“Cháu la hét từ đầu đến cuối vì quá đau đớn. Mẹ cháu nói rằng, cháu cần phải cắt bao quy đầu mới có thể cao lớn và trở thành một người đàn ông thực thụ”, Vladimir Vincent Arbon chia sẻ với AFP sau 20 phút trải qua thủ thuật. Cậu bé nằm trong số 1.500 bé trai ở một thành phố gần Manila, phải trải qua thủ thuật đáng sợ này. Và không chỉ thành phố này, ở các nơi trên toàn quốc cũng diễn ra những cảnh tượng tương tự.
“Cắt bao quy đầu là việc đàn ông phải trải qua và là điều kiện cần để được gọi là đàn ông”, bà Joana Nobleza nói với AFP sau khi cậu con trai 11 tuổi Carlos trải qua ca tiểu phẫu.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 93% các cậu bé ở tầm tuổi 15 tại Philippines phải trải qua nghi thức cắt bao quy đầu. Thủ tục là nghi thức tồn tại hàng thế kỷ ở Philippines và đất nước này có tỷ lệ cắt bao quy đầu ở nam cao nhất thế giới. Con số này thể hiện một điều rằng, cắt bỏ bao quy đầu có một giá trị rất đặc biệt trong văn hóa Philippines.
Trong thập kỷ qua, thủ tục này đã gây nên nhiều tranh cãi trên thế giới. Các nhà phê bình nói rằng thủ thuật này là không cần thiết về mặt y tế. Hơn nữa cắt bao quy đầu còn bị chỉ trích là “lạm dụng trẻ em”, vi phạm quyền trẻ em. Thế nhưng ở Philippines đây là chuyện hoàn toàn bình thường và các cậu bé mới lớn phải đối mặt với áp lực khi bắt buộc phải trải qua thủ thuật đau đớn này.
Chi phí cho một ca phẫu thuật có giá từ 40-240USD khi được thực hiện trong bệnh viện, tương đương với một tháng lương công nhân tại thủ đô Manila. Đối với bé trai ở vùng nông thôn nghèo, việc cắt bao quy đầu sẽ được chính phủ hoặc cộng đồng tài trợ miễn phí.
Trước đây, các bé trai thường được nhai lá ổi trong quá trình cắt bao quy đầu. Song ngày nay, các bác sỹ sẽ tiến hành tiêm thuốc gây mê cho các em. Chính phủ Philippines cung cấp toàn bộ chi phí trên cả nước nhằm đảm bảo các bé trai được thực hiện cắt bao quy đầu đúng cách và hợp vệ sinh.
Các bé trai thường được cắt bao quy đầu trong thời gian nghỉ hè từ tháng 3 - 5. Trong khoảng thời gian này, nhiều trường học sẽ được chuyển thành các trung tâm y tế nhằm thực hiện nghi lễ cắt bao quy đầu cho các bé trai. Đối với những đứa trẻ này, việc không thực hiện nghi lễ còn đáng sợ hơn sự đau đớn mà các em phải chịu, bởi khi đến trường, các cậu bé chưa trải qua nghi lễ thường bị những cậu bạn khác trêu chọc, bắt nạt.
Với thực trạng này, Giáo sư Romeo Lee của Đại học De La Salle cũng nói rằng, đối với tư tưởng ăn sâu vào lối suy nghĩ của người Philippines, không cắt bao quy đầu có nghĩa đó là người khác biệt, hèn nhát, thiếu can đảm để trải qua nỗi đau và sự lo lắng.
Dùng hai tay bảo vệ phần dương vật đã được băng bó sau khi cắt bao quy đầu xong, cậu bé Erwin Cyrus Elecanal chia sẻ: “Trải qua thử thách này có nghĩa là cháu đã trở thành một thanh niên đầy bản lĩnh. Từ bây giờ cháu sẽ trưởng thành hơn và có ích với gia đình hơn”.