Thanh lọc tâm hồn trẻ
Ngay từ đầu tháng 6, nhiều chùa ở Hà Nội đã tổ chức các khóa tu dành cho trẻ từ 12 tuổi. Gần như lịch đăng ký ở các chùa lúc nào cũng kín mít bởi nhu cầu của bố mẹ và học sinh khá lớn. Tại Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (tổ 10, phường Cự Khối, quận Long Biên, TP Hà Nội) đầu hè tấp nập phụ huynh ra vào xin cho con được nhập học khóa tu ngày hè.
Các ngày chủ nhật trong tuần bắt đầu từ ngày 05/06/2016 đến 28/08/2016, chùa sẽ tổ chức chương trình sinh hoạt hè dành cho các em mọi lứa tuổi. Chùa tạo môi trường sinh hoạt lành thiện cho các bé trong thời gian nghỉ hè. Hướng dẫn các bé tìm hiểu và thực hành Phật pháp áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, các em được tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức các chương trình sinh hoạt cho các bé như: Tết Thiếu nhi, lễ cài hoa hồng mùa báo hiếu, ngoại khóa tại Thiền viện Trúc Lâm An Tâm, Chùa Tiêu, Tết Trung thu… Tất cả phí tu tập trong suốt 3 tháng hè của trẻ, nhà chùa không áp phí mà tùy tâm cúng dường, tùy điều kiện hoàn cảnh của phụ huynh.
Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cũng là địa chỉ mà các phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình trong nhiều năm qua. Theo sư thầy Thích Thạnh Trí, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, các khóa học chủ yếu dạy về đạo lý nhà Phật, các sư thầy muốn hướng các cháu hiếu lễ với bố mẹ, ông bà, thầy cô.
Giảng về các giới (không trộm cắp, không lừa đảo, không nói dối), những đứa trẻ quá hiếu động thì được các thầy dạy cho các con ngồi thiền để tâm trí được tĩnh hơn…
Về việc ăn uống, sư thầy Thích Thạnh Trí cho biết, các con không được mang theo đồ mặn, bố mẹ đưa con lên nhập học rồi giao các con cho các thầy quản. Các con phải học cách sống tự lập và chung sống đoàn kết với các bạn khác trong đoàn.
Phải hoàn toàn nhập thân, từ học tập đến vui chơi y hệt như những người tu hành vậy. Các con phải tuân thủ chặt chẽ lịch hoạt động theo giờ: thức dậy lúc 4h30 sáng và đi ngủ lúc 21h. Ngoài ra, các con còn phải học tập tất cả các quy cách từ lời nói, tiếng chào, bữa ăn, giấc ngủ...
Các con sẽ được học những bài học vô cùng ý nghĩa khi tham dự các buổi giảng pháp, pháp đàm mà các sư thầy tổ chức. Như trong khoá tu mùa hè năm nay, các bài giảng có tên gọi “Tuổi trẻ có và không”, “Định hướng nhân cách”, “Thắp sáng niềm tin”, “Bến yêu thương”, “Tuổi trẻ trước ngưỡng cửa hội nhập”…được các sư thầy chuẩn bị hết sức chu đáo, mỗi bài giảng là mỗi bài học hướng dẫn cho bạn trẻ cách thức giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và tránh xa những cám dỗ hàng ngày.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, chùa Bằng A phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội lý giải thêm, các lớp học giáo lý nhằm tạo cho trẻ có thêm sân chơi ngày hè, giúp các trẻ bớt đi tâm xấu. Nhiều em trước đây đã sa vào những thú tiêu khiển tốn thời gian và tiền bạc nhưng khi vào chùa học đã thấy khỏe mạnh hơn, có thể chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình. Các em cũng học được cách thực tập chánh niệm để nuôi dưỡng niềm bình an cho mình trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó làm chủ được những tập khí buông thả, dữ dằn và để tìm thấy an lạc.
Sau khóa tu thiền này, các bạn trẻ sẽ có niềm an vui, thương và hiểu mọi người hơn, biết tự mình phục vụ cho chính mình. Cũng theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, gõ mõ và thiền là hai phương pháp mà các tu tập sinh khi bước vào sinh hoạt trong môi trường này phải học. Đọc kinh giúp trẻ biết lắng nghe, thanh lọc tâm hồn; Thiền sẽ giúp trẻ giải tỏa được căng thẳng, tìm lại sự bình an cho riêng mình.
Trẻ háo hức lên chùa học đạo |
Nét đẹp tâm hồn được gây dựng từ chốn từ bi
Thanh Thoa 12 tuổi, (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự, em đã tu tập ở chùa 3 mùa hè trước, mùa hè này, gia đình tiếp tục đăng ký cho học hè tại Trúc Lâm Tây Thiên. Hè đầu tiên nhập học, Thoa lúc ấy chỉ 9 tuổi đã bật khóc vì cảnh vắng lặng ở đây. Nhất là khi, chia tay bố mẹ để ở với chung với các bạn, đêm tối nghe chuông thỉnh, Thoa chỉ muốn xin về.
Thức dậy lúc 4h30 sáng và đi ngủ lúc 21h là một thử thách lớn đối với cô bé cũng như các bạn lần đầu tiên xa nhà dài ngày. Lần đầu tiên con phải gấp cái chăn màn, lần đầu tiên tự giặt quần áo, lần đầu tiên biết cách rửa bát khiến cô bé lóng ngóng. Thoa được các thầy hướng dẫn cách làm dần dần thấy quen tay. Các con tự xúc khẩu phần ăn cho mình, ra bàn ngồi nghe các thiền sư giảng đạo lý và kinh Phật, rồi lặng lẽ ăn, thưa gửi kính cẩn.
Hằng ngày, 2 bận đi xuống khu "Giáo đường" nghe giảng kinh Phật, rồi ngồi thiền. Thậm chí, 3h30 phút sáng hằng ngày, sau ba tiếng chuông thiêng là giờ "thức chúng" (ngủ dậy), các bé cùng các vị thiền sư ngồi thiền trong ánh điện lờ mờ, dưới sự giám sát của các vị tu hành nghiêm khắc nhất.
Nhưng khi trải qua 3 mùa học đạo, Thoa thấy mình trưởng thành hơn, sâu sắc hơn. Và năm nay, em và các bạn lại háo hức nhập môn tại chùa.
Là một đứa trẻ hơi ngỗ ngược, Đình Trung, 14 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội được bố mẹ cho đi “tầm sư, học đạo” tại chùa. Bị “cấm vận” các thiết bị điện tử, Trung thấy khó chịu, bức bối. Nhưng khi nghe các sư thầy kể chuyện về tình cha nghĩa mẹ, cuộc sống thanh vắng ở trong chùa, Trung tĩnh tâm và lắng mình xuống. Lại thêm được học cách tự lập, Trung thấy mình mạnh mẽ, yêu đời hơn.
Khi nghe giảng đạo hiếu, rất nhiều trẻ đã bật khóc khi nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ. Đứa trẻ nghịch phá, không thích vâng lời đã phải bật khóc trong giờ pháp thoại giảng về cha mẹ vì tự thấy mình tội lỗi ngập tràn.
Câu ca dao quen thuộc "Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"" - có ai chưa từng nghe nhưng để hiểu một cách sâu sắc thì không phải ai cũng biết. Núi Thái Sơn rất cao và lớn - công cha được ví như thế. Nhưng nghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn. Nước trong nguồn vừa sâu và vô tận, như thể tình mẹ rộng lớn bao la không bao giờ ngừng nghỉ. Sám hối, nhận ra những lỗi lầm của mình, không chỉ Trung, nhiều bạn trai cũng "mít ướt" khi nghe các sư thầy tâm sự. Đứa trẻ ngỗ ngược trong Trung đã bắt đầu chịu nhường nhịn, hòa đồng hơn và dễ tha thứ hơn...
Đạo hiếu không chỉ là truyền thống của người Việt Nam mà còn là nền tảng quan trọng nhất để làm người. Mục đích của khóa tu để các bạn trẻ nhận ra mình phải tu tâm dưỡng tính, sửa đổi mình nếu có sai sót, một lòng báo hiếu với cha mẹ.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cũng nhắn nhủ, các phụ huynh không nên giao phó hẳn cho nhà chùa trong trường hợp trẻ hư. Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với sư trụ trì hoặc ban tổ chức khóa tu hè về trường hợp của con mình để có sự phối hợp một cách tốt nhất với nhà chùa trong việc quản lý, giáo dục các em. Làm công tác tư tưởng cho con trước khi gửi con lên chùa. Khơi gợi những điều lợi lạc, vui vẻ để trẻ hào hứng thích thú, tự nguyện tham gia khóa học.