 1 bé trai vừa chào đời trước đó vài giờ.
Liễu đã đưa cho các đối tượng này 30 triệu đồng với lý do bồi dưỡng. Sau hành trình dài đi từ TP. Hồ Chí Minh ra Bắc, đến ngày 7/8, Liễu đưa bé sơ sinh đến Lạng Sơn. Khi đang trên đường mang cháu bé sơ sinh qua khu vực đường mòn biên giới thì bị lực lượng BĐBP bắt giữ.
Liễu khai không biết mẹ đẻ của cháu bé là ai, ở đâu và thừa nhận nếu đưa cháu bé sang Trung Quốc trót lọt rồi giao cho một người đàn ông Trung Quốc thì thị sẽ được nhận số tiền 50 triệu đồng tiền công chăm sóc và đưa đón.
BĐBP Lạng Sơn đã hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với nạn nhân, cháu bé sơ sinh đã được Đồn BPCK Chi Ma bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Lạng Sơn chăm sóc.
Trước đó, vào ngày 4/8, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với Đồn BPCK quốc tế Hữu Nghị tổ chức phá thành công Chuyên án 112T, bắt giữ 1 đối tượng có hành vi mua bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc.
Lúc 8 giờ, ngày 4/8, tại phía Tây mốc 1107, thuộc khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Lực lượng phối hợp phát hiện, bắt quả tang đối tượng Lò Thị Nguyệt (SN 1998, trú tại xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang bế theo một trẻ sơ sinh tìm đường vượt biên sang Trung Quốc.
Đối tượng Lò Thị Nguyệt tại Đồn BPCK quốc tế Hữu Nghị. Ảnh Vy Thượng |
Lò Thị Nguyệt khai nhận được một người thông tin qua điện thoại, lên Lạng Sơn liên lạc với mẹ cháu bé trai mới sinh là Thái Thị T. (SN 1995, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) để nhận cháu bé sơ sinh mới được 7 ngày tuổi và một số giấy tờ liên quan tại một nhà nghỉ trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, sau đó xuất cảnh trái phép đưa cháu bé sang tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc giao cho một người Trung Quốc. Nếu vụ việc trót lọt, Nguyệt sẽ được nhận 15 triệu đồng tiền công.
Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn
Thời gian qua, việc mua bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc mở rộng đến nhiều địa phương, với số lượng lớn. Ngoài mua trẻ sơ sinh, các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ đang có thai sắp sinh (mang thai 6-8 tháng) ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán con lại cho người Trung Quốc (còn gọi là mua bán bào thai).
Tính đến tháng 11/2018, huyện Kỳ Sơn có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc đẻ; trong số đó lực lượng Công an đã xác minh làm rõ 06 trường hợp sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc (mỗi trường hợp từ 80 đến 140 triệu đồng); các trường hợp còn lại do thường xuyên vắng mặt tại địa phương nên chưa thể xác minh, làm rõ được.
Vì vậy, ngày 9/1/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 213/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, trên cả nước đã phát hiện hơn 1.000 vụ mua bán người với gần 1.500 đối tượng mua bán, đã lừa bán hơn 2.600 nạn nhân. Đáng chú ý, trong đó có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc (chiếm 84,2% tổng số vụ) với 1.187 đối tượng tham gia, đã lừa bán 2.319 nạn nhân. Các địa phương phát hiện mua bán người nhiều nhất là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc như Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh...
Trước tình hình đó, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, bắt giữ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người sâu rộng trong nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng vùng miền, tập trung vào nhóm nguy cơ cao…