Mùa vàng ở bản Ka Ai…

(PLO) - Cuối tháng 5, cả bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) hối hả bước vào vụ gặt. Đến nay, với sự hướng dẫn, cầm tay chỉ việc của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Cha Lo, người Mày, người Sách bản Ka Ai đã thành thạo phương thức sản xuất lúa nước mà trước rất đỗi xa lạ với họ, mang về 6 vụ mùa no ấm.
BĐBP giúp dân bản Ka Ai thu hoạch vụ lúa chiêm.
BĐBP giúp dân bản Ka Ai thu hoạch vụ lúa chiêm.

Thành quả sau 6 mùa vụ

Mùa về, khắp nơi trong bản Ka Ai rộn rã tiếng nói, tiếng cười. Những hạt lúa vàng đối với người Mày, người Sách ở Ka Ai càng mang ý nghĩa thiêng liêng vì nó được tạo ra từ những giọt mồ hôi, công sức lao động và tình đoàn kết, gắn bó giữa những người lính Biên phòng với người dân trên rẻo núi cao thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Người dân Ka Ai nhớ rất rõ mùa hè năm 2014, dưới cái nắng như đổ lửa của biên giới miền Trung, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Cha Lo, BĐBP Quảng Bình cùng với đông đảo bà con, dân bản đã khẩn trương xuống đồng chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa nước đầu tiên ở bản Ka Ai. Theo kế hoạch, ngày 16/6/2014, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Cha Lo sẽ cùng đồng bào dân tộc Mày, Khùa tiến hành gieo xong 5ha ở bản Ka Ai. Do đó, việc gieo hạt vụ hè thu đầu tiên ở đây được tiến hành sớm hơn so với các vùng khác nhằm kịp thu hoạch trước khi mùa mưa lũ về.

Để đảm bảo vụ mùa đầu tiên thắng lợi, từ ngày 15/5/2014, Đồn Cha Lo đã cử 20 cán bộ, chiến sĩ với sự chỉ huy của Thiếu tá Ngô Thanh Tuấn - Chính trị viên phó và Thượng úy Phạm Xuân Ninh phụ trách hướng dẫn về kỹ thuật xuống “cắm chốt” ở địa bàn cùng lao động, hướng dẫn bà con sản xuất. Bộ đội và nhân dân đã tập trung nhặt đá, đắp bờ chia thửa, cày, bừa, bỏ phân xuống ruộng cho đến khi gieo hạt giống.

Giống như những vùng đất khác của quê hương miền Trung, bản biên giới Ka Ai thường xuyên phải gánh chịu thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng như đổ lửa, gió Lào quạt rát mặt. Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 39-41 độ C, khiến cho công việc lao động của những người lính Biên phòng và bà con dân bản càng vất vả hơn nhiều. 

Để hỗ trợ sức lao động cho quân dân trên cánh đồng Ka Ai, hai chiếc máy cày đã được tăng cường, trâu bò của dân bản cũng được huy động để làm ruộng theo phương pháp truyền thống. Nhân dân trong bản được bộ đội động viên tích cực tham gia lao động sản xuất với tinh thần tự giác và quyết tâm cao nhất. 

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Ngô Thanh Tuấn cho biết: “Lao động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi đã điều chỉnh thời gian làm việc một cách hợp lý, buổi sáng có thể làm sớm và nghỉ sớm hơn, buổi chiều làm muộn và nghỉ muộn hơn để bảo đảm sức khỏe cho mọi người. Chúng tôi luôn đặt năng suất lao động lên hàng đầu, sẵn sàng nghe và tiếp thu những sáng kiến của bộ đội cũng như bà con dân bản trong quá trình lao động. Điều quan trọng là, 100% cán bộ, chiến sĩ đều nhận thức được ý nghĩa của công trình ruộng lúa nước, từ đó cùng đồng sức, đồng lòng để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người Mày, người Sách bản Ka Ai

Ka Ai có 72 hộ, với 323 nhân khẩu đồng bào dân tộc Sách, Mày định cư từ trước đến nay. Điều kiện tự nhiên ở đây có nhiều đồi núi dốc, thời tiết rất khắc nghiệt, trình độ nhận thức, sản xuất của đồng bào còn nhiều hạn chế. Đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào việc săn bắn, canh tác lương thực trên nương rẫy, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của bà con rất khó khăn, thiếu thốn, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại. 

 Năm 2013, BĐBP Quảng Bình đã kêu gọi, phối hợp xây dựng 33 căn nhà kiên cố giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Sau khi giúp đồng bào “an cư”, BĐBP Quảng Bình đã nghĩ đến phương án cần có một dự án mang tính chiến lược để giúp các hộ dân Sách, Khùa ở đây lạc nghiệp, xóa đói giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, BĐBP Quảng Bình đã tiến hành khảo sát điều kiện đất đai, nước, khí hậu và đi đến kết luận, ở Ka Ai có thể triển khai trồng được lúa nước. 

Sau thành công của dự án lúa nước trên biên giới ở Tân Ly, Chăm Pu, Cà Xèng và quan trọng hơn là nhìn thấy được giấc mơ, khát khao của người dân, BĐBP Quảng Bình quyết định đầu tư, hướng dẫn nhân dân bản Ka Ai sản xuất cây lúa nước. Ngay sau đó, dự án lúa nước ở Ka Ai với diện tích khoảng 5ha và công trình dẫn nước sinh hoạt về phục vụ dân bản có tổng vốn đầu tư lên đến 6,3 tỷ đồng đã được triển khai, hiện nay đang chuẩn bị gieo hạt giống vụ đầu tiên.

Tính đến nay, sau 6 vụ mùa sản xuất lúa nước tại bản Ka Ai, với sự hướng dẫn, cầm tay chỉ việc của cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Cha Lo, đồng bào bản Ka Ai đã từng bước thành thạo với phương thức sản xuất lúa nước mà trước đây đối với họ rất đỗi xa lạ.

Ông Hồ Hùng - Bí thư Chi bộ bản Ka Ai tâm sự: “Bà con mình nói rằng, về xuôi thấy bà con dưới đó làm lúa nước khỏe hơn và không hay mất mùa như làm rẫy nên ai cũng muốn làm. Được BĐBP giúp đỡ nên bà con đã có ruộng, được chia lúa sau khi thu hoạch nên mừng lắm. Giờ cả bản đều biết trồng lúa nước, lo được gạo ăn rồi”.

Thượng tá Trần Đình Bính - Chính trị viên Đồn BPCKQT Cha Lo cho biết: “Khác với những vụ mùa trước, vụ mùa năm nay, đồng bào bản Ka Ai đã chủ động  được công việc của mình, cơ bản nắm chắc các quy trình sản xuất lúa nước. Cán bộ Đồn Biên phòng chỉ hướng dẫn thêm về kỹ thuật. Năng suất của vụ mùa này cao hơn hẳn so với các vụ mùa trước, ước tính hơn 4,5 tấn/ha”.

Với những thành quả đạt được sau 6 vụ mùa, có thể khẳng định, đây chính là giải pháp cơ bản để giúp bà con vùng đất biên cương xóa đói giảm nghèo mà lâu nay chính quyền, các ngành chức năng từ huyện đến xã trăn trở. Việc trợ cấp gạo hàng tháng chỉ là tạm thời trước mắt, còn việc trồng lúa nước mới thực sự trở thành “cần câu” để giúp bà con ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đây, câu chuyện về sản xuất cây lúa nước trên rẻo cao đầy núi đá vôi đã được làm nên bằng tình cảm quân - dân gắn bó...

Đọc thêm